Giữ lửa gia đình thời 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 một mặt đem lại những khía cạnh tích cực, nhưng cũng tạo ra những thách thức lớn đối với văn hóa gia đình, giá trị gia đình và giáo dục gia đình. Có ý kiến cho rằng, mối quan hệ gia đình đang có xu hướng lỏng lẻo và tính cá nhân hóa của mỗi thành viên trong gia đình cao hơn. Vì thế, không ít gia đình dù giữ kết nối với thế giới nhưng khoảng cách giữa các thành viên ngày càng cách xa. Do đó, các giải pháp để “giữ lửa” trong mỗi ngôi nhà vẫn tập trung ở việc vừa củng cố các giá trị văn hóa gia đình truyền thống vừa phát huy giáo dục, bổ sung các giá trị mới theo tiến trình phát triển xã hội…
Thiếu sự kết nối
Từ nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã thiếu vắng những bữa cơm chiều ấm áp. Ông kể: Sau giờ học, hai đứa cháu nội của tôi tiếp tục tới các lớp học thêm, cuối tuần thì đứa học đàn, đứa học vẽ. Tan giờ làm, cô con dâu về nấu cơm cho vợ chồng tôi ăn trước, rồi tất tả đi đón con gái vì cháu còn nhỏ. Con trai tôi làm báo nên thường bận vào cuối giờ chiều, vì đó cũng là cao điểm trong ngày sản xuất tin bài gửi tòa soạn, thành thử gia đình có 6 người nhưng ăn vào 3 thời điểm khác nhau, rất hiếm khi gia đình tôi tề tựu đông đủ. Nếu đông đủ thì mỗi cháu cầm một chiếc điện thoại vừa ăn vừa chơi chứ không thực sự hào hứng với bữa cơm. Tôi thấy nhiều gia đình khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. “Bữa cơm gia đình chính là chất gắn kết gia đình, nhưng giờ bọn trẻ học hành nhiều quá, cũng như việc chúng bị phụ thuộc vào chiếc điện thoại thông minh nên ở cùng nhà mà ông bà ít có thời gian trò chuyện cùng con cháu, nghĩ cũng buồn”, ông Thắng than thở.
Còn chị Nguyễn Ngọc Huyền (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: Chồng tôi từ ngày chuyển nghề môi giới bất động sản nên đi tối ngày. Tôi làm ngân hàng nên cũng bận rộn chẳng kém. Hai vợ chồng tôi vừa xây xong căn nhà 3 tầng, còn nợ tiền tỷ do vậy phải cùng nỗ lực kiếm tiền trả nợ. Con nhỏ thì gửi bà nội bên quận Dương Kinh, nhiều lúc tôi phải gửi cháu vài ngày vì về nhà quá muộn. Có khi cả tháng gia đình tôi mới ăn cùng nhau 2 - 3 bữa cơm, có lẽ vậy mà khoảng cách vợ chồng, con cái cứ xa dần.
Dễ nhận thấy, khoảng cách ngày càng lớn giữa các thành viên không chỉ xảy ra với gia đình ông Thắng, chị Huyền. Ngày nay, nhiều gia đình có phòng riêng cho các thành viên. Cả ngày đi làm, đi học không gặp nhau, may mắn thì còn được cùng nhau ăn bữa cơm tối, rồi ai lại về phòng nấy, hoặc mỗi người ôm cái máy tính, điện thoại đến lúc đi ngủ. Điều này khiến cho sợi dây kết nối giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo hơn.
Một chuyên gia về bình đẳng giới kể câu chuyện khi tới một trường tiểu học tại Hà Nội, lắng nghe các em chia sẻ về gia đình, rất nhiều các cậu bé, cô bé học lớp 3 ao ước thật giản dị rằng được ăn cơm mẹ nấu và được trò chuyện với bố, mẹ mỗi buổi tối, hay thi thoảng được bố, mẹ đưa đi học… nhưng cả bố và mẹ thường đi làm về muộn, mọi việc chăm sóc các em được phó mặc cho người giúp việc hay ông bà. Điều đó cho thấy vai trò của cha mẹ đặc biệt quan trọng trong sự đồng hành cùng con.
Với những câu chuyện gia đình thời 4.0, TS Lê Hoàng Nam - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích: Trong không gian số, các chuẩn mực đạo đức và hệ giá trị gia đình cũ suy yếu nhường chỗ cho các quan hệ ảo. Vì vậy, mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo hơn, thậm chí vượt ra ngoài sự kiểm soát của pháp luật, đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật số ra đời để kiểm soát. Sự thay đổi trong quan niệm hôn nhân và việc xây dựng gia đình của giới trẻ, xu hướng độc thân, chủ nghĩa cá nhân hóa và chủ nghĩa thực dụng đang làm cho các giá trị gia đình truyền thống đứng trước nhiều thách thức.
