Kênh đào Panama cạn nước

Bảo Thư 26/06/2023 08:45

Ngày 25/6, thông tin từ Cơ quan quản lý kênh đào Panama cho biết, một đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua đang ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước của kênh. Nhà chức trách Panama đã phải áp phụ phí và giới hạn trọng lượng với tàu thuyền qua lại kênh đào này.

Kênh đào Panama. Ảnh: Gonzalo Azumendi.

Cùng với kênh đào Suez, kênh đào Panama nổi tiếng nhất thế giới, là tuyến đường vận chuyển trọng yếu giữa Thái Bình dương và Đại Tây dương, giúp tàu thuyền tránh hành trình xa và nguy hiểm, vòng qua mũi Cape Horn ở Chile, Nam Mỹ.

Tình trạng hạn hán được ghi nhận từ đầu năm tới nay, khiến mực nước của kênh đào Panama giảm mạnh. Điều này đe dọa nghiêm trọng hoạt động của tuyến vận tải thương mại hàng hải thế giới. Mực nước trong 2 hồ nhân tạo cung cấp nước cho kênh đào Panama liên tục giảm xuống, trong đó có hồ ghi nhận mức giảm hơn 10%. Kể từ đầu năm tới nay, hạn hán đã buộc cơ quan quản lý kênh đào Panama phải 5 lần hạ giới hạn mớn nước - tức là chiều cao thẳng đứng từ đáy tàu lên mặt nước, đồng nghĩa với việc các tàu phải giảm khối lượng hàng hóa để có thể di chuyển qua kênh.

Kênh đào Panama còn được gọi là “kỳ quan thép” của thế giới hiện đại. Bắt đầu từ giấc mơ kết nối thế giới bằng cách xây dựng một tuyến biển qua hai lục địa, kênh đào Panama đã được xây dựng trong 3 thập kỉ bằng mồ hôi công sức của rất nhiều người. Năm 1994, kênh đào được Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Hoa Kỳ công nhận là 1 trong 7 thành tựu kỹ thuật xây dựng lớn nhất của thế giới hiện đại.

Cắt ngang eo đất Panama tại Trung Mỹ, nối Đại Tây dương với Thái Bình dương, kênh đào Panama được xây dựng với mục đích để tàu bè giữa 2 đại dương có thể qua lại. Công trình đóng góp rất lớn về mặt kinh tế, góp phần giảm thiểu chi phí trong vận tải thủy. Trong quá khứ, để vận chuyển hàng hóa từ New York đến San Francisco, thay vì phải vượt qua hơn 22.500km qua eo biển Drake và mũi Sừng (Cape Horn) ở điểm cực Nam của Nam Mỹ, hiện nay, nhờ vào kênh đào Panama, việc đi lại chỉ tốn còn 9.500 km.

Ý tưởng về việc xây dựng kênh đào vượt qua eo đất của Trung Mỹ có từ năm 1534, với hoàng đế Charles V của đế quốc La Mã và vua Tây Ban Nha. Song mãi đến năm 1880, được khích lệ nhờ sự thành công trong việc xây dựng kênh đào Suez nối liền 2 đại dương, người ta mới bắt đầu xây dựng một kênh đào ngang mực nước biển (nghĩa là không cần các âu thuyền) thông qua Panama, vào ngày 1/1/1880, chiều dài tổng cộng 77km.

Bảo Thư