Sự kỳ diệu từ những đứa trẻ ‘không tưởng’
Ngày 9/6, khi gặp lực lượng cứu hộ, bé gái lớn nhất trong số 4 đứa trẻ sống sót hơn 1 tháng trong rừng Amazon nói: "Cháu đói!". 4 em nhỏ sống sót một cách thần kỳ sau 40 ngày vất vưởng trong khu rừng mưa bí hiểm nhất thế giới trở về với xã hội loài người trong dáng vẻ tiều tụy. Các em thuộc cộng đồng Huitoto, em nhỏ nhất 11 tháng tuổi, em lớn nhất cũng chỉ 13 tuổi. Mẹ các em cùng hai người khác đã chết khi chiếc máy bay gặp nạn hôm 1/5/2023, khi từ một ngôi làng ven rừng Amazon tới thị trấn San Jose del Guaviare (Colombia).
Nói với phóng viên kênh RTVC, nhóm cứu hộ người địa phương đã kể lại khoảnh khắc đầu tiên họ gặp được các em nhỏ. "Cô bé lớn nhất Lesly lúc đó đang ôm em trên tay, nhìn về phía tôi. Lesly nói: Cháu đói!" - Nicolas Ordonez, thành viên đội tìm kiếm và cứu hộ kể.
Những đứa con của rừng mưa Amazon
"Một trong hai cậu bé đang nằm. Cậu bé đứng dậy, nói với tôi: “Mẹ cháu mất rồi”. Chúng tôi nói với bọn trẻ rằng, chúng tôi là bạn bè, được gia đình, cha và chú của các em gửi tới. Sau đó cậu bé chỉ trả lời: "Cháu muốn ăn bánh mì và xúc xích" - ông Ordonez nói trong nước mắt.
Trong khi đó, một nhân viên cứu hộ, ông Rodrigo Bastidas cho hay: "Những người cao tuổi cộng đồng Huitoto bản địa tin rằng nếu bạn thấy một con rùa, bạn có thể xin nó một điều ước và điều ước đó sẽ thành hiện thực”. Ông Bastidas cho biết, nhóm của ông đã bắt gặp một con rùa chỉ nửa giờ trước khi tìm thấy 4 đứa trẻ. "Tôi nói với rùa: “Hãy tìm bọn trẻ cho tôi" - người đàn ông kể lại.
Cả thế giới dõi theo số phận của 4 đứa trẻ lạc trong rừng rậm Amazon. Mỗi ngày đi qua, hy vọng lại mất dần bởi không một phép màu nào có thể trả lại cuộc đời cho những đứa trẻ gặp nạn trong hoàn cảnh như vậy. Nhỏ bé, yếu đuối, không khả năng tự vệ, không thức ăn nước uống, lại gặp tai nạn máy bay... Tất cả dồn lại thật khủng khiếp.
Nhưng rồi phép màu đã xảy ra. Những đứa trẻ đói khát và suy kiệt đã trở về.
Tại Bệnh viện quân đội Bogota, ông Manuel Ranoque - bố của 4 đứa trẻ cho biết: "Con gái lớn nói với tôi rằng mẹ của chúng không qua đời ngay mà còn sống bên cạnh các con thêm 4 ngày nữa sau vụ tai nạn máy bay. Trước khi qua đời cô ấy bảo bọn trẻ hãy đi đi, nói rằng chúng cần phải ra khỏi nơi đây và hãy tìm về với bố".
Người mẹ của 4 em bé này là bà Magdalena Mucutuy, một thủ lĩnh địa phương. Ngày 16/5, khi lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường chiếc máy bay gặp nạn, họ chỉ thấy thi thể của 3 nạn nhân xấu số, trong đó có bà Macutuy, nhưng không thấy bóng dáng của 4 đứa trẻ đi cùng.
