Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy...
“Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy…”. Những câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết hồi nảo hồi nào chợt khua vang ký ức…
Tôi thấy mình đang ngồi dưới bóng râm của cái áo tơi làm bằng lá cọ đã cũ rách của mẹ, cái áo tơi khiến tôi cảm thấy mặt trời trên đầu bớt gay gắt đi nhiều. Bờ đập chỗ tôi ngồi, gió nóng lồng lộng thổi rát mặt, nhìn ra xa xa là những cụm mây bông nhởn nhơ trôi dưới nền trời xanh thẫm.
Thửa ruộng đã bừa phẳng rộng mênh mông có mẹ tôi cùng các cô, các chị đang khom lưng cấy lúa. Cái áo tơi này lẽ ra mẹ mặc cho khỏi nắng nhưng lại bị tôi chiếm mất khiến mẹ chỉ mặc có mỗi chiếc áo đã sờn bạc.
Bờ cỏ xanh có đám cỏ gà bắt đầu loang màu trắng, chúng bị nắng hun héo tỏa ra một mùi thơm ngai ngái rất dễ chịu. Cỏ gà loang trắng có nghĩa là trời sắp mưa, cầu trời mưa xuống cho đỡ nóng, tôi nghĩ thầm thế trong đầu và cố tìm vài con gà chơi trò gà chọi. Lũ cào cào châu chấu lẩn trong cỏ xanh thường bất ngờ búng mình tanh tách nhảy ra khỏi ngọn cỏ. Chúng xanh giống hệt như màu lá, nếu không nhìn kỹ, thật khó có thể nhận được ra.
Tôi ngồi như thế rất lâu với lũ cỏ gà trong những buổi chiều nắng cháy và không hề biết rằng mình vừa chiếm mất cái “vũ khí” chống nắng của mẹ, không biết dưới ruộng sâu kia, nắng tháng 6 đã “đun” nước đến độ lúc bắt đầu thò chân xuống ruộng nhiều người phải rụt lên vì nóng. Người đi cấy phải chịu hai cái nóng, một từ trên trời dội xuống và cái nóng thứ hai từ mặt nước nóng bốc hơi lên hầm hập.
Mùa cấy tháng 6 đến ngay sau mùa gặt tháng 5 chỉ ít ngày nên mọi người đi làm đồng ai cũng gầy và đen cháy. Lúc ấy, tôi không hiểu tại sao lũ cua non ngốc nghếch lại cứ chạy lên bờ và thi nhau trèo lên những ngọn cỏ ngọn rạ đang phất phơ, không biết rằng đấy là lúc nước ruộng đã nóng đến độ lũ cua khộng chịu nổi phải bò lên tránh nắng. Bấy giờ tóm chúng rất dễ dàng, chỉ việc đem thùng, giỏ hoặc cắt cái ống tay áo cũ ra mà chứa, chỉ một lát là đầy. Còn muốn tìm lũ cua lớn mai chứa đầy gạch hoặc càng to tím lịm thì buộc phải thò vào những cái hang chúng đào dài theo bờ ruộng hoặc lật những bụi cỏ rậm rạp lên là thấy.
Lúc nắng gắt nhất, mẹ tôi sẽ tranh thủ đi nhặt cua một lát, tôi muốn theo đứa bạn cùng xóm đi bắt cua nhưng bị mẹ đuổi lên bờ, ngồi vào bóng chiếc áo tơi. Đứa bạn của tôi rất tài tình, nó chỉ đi loanh quanh mấy bờ ruộng một lát là giỏ cua đầy ắp, toàn những chú cua béo mai căng mọng đầy gạch và cả những chú cua kềnh có chiếc càng tím to tướng rất khỏe, bị cắp thì đau thôi rồi. Tôi nhớ mảnh nón “tốt nhẻm” bé tí mẹ nó cắt ra từ cái nón cũ mà nó đội trên đầu hôm bị say nắng vì mải bắt cua.
Nó bạo dạn và nhanh nhẹn chứ không nhát như tôi chỉ dám bắt lũ cua bò nắng trốn trên ngọn cỏ chứ tuyệt đối chưa bao giờ dám thò tay vào hang cua bên bờ ruộng. Tôi cứ tưởng tượng ra một con gì đó không phải con cua nằm sẵn trong đó, nó động viên và làm thử cho tôi xem mấy lần mà tôi không dám nên đành san cho tôi mấy con cua to. Khi nào giỏ nặng kha khá, chúng tôi sẽ mang lũ cua ấy về nhà trước để kịp nấu canh, chiều cả nhà đi cấy về có canh ngon ăn cho đỡ mệt. Có bát canh cua ăn cùng cà muối là nồi cơm bay sạch, mọi vất vả nóng bức ban ngày đã bay hết theo gió trên đồng xa.
Tôi còn nhớ có những lần, trời nắng đến nỗi lũ cá mài mại, săn sắt đuôi cờ nhỏ như ngón tay không chịu được nước nóng đã chết nổi trên mặt ruộng nhiều vô kể, chị tôi đi cấy vớt được cả rổ mang về cho bầy gà ăn. Lũ cá xinh đẹp có cái đuôi sặc sỡ khiến tôi tiếc đứt ruột và ước giá chúng đừng chết để tôi mang mấy con về thả chậu thì thích biết bao. Tôi hay được cử đi về xin nước mưa của một gia đình đầu làng khi cái ấm nhôm nước mang theo từ nhà đã hết sạch.