Giá trị gia đình đang bị thử thách
Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin các vụ việc liên quan đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đáng lưu ý là việc ứng xử lệch chuẩn của con cái đối với ông, bà, cha, mẹ. Đến nay dư luận vẫn chưa thể nào quên câu chuyện đau lòng về 3 cô con gái tưới xăng đốt mẹ tại Hưng Yên gây rúng động xã hội chỉ vì tranh giành đất ở. Rồi những chuyện tiêu cực vẫn xảy ra trong gia đình như: Anh chị em đánh cãi nhau, vợ chồng bất hòa, thiếu thủy chung dẫn đến gia đình tan vỡ… là những lực cản vô cùng nguy hại trong việc xây dựng và lan tỏa các hệ giá trị và chuẩn mực tốt đẹp của con người Việt Nam.
Ở góc nhìn pháp luật, nhận định về những vụ án liên quan tới gia đình, theo thượng tá - TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học: Hiện tượng người trong gia đình giết hại nhau đang diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây, báo hiệu những điều bất thường trong xã hội. Nhìn ở nguyên nhân gần, tức là nguồn cơn trực tiếp dẫn đến các tình huống xung đột gây án mạng, có thể thấy thủ phạm thường hạ sát người thân trong sự kích động tâm lý hoặc cơn nóng giận bộc phát. Và mâu thuẫn có thể đến từ tranh chấp đất đai, tài sản, quyền lợi hay ghen tuông tình ái, bức xúc từ lối ứng xử bạo lực, thiếu văn hóa giữa các thành viên trong gia đình.
TS Hiếu cho rằng, chính sự suy thoái văn hóa, xuống cấp về đạo đức lối sống, mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đó chính là thủ phạm giấu mặt, đứng sau chi phối ý định phạm tội, kế hoạch phạm tội và quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội của hung thủ. Hoàn cảnh xã hội, các tác động tiêu cực từ đời sống kinh tế, văn hóa, khiến các giá trị đạo đức truyền thống bị mai một, thui chột dần, nhường chỗ cho sự vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa lên ngôi.
Bàn về vấn đề này, TS Trần Thị Ánh Tuyết - Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho biết: Hiện nay, trong không ít gia đình, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái bị suy giảm, thậm chí có những gia đình còn “khoán” việc giáo dục nhân cách, lối sống của con em mình cho nhà trường và xã hội. Bản thân các thành viên trong gia đình cũng không hình thành được lối sống gương mẫu cho thế hệ trẻ, không duy trì được nền tảng, giá trị đạo đức trong các hành vi ứng xử trong gia đình, điều đó khiến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, giới trẻ cũng hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với những lối sống, hành vi ứng xử bên ngoài xã hội (đặc biệt là trên môi trường mạng internet), mà ở đó tồn tại không ít những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, sự thực dụng, trọng tiền tài, danh vọng, ích kỷ và tệ nạn xã hội... Đó chính là những rào cản trong xã hội hiện đại khiến cho việc xây dựng chuẩn mực đạo đức của mỗi con người cũng như mỗi gia đình Việt gặp nhiều khó khăn.
Ở góc nhìn khác, GS.TS Nguyễn Hữu Minh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết: Hiện nay ở nhiều gia đình, người vợ vẫn đảm nhiệm chủ yếu công việc nội trợ, bên cạnh công việc bên ngoài; đồng thời gánh nặng các công việc gia đình của người vợ chưa được người chồng đánh giá đúng mức. Việc cùng lúc gánh vác cả công việc bên ngoài và công việc gia đình khiến cho nhiều phụ nữ bị giảm sút sức khỏe, không có thời gian dành cho việc nghỉ ngơi, giải trí, từ đó hạn chế sự phát triển của phụ nữ cũng như làm giảm chất lượng mối quan hệ vợ chồng. Một vấn đề quan trọng thể hiện sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình là quyền tự quyết. Cho đến nay, người chồng vẫn thường là người giữ vai trò quyết định đối với một số công việc quan trọng trong gia đình. Với những việc lớn trong gia đình, vai trò quyết định của người đàn ông, người chủ gia đình vẫn là một thứ chuẩn mực ít được thay đổi.
"Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ phản ánh sự bất bình đẳng, đồng thời không thể hiện được tình yêu thương giữa hai vợ chồng. Hiện nay, bạo lực của người chồng vẫn còn rất nghiêm trọng ở Việt Nam", GS Nguyễn Hữu Minh nêu thực tế.