Các nạn nhân mất tích là 4 chị em: Lesly (13 tuổi), Soleiny (9 tuổi), Tien Noriel (4 tuổi) và em bé Cristin (lúc đó 11 tháng tuổi và đón sinh nhật 1 tuổi trong rừng).
Nhận định 4 trẻ em còn sống sau vụ tai nạn, nhà chức trách Colombia đã mở chiến dịch tìm kiếm mang tên "Hy vọng". Ban đầu, chiến dịch có sự tham gia của 160 quân nhân và 70 người địa phương am hiểu sâu sắc về địa bàn nơi máy bay gặp nạn. Sau này, khi địa bàn tìm kiếm được mở rộng, tổng cộng có tới hơn 1.000 lượt người tham gia tìm kiếm.
Quá trình dùng trực thăng tìm kiếm lực lượng cứu hộ đã cho phát đoạn ghi âm lời bà ngoại của các nạn nhân, kêu gọi các cháu bình tĩnh không di chuyển để chờ người lớn tới cứu; với hy vọng những đứa nhỏ nghe thấy. Nhưng cuộc tìm kiếm vẫn vô vọng cho dù họ đã thấy những manh mối đáng kinh ngạc như dấu chân, một cái tã đã dùng, một bình sữa, trái cây ăn dở... Điều này cũng dẫn đến việc chính Tổng thống Colombia Gustavo Petro vui mừng thông báo đã tìm thấy các em sau 17 ngày, nhưng rồi phải rút lại thông tin. Tuy nhiên, chiến dịch "Hy vọng" không dừng lại. Trong vòng bán kính 50km từ chỗ xác chiếc máy bay gặp nạn, những toán cứu hộ vẫn không thôi hy vọng. Và rồi, tới ngày 9/6, sau 40 ngày tìm kiếm, cuối cùng niềm vui cũng đã đến khi họ tìm thấy 4 đứa trẻ vẫn còn sống ở khu vực cách hiện trường khoảng 5 km. Cả nước Colombia nghẹn ngào, hân hoan. Cả thế giới chung niềm hạnh phúc. Lúc tìm thấy thì những đứa trẻ đã suy kiệt. Trên cơ thể các em có nhiều vết thương do côn trùng cắn.
Làm thế nào để 4 đứa trẻ có thể sống sót qua 40 ngày trong khu rừng rậm rạp có rất nhiều rắn và muông thú hung dữ, là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Ông Fidencio Valencia - chú của các cháu tin rằng chúng sống sót nhờ ăn bột sắn. "Khi máy bay gặp nạn, chúng đã tìm thấy trong đống đổ nát một hộp farina và nhờ đó đã sống sót” - ông Valencia cho biết farina là một loại bột sắn mà người dân vùng Amazon vẫn thường ăn.
Nhưng thử hỏi ít gói bột sắn đó giúp lũ trẻ sống được trong bao lâu? Từ đó, nhiều người cho rằng yếu tố quan trọng nhất giúp 4 đứa trẻ sống sót là nhờ "sự che chở của rừng Amazon", khi chúng ăn trái cây rừng, vì rừng đang vào mùa sẵn quả. Bà Astrid Caceres - người đứng đầu Viện Phúc lợi gia đình Colombia cho rằng, “lộc rừng” là thức ăn cho lũ trẻ, nhưng đó vẫn là điều kỳ diệu vì ngay cả với người lớn khi lạc trong rừng rậm Amazon cũng khó có thể sống sót khi bị nỗi sợ hãi xâm chiếm, thần kinh rệu rã rồi buông xuôi.
“Kỹ năng sinh tồn đã giúp 4 trẻ em sống sót trong tình cảnh hiểm nguy luôn rình rập. Rất có thể điều đó và cách chăm sóc em được cô chị Lesly học được từ gia đình khi cha mẹ thường xuyên đi làm vắng nhà" - bà Caceres nói.