Nước mưa trong cái bể xi măng ấy ngọt và mát lạnh, lần nào tôi cũng uống no căng đến nỗi bước đi bụng còn kêu óc ách. Có lần xin nước đựng đầy ấm, tôi khệ nệ xách vẹo cả sườn, vừa đi vừa làm đổ, ra đến ruộng chỉ còn có một nửa. Bởi thế bố tôi đã nghĩ ra việc cho tôi đeo cái bi đông đậy nắp chặt vừa không bị đổ lại đeo được vào người không phải xách vẹo sườn nữa. Và cái bể nước mưa của gia đình tốt bụng lúc nào cũng đông người đến xin nước mang ra đồng uống ấy vẫn còn trong trí nhớ của tôi đến tận bây giờ.
Tháng 6, đi cấy là một nỗi cực trần ai. Đám mạ non cấy đến đâu héo đến đấy phải chờ đến khi chiều xuống, nắng dịu đi, thậm chí sáng sớm hôm sau mới thấy chúng tươi tắn trở lại. Buổi sáng, thường mọi người sẽ dậy ăn xôi nấu sẵn hoặc cơm nguội còn lại từ tối hôm qua rồi ra đồng từ rất sớm, lúc ấy trời còn tối lắm. Có những hôm chúng tôi trở dậy khi trăng vẫn còn sáng vằng vặc trên bầu trời đen thẫm, soi sáng rõ cả bờ ruộng đầy cỏ và luống mạ non còn ướt đẫm sương đêm. Ra đồng sớm, trời còn mát nên làm đỡ tốn sức, nhiều khi anh chị tôi nhổ đủ mạ cấy cho cả ngày rồi mặt trời mới bắt đầu lên. Đến chín, mười giờ sáng là gọi nhau lên bờ về nghỉ sớm tránh nắng.
Ngày ấy, mùa cấy kéo dài vài tuần mới kết thúc. Hết nắng lại đến mưa, tháng 6 hay có giông gió sấm sét nổ vang. Trời đang nắng nhưng chợt thấy gió to nổi lên từ phía chân trời xa, những cuộn mây đen vần vũ ùn ùn kéo tới cùng tiếng sấm ì ùng và hơi nước man mát đầy ngập không gian thì coi chừng mưa đến vuốt mặt không kịp. Tôi cũng đã gặp những cơn mưa có chân biết chạy từ phía xa lại, hạt mưa buốt lạnh và to tướng bay xiên trong gió quất vào người rát rạt.
Rất nhanh chóng, mưa ào ạt phủ kín cánh đồng. Gặp những trận mưa như thế mẹ tôi và các cô các bác bảo chúng tôi uống ngay vào bụng những ngụm nước mưa lạnh buốt và nhanh chóng tìm chỗ trú. Đấy là kinh nghiệm tránh cảm lạnh do đang nóng mà gặp mưa lạnh đột ngột, vậy mà đôi khi cũng không tránh khỏi cảm sốt. Đi cấy mùa này ở những đồng xa nếu gặp mưa có chạy về cũng không kịp nên dù nắng gắt thì người đi đồng vẫn cứ mang theo mảnh áo mưa phòng sẵn.
Mưa xuống nước ngọt và mát đầy đồng, khi đó lũ đỉa sẽ sinh sôi rất nhanh. Lội xuống ruộng sơ sểnh không chú ý là bị chúng cắn chảy máu ngay. Tôi rất sợ đỉa nên mỗi khi xuống ruộng đều thủ sẵn cái túi nhỏ trong đó trộn sẵn muối, vôi và bồ hóng. May mắn, chị tôi nhìn thấy cái mặt đỏ lừ vì nắng nên đuổi về cho đỡ vướng cẳng, giao cho nhiệm vụ về nấu cơm, đun nước để cả nhà về có cái ăn uống ngay. Bởi thế, tôi học được cách rút rơm rất khéo sao cho cây rơm dù sắp hết nhưng vẫn tròn đều và không bị đổ. Tôi cũng biết cách nấu cơm chín ngon lành mà không bị khê sống ngay từ những ngày ấy, lúc còn bé tí.
Cánh đồng mùa hạ luôn để lại trong tôi những hình ảnh lộng lẫy. Khung cảnh thiên nhiên sau cơn mưa thật vô cùng kỳ vĩ, dãy núi xanh ngắt phía xa có thể nhìn rõ từng lối mòn lên đỉnh núi, bầu trời sạch sẽ không một gợn mây. Tất cả đẹp và bình yên như một bức vẽ. Sắc cầu vồng rực rỡ trong buổi chiều nào bắc ngang chân trời vẫn cứ là sắc màu lung linh mà tôi ao ước nhìn thấy thậm chí là cả chạm tay vào nó. Cũng may là mỗi mùa cấy tháng 6 qua đi, tôi lại nhận ra người quê mình bớt đi một chút nhọc nhằn, vất vả.
Đã không còn những buổi trầm mình trong nắng gió trên cánh đồng, tôi chiều nay bỗng thấy bâng khuâng nhớ về những tháng ngày khờ khạo đã qua, thấy thương vô cùng những lam lũ nhọc nhằn ngày ấy. Và lần nào ngang qua cánh đồng tháng 6, tôi cũng giật mình tưởng chừng như vừa gặp lại một người thân quen cũ. Một đứa trẻ vừa ngang qua tôi với cái bi đông đầy nước mưa ngọt mát, có lần tôi thấy nó ngồi lặng yên dưới bóng của cái áo tơi lá cọ cũ kỹ trong một buổi chiều bên cạnh là đám cỏ gà bắt đầu loang trắng. Chỗ ven bờ nước, nó mang cái mặt đỏ bừng lăm le đi bắt những con cua bò lên ngọn cỏ trốn nắng…