Có thể thấy, trong bối cảnh chuyển đổi của Việt Nam hiện nay, sự xung đột giữa giá trị cũ - mới, truyền thống - hiện đại cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc hình thành hệ giá trị gia đình gặp không ít khó khăn. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, ở nhiều nơi, giá trị gia đình còn bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng chức năng gia đình, từ đó, dẫn đến đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống.
Tìm cách “giữ lửa”
Điều đáng nói là ở thời 4.0 với sự lệ thuộc vào công nghệ ngày càng nhiều, vì thế các thành viên trong gia đình ngày càng lười giao tiếp với nhau. Do vậy, các giải pháp để “giữ lửa” trong mỗi ngôi nhà vẫn tập trung ở việc vừa củng cố các giá trị văn hóa gia đình truyền thống vừa phát huy giáo dục, bổ sung các giá trị mới theo tiến trình phát triển xã hội.
Với các gia đình trẻ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành (Trường Đại học FPT) khuyến cáo: Giữ hạnh phúc gia đình, nhất là gia đình trẻ hiện nay là điều không hề đơn giản. Quan trọng là mỗi người phải tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tổ ấm (tìm hiểu kỹ trước khi kết hôn, học các kỹ năng cần thiết về làm vợ, làm mẹ, làm chồng, làm cha), biết cân bằng các mối quan hệ và thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương nhau. Các thành viên hãy dành thời gian cho nhau, tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường của nhau, bởi vì những điều đó làm nên “ngọn lửa” yêu thương của một gia đình hạnh phúc.
Chúng ta đang dành quá nhiều thời gian cho công nghệ. Có khi cả gia đình đang ở cạnh nhau trong một không gian nhưng mỗi người đang theo đuổi suy nghĩ khác nhau, xem những nội dung và có kết nối khác nhau. “Dù vậy, khi công nghệ đang là xu hướng tất yếu của xã hội, thì cha mẹ không nên cấm đoán con một cách thái quá. Thay vào đó, cha mẹ hãy lập một kế hoạch để cả gia đình có thể tương tác với nhau thường xuyên hơn như: Bố mẹ có thể cùng con xem một chương trình truyền hình, chơi một trò chơi trên máy tính. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy dành thời gian để các thành viên cùng trò chuyện, chia sẻ trực tiếp với nhau, vì đó là sự kết nối bền vững”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng các gia đình cần quan tâm đến xây dựng nếp nhà. Nếp nhà ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển và hình thành kỹ năng sống cho trẻ. Ví dụ bữa cơm gia đình là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên nếp nhà và là cơ hội để các thành viên bày tỏ sự quan tâm lẫn nhau. Giữ mái nhà luôn là tổ ấm, nơi các con cảm nhận rõ nét tình yêu thương, sự quan tâm đến cha mẹ, ông bà.
Cụ thể hơn, ThS Hoa Hữu Vân - chuyên gia về bình đẳng giới, gia đình và trẻ em (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) nêu quan điểm: Chúng ta kiếm tiền để mua cho con bộ đồ đẹp, ăn món ngon, cho con học trường tốt… nhưng quên mất rằng, trẻ cần thời gian và hơi ấm của bố mẹ hơn tất cả. Chúng ta có nhiều cơ hội tăng thu nhập, thăng tiến và thành đạt, song lại không biết cha mẹ già sống cô đơn đang ngóng đợi con cháu.
Đánh giá cao sự chia sẻ trong mỗi gia đình, theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): Sự chia sẻ, lắng nghe tâm tư và suy nghĩ là chìa khóa của hạnh phúc trong thời đại ngày nay. Đó là sự chia sẻ những mối quan tâm, lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của các thành viên trong gia đình. Các gia đình có mức độ hiện đại hóa càng cao, mang nhiều đặc điểm hiện đại, như sống ở đô thị, có việc làm, có học vấn cao, mức sống cao, các khu vực kinh tế phát triển hơn thì các giá trị chia sẻ và trân trọng càng được các cặp vợ chồng thể hiện rõ.
