Mùa mưa, cẩn trọng nguy cơ ngộ độc nấm
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, các địa phương ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc nấm. Các chuyên gia cảnh báo, hiện nay bắt đầu vào mùa mưa, nấm phát triển mọc hoang mạnh, nhiều người dân vẫn có thói quen hái nấm dại chế biến thức ăn dẫn đến ngộ độc, nguy hiểm tính mạng.
Vào giữa tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra 9 trường hợp ngộ độc thực phẩm nghi do ăn nấm rừng có độc, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Cũng trong tháng 6, Trung tâm y tế TP Lai Châu (Lai Châu) thông tin, ở bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài có 14/21 người ăn trưa sử dụng món canh nấm lấy từ vườn nhà đã xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như đau đầu, buồn nôn... phải cấp cứu. Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, trong tháng 6 đã tiếp nhận và điều trị tích cực cho 6 bệnh nhân bị ngộ độc nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu.
Trước đó, vào cuối tháng 5 vừa qua, có đến 15 người thuộc 8 gia đình ở xã Sơn Điền, huyện Di Linh (Lâm Đồng) bị ngộ độc, phải nhập viện do ăn phải một loại nấm độc hái trên rừng. Sau khi ăn 30 phút, các bệnh nhân đều có triệu chứng tức ngực, nôn ói, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, co giật. Họ được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, nghi bị ngộ độc do độc tố của nấm rừng.
Theo cảnh báo từ Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trên thế giới hiện có hơn 10.000 loại nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc. Ngoài những loài nấm độc có màu sắc sặc sỡ, nhiều loại nấm độc màu trắng có hình dáng bên ngoài rất giống với nấm bình thường nên nhiều người đã hái về ăn gây nguy hiểm đến tính mạng. Cho dù nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng không phải loại nấm nào cũng có thể sử dụng. Các loại nấm độc kể cả sau khi đun nấu ở nhiệt độ 2.000C thì độc tố vẫn không bị phá hủy. Do đó, người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ, hàng năm cho thấy, vào thời điểm mùa xuân và đầu mùa hè, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng...), trong đó đã có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề dù đã được cứu chữa kịp thời.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ở nước ta có thể gặp các loài như nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón. Trong số các loài nấm độc thì loài nấm độc nói trên có hình thức rất trông lành tính, trắng đẹp rất dễ nhầm với nấm không độc, nhưng lại là các loài nấm độc nhất thế giới.
BS Nguyên chia sẻ, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm, các bác sĩ đã thấy nhiều trường hợp ngộ độc nấm vì hái nấm về ăn dựa theo kinh nghiệm truyền miệng, dù không rõ loại nấm đó có độc hay không. Điều đáng lo ngại là với loại nấm độc nhất thì biểu hiện ngộ độc lại xuất hiện chậm (sau ăn từ 6 giờ hoặc lâu hơn), khi đó chất độc đã đi sâu xuống ruột và vào máu, nên các biện pháp sơ cứu khó có tác dụng cần thiết.
Theo BS Nguyên, cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tử vong rất cao (trên 50%), có những gia đình đã tử vong cả nhà sau khi ăn phải nấm độc. Ngay cả các chuyên gia cũng khó phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Để tránh rủi ro, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, tuyệt đối không hái nấm hoang dại để ăn. Hoàn toàn không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc. Càng không nên ăn thử để khám phá. Trường hợp chẳng may ăn phải nấm nghi độc cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.