Chuyện tình bên hồ Ea H’Leo
Chúng tôi tới thăm hồ Ea H’Leo (xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) sau 3 tháng hồ chứa nước này được khánh thành và đưa vào khai thác. Ông Đoàn Long Hưng - Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ea H’Leo, khoát tay chỉ một vòng rộng rồi nói: “Hồ được khởi công ngày 29/9/2017. Ngày 10/3 vừa qua hồ chính thức cung cấp nước tưới cho 5.000ha đất canh tác, cung cấp nước sinh hoạt cho 10.000 dân của 3 xã: Ea H’Leo, Ea Răl và Ea Sol”.
Được biết huyện Ea H’Leo mấy năm trở lại đây nhu cầu về nước phụazc vụ tưới tiêu ngày càng lớn. Người dân trong huyện bên cạnh cây cà phê truyền thống trồng nhiều năm nay cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng những giống cây có chất lượng cao, như: Mắc ca, sầu riêng, bơ... Đó là những loại cây trồng rất cần nước tưới. Thấu hiểu điều đó nên sau khi huyện Ea H’Leo tiến hành xây dựng đề án ngăn sông Ea H’Leo để làm hồ chứa nước phục vụ nhu cầu dân sinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án đầu tư với số vốn gần 1.478 tỷ đồng.
Ông Đoàn Long Hưng cho hay: “Hồ hiện nay được đặt tên là hồ Ea H’Leo 1 bởi đây là giai đoạn 1. Giai đoạn tiếp theo sẽ xây dựng tiếp hồ chứa nước ở một vị trí thích hợp”. Rồi ông Hưng hào hứng khoe: “Khi công trình hoàn thành kinh phí dự toán vẫn còn nên ở dưới chân đập đang thi công một số công trình nhằm hỗ trợ việc cấp nước được nhanh chóng thuận tiện hơn”.
Nghe ông Hưng nói vậy tôi rất ngạc nhiên bởi xưa nay công trình xây dựng thường bị đội vốn, chứ nói công trình xây dựng xong lại còn dư tiền thì đúng là lần đầu tôi nghe được. Tôi hỏi lý do, ông Hưng cười tế nhị bảo: “Có câu chuyện tình đẫm lệ liên quan đến việc hình thành vùng đất này. Nhưng mà để chút nữa em mới kể. Giờ mời các bác tham quan đập nước, "check in" mấy kiểu ảnh đã”.
Trước mắt chúng tôi, hồ Ea H’Leo 1 khá rộng. Nhìn lướt qua cũng đã thấy trữ lượng nước khá lớn, đủ để cung cấp nước tưới cho 3 xã cùng hơn 10.000 người dân kia mà. Thế là đoàn chúng tôi ríu rít gọi nhau đi chụp ảnh. Mấy cô mấy chị có lẽ là những người hăng hái nhất. Họ đứng một mình hay tụ thành những nhóm nhỏ rồi í ới gọi cánh đàn ông con trai trong đoàn bấm cho mấy kiểu ảnh. Thôi thì máy điện thoại, thôi thì máy ảnh cứ thi nhau tanh tách.
Cũng đúng thật là, có đứng giữa mây trời và biển nước để tạo dáng mới thấy vẻ hùng tráng của đại ngàn. Trời vừa nắng lên sau cơn mưa rào, màu trời xanh thăm thẳm in thấm đẫm xuống mặt hồ. Một không gian thoáng đạt và mênh mông như đang gợi lên những điều thú vị.
Tôi níu tay ông Hưng hỏi: “Mới khánh thành chưa lâu mà hôm nay tôi thấy rất đông người đưa gia đình đến đây chụp ảnh. Chừng này không khéo huyện mình nên tính đến chuyện làm du lịch sinh thái đi là vừa”. Ông Đoàn Long Hưng lần này cười rõ là vui: “Có rồi đấy các anh. Huyện đã có phương án để xây dựng nơi đây thành điểm du lịch sinh thái. Có điều cũng phải tính đến phương án phù hợp. Ví dụ như chọn vị trí nào bên hồ để hình thành các tụ điểm du lịch. Như phải tính đến phương án đảm bảo an toàn cho khách tham quan. Hồ nước mênh mông đúng là tuyệt thật nhưng cũng phải làm sao cho du khách cảm thấy yên tâm hơn”.
Tôi cười và gật đầu đồng tình. Đúng là du lịch hồ không đơn giản như ta nghĩ. Việc đầu tiên là xác định vị trí thích hợp, kết hợp với trồng cây xanh tạo không gian tĩnh tại, tạo cảm hứng cho du khách. Đồi với một hồ nước lớn thì du lịch mặt nước rất cần có phương án đảm bảo an toàn.
Ông Đoàn Long Hưng bấy giờ mới cho biết thêm: “Chiều tối hôm qua các anh các chị đã đến thăm hồ Ea DRăng. Hồ này cũng được đắp đập chắn ngang con suối DRăng. Có điều hồ Ea DRăng nằm giữa thị trấn, nhỏ hơn và có cảnh quan quanh hồ bắt nguồn từ chính những công trình xây dựng dân sự nên khá bình yên và thuận lợi. Hồ Ea H’Leo1 này có khác nên làm du lịch cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Nhìn mọi người rủ nhau kéo cả nhà đến đây tham quan đã cho thấy những hứa hẹn các anh chị ạ”.