Còn theo bà Damaris Mucutuy - người dì của 4 em nhỏ thì cô chị cả Lesly 13 tuổi đã vận dụng các kỹ năng học từ trò chơi của bà để giúp các em sống sót trong rừng Amazon. Khi chơi, chúng dựng lên những lều trại nhỏ để có chỗ ẩn náu. Ngoài dựng lều, Lesly còn biết cách săn bắt thông qua những trò thường chơi với bà ngoại. Trong những ngày gian nan, cô bé Lesly Mucutuy đã biết cách dựng trại ở nơi hoang dã bằng cách dùng ruy-băng buộc tóc của các em. Lesly còn biết cách câu cá, săn bắn và tìm thức ăn an toàn từ các trò chơi mà cô thường chơi với bà của mình. Chính những kỹ năng sinh tồn cơ bản này đã giúp 4 đứa trẻ thuộc tộc người Huitoto sống sót sau vụ rơi máy bay hôm 1/5 khi đang đi cùng mẹ từ một ngôi làng giữa rừng Amazon tới thị trấn San Jose del Guaviare (Colombia).
Tổng thống Colombia, ông Gustavo Petro cũng cho rằng những kiến thức bản địa từ gia đình và cộng đồng, hiểu biết về cách sinh tồn trong rừng đã cứu sống các em. Cả 4 em đã sống sót trong rừng suốt 40 ngày. Đây là một ví dụ về sự sinh tồn sẽ đi vào lịch sử. Rừng đã cứu bọn trẻ. "Chúng là những đứa con của rừng già và bây giờ cũng là những đứa con của cả dân tộc Colombia" - ông Petro nói.
Sự trở về kỳ diệu của 4 đứa trẻ bị lạc trong rừng rậm Amazon tới 40 ngày được cho là một ví dụ về sự sinh tồn kỳ lạ của con người. Đó cũng chính là bản năng sống vô cùng mạnh mẽ đã làm nên phép màu giữa đời thường. Câu chuyện của “những đứa con rừng già” đã tạo niềm cảm hứng sống lớn lao, đem tới sự hân hoan cho con người.
“Những em bé không thể vùi lấp”
Trong thực tế, chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều vụ “chết đi sống lại” kỳ diệu của những đứa trẻ. Trong đó có những đứa trẻ bị vùi lấp trong đống đổ nát đến từ trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Trận động đất vào tháng 2/2023 đã khiến hơn 23.000 người thiệt mạng, nhưng đã có nhiều em bé, trong đó có cả trẻ sơ sinh, sống sót một cách thần kỳ sau nhiều ngày kẹt dưới đống đổ nát. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ gọi đó là “những em bé không thể vùi lấp”.
Ngày 10/2, lực lượng cứu hộ cẩn thận thò tay vào đống đổ nát. Sau ít phút, một em bé sơ sinh 10 ngày tuổi bị vùi lấp 4 ngày cùng mẹ của mình tại Yagiz Ulas (Thổ Nhĩ Kỳ) được đưa lên mặt đất trước sự vui mừng khôn xiết của tất cả mọi người. Cháu bé vẫn sống sót sau hơn 100 giờ kể từ khi trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra. Cũng trong ngày 10/2, có 9 em nhỏ được giải cứu từ dưới những đống bê tông và nhiệt độ lúc đó là 0 độ C.
Trong thảm họa ấy, tại thành phố Azaz của Syria, anh Jomaa Biazid không thể tin nổi còn gặp lại đứa con trai 18 tháng tuổi Ibrahim của mình - đứa con mà anh nghĩ rằng đã bị chôn dưới đống đổ nát khi trận động đất kinh hoàng xảy ra. Ngôi nhà của gia đình anh sụp đổ, vợ và con gái anh thiệt mạng. Biazid sững sờ không kìm được nước mắt khi nghe con trai cất tiếng gọi "Papa".
