Phát huy giá trị di tích lịch sử của địa đạo Nam Hồng

Phạm Sỹ 26/06/2023 07:00

Địa đạo Nam Hồng thuộc xã Nam Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội) là một điểm tác chiến độc đáo, tiêu biểu ở vùng Đồng bằng Bắc bộ thời kỳ 1946 - 1954. Một thời gian khá dài, địa đạo bị lãng quên dẫn đến tình trạng xuống cấp. Với những giá trị đặc biệt, UBND huyện Đông Anh đang có kế hoạch triển khai cải tạo, khôi phục các giá trị của địa đạo Nam Hồng.

Một đầu địa đạo Nam Hồng.

Di tích lịch sử chứa đựng nhiều giá trị

Địa đạo Nam Hồng là một trong những địa đạo đầu tiên của Việt Nam. Đây được coi là liên khu du kích tiêu biểu nhất với hệ thống địa đạo, giao thông hào liên kết toàn xã tại các thôn: Tằng My, Đoài, Đìa, Vệ và liên thông sang thôn Thượng Phúc - Bắc Hồng; Sơn Du – Nguyên Khê. Hệ thống địa đạo ngầm có chiều dài hơn 10km, tạo thành một làng kháng chiến liên hoàn toàn xã, một pháo đài phòng ngự kiên cường.

Kỹ thuật xây dựng địa đạo Nam Hồng thể hiện trí tuệ, tài năng sáng tạo của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với những trận địa khác như: Địa đạo Củ Chi, địa đạo Phú Thọ Hòa - TP Hồ Chí Minh (1947); địa đạo Long Phước - Bà Rịa Vũng Tàu (1948)...

Địa đạo Nam Hồng khác hẳn với các hệ thống địa đạo từng có tại Việt Nam. Đó là phần lớn địa đạo được đào, nối thông qua những ngôi nhà trong khắp các thôn, xóm. Theo tư liệu còn ghi lại, đoạn địa đạo đầu tiên được đào nằm ở khu dân cư xóm Phó, thôn Đoài, dài 200m. Địa đạo Nam Hồng được đào theo kiểu xương cá, có trục chính kết nối với các nhánh.

Nhiều năm qua, di tích lịch sử cấp quốc gia chìm trong bóng tối, không phát huy được giá trị.

Tại nhà truyền thống Nam Hồng hiện còn lưu giữ bản sao bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Nam Hồng là một làng kháng chiến có thành tích chiến đấu oanh liệt. Hệ thống địa đạo chiến đấu Nam Hồng là một di tích lịch sử có một không hai ở Đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi thấy đây là một di tích lịch sử rất quý giá, rất cần được bảo vệ, tôn tạo để giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Cần có sự quan tâm và có đầu tư thích đáng”.

Ngày 29/1/1996, xã Nam Hồng vinh dự được Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 13/2/1996, Khu di tích lịch sử - văn hóa địa đạo Nam Hồng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Địa đạo Nam Hồng là một địa đạo rất đặc biệt của chiến tranh du kích ở Đồng bằng Bắc bộ và ở Hà Nội. Ngày xưa địa đạo này rất dài, có một thời kỳ Bảo tàng Quân đội cũng đã giúp phục hồi một số đoạn địa đạo nhưng sau đó thì không ai quản lý nên phần địa đạo chỉ còn hai đầu.

Cải tạo để phát huy giá trị

Các di tích còn hiện hữu gồm: Đoạn địa đạo gốc xuyên qua 4 gia đình dài khoảng 67m, đã được gia cố bằng bê tông cốt thép năm 1980 vẫn giữ nguyên hướng tuyến nhưng không còn theo kích thước hình dạng ban đầu. Đoạn địa đạo được đào lại năm 2004 theo mô tả của nhân chứng, đang xây dựng dở, dài khoảng 250m, tường trần xây gạch nối từ nhà dân, theo đường giao thông ngõ xóm ra trận địa chiến đấu...

Địa đạo Nam Hồng được đào theo kiểu xương cá, có trục chính kết nối với các nhánh. Địa đạo này cùng hệ thống giao thông hào, lũy tre, thành lũy trên mặt đất, đủ để chặn bước tiến của địch, tạo ra lối di chuyển thuận lợi, bí mật giúp kháng chiến bảo toàn lực lượng.

Theo bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, thời gian qua Thành ủy, UBND thành phố luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo xây dựng đồ án quy hoạch nhằm cải tạo, khôi phục và lưu giữ di tích này. Tuy nhiên cho đến nay công tác triển khai chưa được thực hiện, hiện nay huyện đã hoàn thành kế hoạch triển khai và đang tổ chức hội thảo xin ý kiến đánh giá từ các chuyên gia.

Hiện tại, huyện Đông Anh đã hoàn thiện đồ án tổng thể dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích địa đạo Nam Hồng, đồ án này đã được đơn vị chủ trì là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thuyết minh tổng thể và xin ý kiến góp ý từ các chuyên gia, nhà quản lý.

Theo Phó trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hoá, Thể thao Hà Nội) Dương Ngọc Long, cần làm rõ sự cần thiết, vị trí, hạng mục đầu tư như: Khu vực tiếp đón; mô phỏng làng kháng chiến; khu trải nghiệm và xây dựng mô hình quản lý di tích sau đầu tư... để hoàn thiện lại báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình các đơn vị chuyên ngành thẩm định theo quy định pháp luật.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội, TS Nguyễn Thị Dơn cho rằng, đồ án thiết kế cần bổ sung sự cần thiết đầu tư, giá trị của dự án, làm nổi bật hết giá trị của di tích. Vì đây là biểu tượng không phải của riêng Nam Hồng, mà là của huyện Đông Anh, nên việc phục dựng mô hình làng kháng chiến, phương án xây dựng nhà sinh hoạt truyền thống, tượng đài... cần phải nghiên cứu rất kỹ.

Phạm Sỹ