Thủy sản xuất khẩu: Thay đổi chiến lược để giữ đơn hàng

H.Hương 26/06/2023 08:30

Trong bối cảnh xuất khẩu giảm, các doanh nghiệp (DN) thủy sản đang tìm cách thay đổi chiến lược để có thể giữ đơn hàng, duy trì sản xuất, kinh doanh bằng cách tăng cường chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm xuất khẩu.

Các doanh nghiệp thủy sản nỗ lực tìm cách giữ đơn hàng xuất khẩu.

Xuất hiện điểm sáng

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2023 thấp hơn 29% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể kim ngạch, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 3,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu tính riêng trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 808 triệu USD, cao nhất từ đầu năm tới nay. Đáng chú ý, các mặt hàng chủ lực đã hạ dần mức độ sụt giảm so với cùng kỳ ở thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hà Lan…

Trong đó, Hoa Kỳ trở lại vị trí thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 5, đạt 150,89 triệu USD, tuy vẫn giảm 36,9% so với tháng 5/2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 562,5 triệu USD.

Mức giảm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 5 cũng chậm lại khi chỉ giảm 10% so với tháng 5/2022, đạt 150,27 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 512,69 triệu USD.

Có thể nói, hơn 1 năm qua và đến thời điểm hiện tại, ngành thuỷ sản Việt Nam gặp vô vàn khó khăn. Đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, thiếu hụt khiến cho DN trong ngành “đứng ngồi không yên”. Song để nỗ lực vượt khó, DN đã chọn cách thay đổi chiến lược để giữ từng đơn hàng.

Ông Phạm Hoàng Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Sao Ta chia sẻ, để bù đắp lượng đơn hàng sụt giảm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU, nhiều DN đã phải chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Nhật Bản. “Thị trường Nhật Bản lượng tồn kho không nhiều nên sức mua vẫn tốt, nhưng do lạm phát nên lượng tiêu thụ cũng hạn chế vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, để thâm nhập được vào thị trường này, phải đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng và truy xuất nguồn gốc tốt” – ông Việt nói đồng thời cho rằng, từ nay tới cuối năm thị trường vẫn ảm đạm. Sức mua tại thị trường Mỹ vẫn thấp vì lượng tồn kho lớn. DN muốn duy trì được phải tìm kiếm thị trường mới. Những thị trường nhỏ tại khu vực châu Á có sức mua tốt hơn.

Cơ cấu lại sản phẩm

Lạm phát tại các thị trường lớn của ngành thuỷ sản vẫn còn căng thẳng, nhu cầu tiêu dùng bị thắt chặt khiến các nhà xuất khẩu thuỷ sản trong nước dự báo thời gian phục hồi của ngành hàng này sẽ lùi đến cuối năm, thậm chí sang năm 2024.

Phân tích cụ thể ở từng thị trường, VASEP cho biết, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sụt giảm nhưng không giảm sâu như Hoa Kỳ và EU. Nhiều DN vẫn nhìn thấy ở 2 thị trường này điểm sáng lạc quan, đó là vị trí thủ lĩnh của hàng giá trị gia tăng Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước khác. Vì thế, khi lạm phát dần ổn định, xuất khẩu sang 2 thị trường này sẽ hồi phục nhanh hơn, bù đắp cho những thị trường còn lại.

Với thị trường Trung Quốc, sau gần nửa năm, có thể thấy sự hồi phục vẫn chậm, thậm chí xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang đây bị sụt giảm gần 30%. Tuy nhiên, nửa cuối năm, có thể diễn biến của thị trường này sẽ khả quan hơn so với đầu năm, khi người dân Trung Quốc thích nghi hơn với bối cảnh mới, lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và tiêu dùng sẽ hồi phục dần dần.

Nhận diện những khó khăn, thách thức, mỗi DN thủy sản có những giải pháp của riêng. Nhìn chung, các DN đều xác định đây là khoảng thời gian xem xét, rà soát lại chi phí sản xuất, giữ ổn định số lượng lao động và thu nhập cho người lao động, không mở rộng đầu tư. Đây cũng là giai đoạn DN dành thời gian nghiên cứu các sản phẩm mới phù hợp với bối cảnh thị trường hậu Covid-19 và lạm phát cao.

Bên cạnh đó, các DN cũng chủ động tìm kiếm cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục trở lại. Điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm.

Cùng với đó, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và gia công xuất khẩu cho các thị trường nhằm tận dụng năng lực chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu. Mặt khác, tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Theo VASEP, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc dù bị sụt giảm nhu cầu vì lạm phát nhưng không giảm sâu như Hoa Kỳ và EU. Nhiều DN vẫn nhìn thấy ở 2 thị trường này nhiều điểm sáng, đó là vị trí thủ lĩnh của hàng giá trị gia tăng Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước khác. Vì thế, chỉ cần lạm phát dần ổn định, xuất khẩu sang 2 thị trường này sẽ hồi phục nhanh hơn, bù đắp cho những thị trường còn lại.

H.Hương