Cũng thật không ngờ là sau 1 tuần trận động đất xảy ra, những cuộc giải cứu thần kỳ vẫn xuất hiện. Những đứa trẻ bị vùi lấp hiện ra với cơ thể trầy xước, đói khát đã sống sót như một phép màu. Trong đó có Halit Ali Talha, một em bé 21 ngày tuổi. Cơ thể của bé đã được bảo vệ bởi mẹ bé - người đã chết trong vụ sập nhà trong trận động đất kinh hoàng ngày 6/2.
Làm thế nào mà những đứa trẻ có thể tồn tại lâu như vậy trong đống đổ nát? Theo ông Eric Zipper - Giám đốc tổ chức phi chính phủ Corps Mondial de Secours thì khi một ngôi nhà sụp đổ thường xảy ra 3 trường hợp: Nạn nhân bị đất đá chôn vùi toàn thân; bị chôn vùi một phần người, khiến nạn nhân mắc kẹt và bị thương; bị nhốt trong tường khi mọi thứ xung quanh đã sụp đổ. Trường hợp đầu tiên, cơ hội sống sót rất mong manh. Ở trường hợp thứ hai, việc giải cứu tương đối dễ dàng.
“Cuối cùng, trong trường hợp thứ ba, trường hợp khiến chúng tôi quan tâm, việc giải cứu phức tạp nhưng điều kiện sống sót tốt hơn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ” - ông Zipper nói và giải thích: Khi bị vùi lấp trong đống đổ nát, nhiệt độ cao hơn, nạn nhân tiêu thụ ít năng lượng hơn. Và trong tình huống này, trẻ sẽ có bản năng sinh tồn tự nhiên tốt hơn bởi lẽ người lớn có thể nhanh chóng kiệt sức vì suy nghĩ và cố thoát ra ngoài, trong khi trẻ nhỏ sẽ có xu hướng chờ đợi. Ông Eric cũng cho rằng trong những tháng đầu tiên trẻ sơ sinh có khả năng gần như ngủ đông, tim đập chậm hơn và quá trình trao đổi chất chậm. “Như vậy, bé tiêu hao ít năng lượng hơn, tiết kiệm sức lực hơn, nhờ đó cơ hội sống sót cao hơn”.
Cô bé 11 tuổi và 4 ngày đói khát trên biển
Hiếm hoi, nhưng cuộc sống vẫn cho thấy những điều thật kỳ lạ về ý chí sống, bản năng sống của con người. Câu chuyện cách đây 62 năm, xảy ra vào đêm 8/11/1961 vẫn khiến người ta choáng váng.
Trong một chuyến du lịch bằng tàu biển từ Florida đến Bahamas, gia đình tỷ phú Duperraults (người Mỹ) gặp cướp. 4 người bị giết. Chỉ còn bé gái Terry (11 tuổi) đã thoát chết một cách kỳ lạ, trở thành nhân chứng để tố cáo kẻ giết người man rợ: Thuyền trưởng Julian Harvey.
Trong một đêm giông bão giữa biển khơi mịt mùng, Terry 11 giật mình thức giấc, chứng kiến trọn vẹn cuộc thảm sát do Harvey gây ra. Cha mẹ bị sát hại ngay trước mắt bé. Dù vô cùng hoảng sợ nhưng Terry đã tìm thấy một chiếc phao nhỏ và thoát ra khỏi con tàu. Trong suốt 4 ngày lênh đênh trên biển không nước uống, không thức ăn, cơ thể bị hạ nhiệt vì thời tiết khốc liệt, làn da bị bóc ra do nắng mặt trời và nước mặn nhưng cô bé Terry đã sống sót.
Đáng nói là vụ thảm sát không để lại dấu vết, trừ Terry - người được tàu chở hàng của Hy Lạp phát hiện khi đang lênh đênh trên biển khi đã kiệt sức. Sau đó em được đưa tới bệnh viện ở Miami trong tình trạng mất ý thức, mất nước, bị bỏng nặng và sốt cao.