Mới đây, kết quả nghiên cứu về hạnh phúc của Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho thấy: Yếu tố tình cảm, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình tạo nên hạnh phúc chứ không phải các yếu tố vật chất. Điều này cho thấy yếu tố vật chất có thể chỉ là điều kiện đảm bảo để xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi điều kiện vật chất đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu thì yếu tố quyết định gia đình hạnh phúc chính là các giá trị tinh thần có trong gia đình. Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng, khi con người còn khó khăn về kinh tế thì việc có cơm ăn no bụng và có áo mặc ấm là hạnh phúc, nhưng khi con người đã nỗ lực để có được cơm no và áo ấm thì hạnh phúc không chỉ là có cơm ăn và áo mặc. Xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ chú trọng đến yếu tố vật chất của gia đình mà bỏ qua các yếu tố văn hóa - tinh thần, đặc biệt là chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Nhận định về vai trò to lớn của gia đình cũng như việc bảo vệ và gìn giữ, PGS.TS Đặng Thị Hoa - Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) bày tỏ: Trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần phong, mỹ tục của gia đình. Cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi trọng chữ hiếu trong gia đình, nuôi dưỡng đức tính hiếu thuận và nhân nghĩa của con trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững và trường tồn. “Đồng thời là việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới của gia đình trong cuộc sống hiện đại cũng làm cho gia đình có đủ sức mạnh lan tỏa các giá trị yêu thương, chăm sóc, không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý và khoảng cách về thế hệ”, TS Đặng Thị Hoa nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Cảnh tỉnh lối sống vô cảm với gia đình
Hiện điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể nên đã có những điều kiện cơ bản để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng của mình. Nhiều giá trị quý báu của gia đình Việt Nam không ngừng được duy trì và phát huy. Giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân được coi trọng, tạo dựng nền tảng vững chắc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, các chức năng của gia đình Việt Nam đang có nhiều biến đổi, tác động đến các giá trị của gia đình. Để phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình trở thành nền tảng quan trọng để xây dựng chuẩn mực con người và các hệ giá trị Việt Nam phải đẩy mạnh công tác giáo dục gia đình, vun đắp các giá trị gia đình thông qua triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án trọng tâm về phát triển gia đình… Qua đó cũng để nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, thi đua xây dựng các gia đình văn hóa tiêu biểu mẫu mực.
Để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, các thành viên trong gia đình phải luôn gắn bó, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, đối diện khó khăn cùng nhau. Trong cuộc sống của mỗi người bao giờ cũng có niềm vui, nỗi buồn đan xen, sự quan tâm, lời động viên đúng lúc, đúng chỗ của những người thân sẽ là điểm tựa, là động lực tinh thần quan trọng để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Trong xã hội hiện đại, lối sống thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm đối với chính những người thân, gia đình của mình cũng đang là vấn đề cần cảnh tỉnh trong xã hội hiện đại. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, gia đình phải luôn là chỗ dựa vững chắc, là động lực để mỗi thành viên vươn lên trong cuộc sống.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa - Trung tâm tư vấn Linh Tâm (Hà Nội): Tôn trọng để hòa hợp là cốt lõi gìn giữ gia đình hiện đại
Gia đình là một tổ chức đặc thù, việc vận hành, xây dựng, vun đắp nó sẽ khó hơn những tổ chức khác chứ không dễ dàng. Vậy nên có những người làm lãnh đạo được cả cơ quan với hàng trăm người, nhưng về nhà lại không "lãnh đạo" nổi, bất lực khi mẹ với vợ cãi nhau suốt ngày.
Để một gia đình hạnh phúc thì thời đại nào cũng cần những yếu tố như vợ chồng, con cái yêu thương, chia sẻ với nhau, các thành viên có sức khỏe, tự chủ được kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần được đảm bảo…
Nhưng trong thời 4.0 hiện nay thì lại cần có thêm nhiều điều kiện khác nữa để đảm bảo hạnh phúc. Ở thời đại này, những gia đình kiểu mẫu ngày xưa chưa chắc sẽ hạnh phúc và tồn tại được. Ngày xưa gia đình hạnh phúc là cả nhà hòa thuận, ví dụ ăn cơm tối xong cả nhà cùng xem tivi với một chương trình thời sự, một bộ phim. Nhưng bây giờ lại có xu hướng tách riêng. Cơm tối xong mỗi người một phòng, mỗi người một thiết bị giải trí riêng và chúng ta phải tôn trọng điều đó. Nếu bố hay mẹ bắt con cùng ngồi phòng khách để xem thời sự thì không ổn.
Gia đình bây giờ khác xưa, nên cách xây dựng hạnh phúc cũng phải khác. Yếu tố cốt lõi nhất để giữ hạnh phúc gia đình trong xã hội hiện đại là tôn trọng để hòa hợp với nhau. Gia đình hiện tại phải tôn trọng nhau, tôn trọng cá tính, sở thích của nhau, làm sao để gia đình là nơi tái tạo lại sức lao động, tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi ở bên ngoài. Làm sao để về nhà được sống thảnh thơi, thoải mái trong không gian gia đình của mình để ngày mai tiếp tục đi làm. Theo tôi đó là gia đình hạnh phúc.