Nắng lên cao hơn, hồ Ea H’Leo1 như rộng thêm ra. Đứng từ mặt đập có chiều dài chừng nửa cây số nhìn xuống chân đập thấy bên dưới sâu thăm thẳm. Dưới đó những người công nhân xây dựng đang tiến hành thi công đường ống dẫn nước sinh hoạt. Còn nước phục vụ tưới tiêu đã được định hình chảy theo dòng sông cũ. Ông Hưng cho hay: “Sông Ea H’Leo vốn là con sông nhỏ, nó cùng với sông Ea DRăng bao đời nay cung cấp nước cho cư dân vùng đất này. Hai dòng sông tuy nhỏ nhưng dòng chảy của nó lại như ôm trọn cả một vùng đất trù phú. Tạo nên nguồn sống cho người dân Ê Đê, người dân Gia Rai bản địa và cả những người dân từ mọi miền đã về đây lập nghiệp”.
Được biết, huyện Ea H’Leo, nằm ở phía bắc tỉnh Đắk Lắk, giáp với tỉnh Gia Lai, có diện tích rộng gần bằng cả tỉnh Thái Bình. Huyện hiện có 29 dân tộc anh em cùng sinh sống. Với một địa bàn như vậy nên công tác đảm bảo nước sinh hoạt và nước sản xuất mỗi năm mỗi thêm nhu cầu là một bài toán không dễ dàng.
Trên địa bàn huyện vốn từ xa xưa có hai dòng sông nhỏ chảy qua, hai dòng sông nhỏ đó từ trong tiềm thức đã là một câu chuyện tình yêu vừa tha thiết, vừa đẫm nước mắt. Chuyện kể rằng đã lâu lắm rồi, thời đó dân cư còn thưa thớt, buôn làng còn thấp thoáng rừng xa. Chuyện kể rằng, thuở ấy có một người con gái tên là H’Leo. Nàng H’Leo nước da trắng ngần, đôi mắt nàng to như đôi mắt nai. Nàng H’Leo đẹp long lanh như vầng trăng mọc trên đỉnh núi Mẹ Dliê Yang. Mẹ Dliê Yang tức “Thần của rừng” đã sinh ra nàng H’Leo xinh đẹp tuyệt trần. Nàng H’Leo cứ thế mà lớn lên, càng lớn càng xinh đẹp. Thấy con gái mình như thế Mẹ Dliê Yang vui lắm, trong lòng “Thần của rừng” đã mường tượng đến cảnh đứa con gái đẹp như nụ như hoa của mình sẽ sánh đôi với chàng trai Ê Đê mạnh mẽ nhất.
Nhưng đúng là nàng H’Leo đã có được điều mà mẹ Dliê Yang từng nghĩ. Nàng đem lòng yêu chàng DRăng, một chàng trai Ê Đê vô cùng mạnh mẽ. Hiềm nỗi chàng DRăng lại sinh ra trong một gia đình người Ê Đê nghèo. Nhà chàng DRăng nghèo đến nỗi thóc lúa ngô khoai làm quần quật quanh năm vẫn chẳng đủ ăn.
Biết con gái của mình đã yêu chàng DRăng nghèo nên Mẹ Dliê Yang giận lắm. Mẹ tìm cách ngăn cản đôi lứa đến với nhau. Phải nói là sự ngăn cản của Mẹ Dliê Yang vô cùng quyết liệt. Nàng H’Leo đã bao ngày, đã bao nhiêu đêm quỳ trước mặt mẹ để cầu xin mẹ chấp nhận tình yêu của mình. Vậy mà lòng Mẹ Dliê Yang vẫn không thay đổi. Mẹ DLiê Yang một mực bắt nàng H’Leo phải rời xa chàng DRăng.
Nhưng Mẹ Dliê Yang càng ngăn cản thì nàng H’Leo và chàng DRăng càng yêu nhau tha thiết, họ không thể nào rời xa nhau được. Một đêm, nàng H’Leo cùng chàng DRăng phục quỳ bên mẹ Dliê Yang. Cả hai đã khóc, họ khóc bên mẹ DLiê Yang ngày này qua ngày khác, khóc đêm này đến đêm kia. Nước mắt của nàng H’Leo và của chàng DRăng chảy xuống tạo nên hai dòng nước chảy quanh mẹ Dliê Yang.
Nước mắt cứ chảy trôi, chảy trôi không ngừng thành dòng suối H’Leo và dòng suối DRăng. Hai con người yêu nhau không đến được với nhau đã hóa thành dòng nước. Hai dòng suối nước mắt ấy chảy tràn ôm lấy Núi Mẹ, lúc này Mẹ Dliê Yang cũng đã hóa thân thành ngọn núi cao nhằm ngăn cản đôi lứa. Nước hai dòng cứ chảy và chảy. Chảy đến Ea Súp thì hai dòng suối nước mắt gặp được nhau chảy thành một dòng. Dòng suối chập đôi ấy quyện vào nhau rồi rủ nhau nhập vào sông Sêrêpôk. Dòng Sêrêpôk có lẽ vì thế mà chảy ngược sang hướng tây và hòa vào sông Mê Kông.
Ông Đoàn Long Hưng ngừng kể, có ai đó trong đoàn mắt đỏ hoe. Chuyện tình yên đôi lứa thật đẫm lệ. Có điều là nàng H’Leo và chàng DRăng đã không mất đi. Thân xác và tình yêu của họ đã hóa thành dòng suối tưới cho vùng đất này thấm đẫm và đem lại nguồn sống cho con người nơi đây.