Gần 50 năm sau, khi đã về già, Terry mới tiết lộ câu chuyện kinh hoàng của gia đình mình trong cuốn sách có tựa đề “Câu chuyện về đứa trẻ mồ côi một mình trên biển”, với mục đích nhắc nhở mọi người hãy cảnh giác trước lòng tham của con người, cũng như những gì mà một cô bé phải chịu đựng suốt 4 ngày trên biển.
Bà Terry viết rằng, cuộc sống có những điều kỳ lạ, vượt qua sự tưởng tượng của con người. Nhất là khi liên quan đến sự sống và cái chết của trẻ thơ, những đứa bé yếu đuối, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống.
Những em bé “không tưởng”
Nhân vụ việc mới đây 4 em bé người Colombia thoát chết một cách thần kỳ sau 40 ngày bị lạc trong rừng Amazon, truyền thông thế giới đã đưa lại những trường hợp sinh tử kỳ lạ đến độ “không tưởng”. Trước tiên, đó là vào trung tuần tháng 9/1985, hai trận động đất liên tục cường độ 8,1 và 7,1 độ richter tại Mexico City khiến 10.000 người bị thiệt mạng. Hai bệnh viện sụp đổ hoàn toàn. Nhưng trong quá trình tìm kiếm, nhân viên cứu hộ đã phát hiện thấy 6 đứa trẻ bị vùi trong đống đổ nát tới 8 ngày mà không hề hấn gì. Chỉ có 1 bé gái bị chấn thương ở chân. Các chuyên gia cho rằng không gian nhỏ trong đống đổ nát giống như không gian trong trong bụng mẹ giúp bé tồn tại và các chất béo trong cơ thể có tác dụng giữ nhiệt trong những đêm mưa lạnh. Ngoài ra, do mới sinh, cơ thể chưa cần nhiều dưỡng chất từ ngoài nên những đứa trẻ này không bị ảnh hưởng. Đây chính là phép lạ giúp các em qua khỏi...
Một trường hợp khác, bé gái Terri Calvesbert, 22 tháng tuổi, ở Ipswich (Anh) đã sống sót khi bị bỏng tới 90%. Người mẹ vô tình để lại một điếu thuốc cháy dở trong phòng, ngọn lửa bắt vào rèm che và bùng lên. Toàn bộ cơ thể của bé, kể cả 2 bàn tay đã bị ngọn lửa cướp đi trong chốc lát. Khi lính cứu hỏa tìm thấy bé trong chiếc cũi, họ đã nhầm tưởng đó là một con búp bê nhựa bị cháy đen trừ phần được bảo vệ bởi tã ướt. Sau khi được cứu thoát ai cũng nghĩ bé sẽ chết vì bỏng, nhưng không ngờ bé vẫn sống sót một cách kỳ lạ sau hơn 50 ca phẫu thuật. Tới tháng 9/2013, Terri trở thành sinh viên đại học.
Ngược lại với trường hợp cô bé Terri Calvesbertbị bỏng do lửa, là Erika Nordby được mệnh danh là "bé gái đóng băng", nhưng không chết. Chuyện xảy ra vào đêm 23/2/2001 tại Edmonton Alberta (Canada) khi nhiệt độ ngoài trời âm 20 độ C. Bé Leyla Nordby, 13 tháng tuổi bỗng dưng rời giường ngủ, dò dẫm đi ra ngoài do khi ngủ gia đình quên đóng cửa. Sáng hôm sau, người mẹ phát hiện ra con gái đang nằm co quắp trong băng tuyết, trên mình chỉ có chiếc tã mỏng. Khi xe cấp cứu đến, người ta xác định Leyla đã chết lâm sàng, cơ thể đông cứng, thân nhiệt hạ xuống 16 độ C, tim đã ngừng đập khoảng 2 giờ. Miệng bé cứng lại khiến các bác sĩ không thể đưa ống thở vào miệng được. Tại Bệnh viện Nhi đồng Stollery, bác sĩ đã dùng một chiếc chăn đặc biệt quấn quanh người rồi thổi khí ấm vào bên trong. Kỳ lạ thay tim Erika Nordby đã đập trở lại, sau đó mở mắt trước khi cất lên tiếng khóc và phục hồi hoàn toàn sau 6 tuần, chỉ để lại một số vết sẹo khi phải ghép da và trên gan bàn chân.
