Làm sao để kéo giảm chi phí logistics?
Chi phí logistics quá cao đã khiến nông sản Việt Nam giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thế giới. Hạ được chi phí này, nông sản Việt xuất khẩu sẽ nâng được giá trị, nâng được sức cạnh tranh.
Giảm sức cạnh tranh vì chi phí logistic
Khẳng định chi phí logistics đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang rất nỗ lực để giảm thiểu các chi phí phụ trội, song chi phí logistics chiếm tới 20-25% giá trị hàng hóa. Trong khi đó, trên thế giới, tỉ lệ này chỉ 14% và đặc biệt, tại Thái Lan chi phí logistics chỉ 12%.
Theo ông Tùng, về chất lượng, nông sản của chúng ta không thua kém, thậm chí nhiều sản phẩm còn vượt trội so với các thị trường khác, tuy nhiên, chúng ta vẫn bị thua họ về giá thành. Nguyên nhân là do, chi phí logistics cao khiến cho nông sản xuất khẩu của ta rất khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại của các thị trường khác.
Trong khi đó, bà Nguyễn Nam Phương Thảo - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) chia sẻ, thời gian vận chuyển thanh long từ TPHCM đi Mỹ mất tới 30 ngày trong khi thời gian bảo quản thanh long chỉ có 35 ngày. Như vậy sản phẩm chỉ còn 5 ngày lên quầy để đến tay người tiêu dùng. Chưa kể hầu như năm nào Hoàng Phát Fruit cũng có vài vụ trái cây bị thay đổi màu sắc, chất lượng do nhiệt độ tăng đột ngột khi vận chuyển.
Làm một phép so sánh, bà Thảo cho hay, tại Thái Lan, giá cước vận tải từ Bangkok đến các thị trường quốc tế thấp hơn hẳn so với giá đi từ Hà Nội hay TPHCM ít nhất từ 1- 2 USD/kg. Như vậy đã đủ chứng minh, chi phí vận tải của chúng ta ảnh hưởng thế nào đến giá trị của hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, thiếu chuỗi kho lạnh để bảo quản nông sản, hệ thống bến bãi manh mún... đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.
Bà Nguyễn Tú Uyên - Tổng Giám đốc Công ty CMU Logistics cũng nêu bất cập về việc, hiện đang vào mùa vải, nhưng ở khu vực trồng vải chưa có nhà máy chiếu xạ. Do đó, muốn xuất đi Mỹ, doanh nghiệp phải vận chuyển vải từ Bắc Giang lên sân bay Nội Bài để về TPHCM. Sau đó đưa về nhà máy đóng gói rồi vận chuyển đến nhà máy chiếu xạ trước khi xuất đi. Điều này khiến cho giá thành bị đội lên rất cao, thời gian vận chuyển kéo dài cũng làm giảm độ tươi ngon của trái vải.
Giải tỏa những điểm nghẽn
Logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu”của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, các DN dịch vụ logistics cũng đang nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng trong việc sử dụng các dịch vụ thân thiện với môi trường.
Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, song ngành logistics còn bộc lộ những hạn chế như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chi phí cao, năng lực cạnh tranh hạn chế, liên kết với các ngành hàng xuất khẩu chưa chặt chẽ, thiếu nhân lực chất lượng cao… theo giới chuyên gia kinh tế, đây là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của ngành logistics.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ban hành chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ vốn và lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp số hóa; đơn giản hóa và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính; đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại; tăng cường đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan hải quan và các cơ quan khác liên quan tới mô hình hải quan thông minh... Bên cạnh đó, phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam. “Với hơn 80% khối lượng hàng hóa thương mại trên toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, phương thức vận tải này chính là mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics” - ông Hải nhấn mạnh.
Giới chuyên gia nhận định, số lượng DN dịch vụ logistics phát triển nhanh nhưng chất lượng, quy mô của các DN còn thấp và gặp một số khó khăn nhất định. Điểm yếu của ngành logistics Việt Nam thời gian qua là mới tập trung phát triển thị trường nội địa, do đó cần mở rộng thị trường xúc tiến thương mại để thúc đẩy ngành này phát triển hơn nữa.