Còn đây là chuyện của một bé gái khác, em Aleah Crago. Ngày 3/5/1999, một cơn lốc kinh hoàng tràn qua thành phố Moore (Oklahoma, Mỹ) khiến 36 người thiệt mạng. Hàng trăm người dân mất nhà cửa, trong đó có gia đình bé gái Aleah. Khi cơn lốc xảy ra, gia đình Crago phải trú vào trong một tủ quần áo. Lúc đó, Aleah mới 10 tháng tuổi, được mẹ ôm trong lòng nhưng sức mạnh lốc quá lớn đã phá tan nóc nhà, cuốn tất cả mọi người ra ngoài, và kéo tuột Aleah ra khỏi lòng mẹ.
Sau khi con lốc đi qua, cảnh sát Robert Jolley đã phát hiện thấy Aleah nằm úp sấp được che chắn bởi một chiếc xe kéo, bên cạnh một vũng bùn, cách nhà 30 mét. Ban đầu, viên cảnh sát ngỡ là búp bê nhưng đã phát hoảng khi thấy động đậy. Ngay sau đó, Aleah Crago được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng thật kỳ lạ là dù bị cơn lốc cuốn đi và “ném” cách nhà mấy chục mét nhưng bé gái 10 tháng tuổi chỉ bị tổn thương nhẹ vùng phổi và trầy xước ở đùi.
“Những em bé sống sót một cách không tưởng nhắc chúng ta điều gì? Trước hết đó là trách nhiệm bảo vệ trẻ em của người lớn. Sau nữa là phải trang bị kỹ năng sống cho trẻ em để đề phòng mọi bất trắc. Và quan trọng là sự sống sót kỳ diệu của các em trong những hoàn cảnh khốn cùng nói với chúng ta rằng không bao giờ buông xuôi, hãy đứng thẳng làm người một cách vinh quang cho dù cuộc sống có thế nào đi chăng nữa” - Giám đốc Viện Phúc lợi trẻ em và gia đình Colombia, bà Astrid Caceres nói.
Không chỉ sống sót, trong một số trường hợp người ta còn hết sức ngạc nhiên khi những đứa trẻ vài ba tuổi cũng đã biết cứu sống những đứa trẻ khác trong hoạn nạn.
Kênh CNN hôm 28/12/2022 đưa tin: Chiếc Land Rover của cặp vợ chồng Jake Day (28 tuổi) cùng Cindy Braddock (25 tuổi) bị trượt khỏi đường chính, lật nhào ở Kondinin, cách thủ phủ bang Perth (miền tây Australia 280 km về phía Đông). Khi đó, trên xe của đôi vợ chồng còn có 3 con nhỏ từ 1-5 tuổi. Vụ tai nạn khiến đôi vợ chồng chết tại chỗ; 3 con nhỏ của họ mắc kẹt trong xe. Nơi xảy ra vụ tai nạn là vùng nông thôn xa xôi nên phải hơn 2 ngày sau mới có người phát hiện và tiếp cận hiện trường.
Michael Read - người thân trong gia đình cho biết, bé gái 5 tuổi đã cứu sống 2 em trai của mình bằng cách giải thoát em khỏi chiếc ghế trẻ em. "Nếu đứa trẻ 5 tuổi không mở khóa ghế và bế em của mình ra khỏi ô tô thì chúng đã không có mặt ở đây với chúng ta" - anh Read nói. Còn làm sao một em bé 5 tuổi biết mở khóa ghế cứu các em của mình thì thật khó giải thích.