Cong vẹo cột sống và những tác hại khó lường
Vẹo cột sống là dị tật phổ biến ở cột sống hiện nay, đây là bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, bệnh cũng có thể gặp phải ở cả người trưởng thành. Tỉ lệ mắc bệnh và mức độ cong vẹo cột sống ở các bé gái cao hơn các bé trai.
Cong vẹo cột sống là tình trạng cong của cột sống sang một bên của trục cơ thể và vẹo xoay của các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang, các đốt sống bị cong sang một bên hoặc xoay phức tạp. Thông thường, đường cong có hình chữ S hoặc chữ C. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh vẹo cột sống có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như: Ảnh hưởng tới các cơ quan khác, dị dạng thân hình, rối loạn tư thế.
Tình trạng vẹo cột sống đang ngày một tăng lên, gây ra rất nhiều hệ quả khôn lường cho người bệnh như: Ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển cơ thể của trẻ nhỏ, cản trở chiều cao, có thể gây biến dạng khung ngực, khung chậu, tổn thương phổi và tim do khung xương sườn có thể đè lên phổi và tim, tự ti, dễ bị đau lưng khi lớn tuổi…
Bệnh cong vẹo cột sống có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu điển hình như:
- Gai đốt sống không thẳng hàng.
- Hai vai lệch, không bằng nhau, bên cao bên thấp.
- Xương bả vai nhô ra bất thường, khoảng cách từ 2 mỏm xương đến bả vai không bằng nhau.
- Độ rộng hẹp giữa thân và hai tay khác nhau.
- Xương sườn lồi lên, rõ hơn so với bên còn lại, thắt lưng mất cân đối.
- Vị trí của hông bất thường, chân dài chân ngắn.
- Cơ thể lệch sang một bên, đầu không ở giữa hai vai.
Cong vẹo sống được chia thành 4 dạng, bao gồm:
Vẹo cột sống do bẩm sinh: Tình trạng vai nghiêng, vòng eo không đều, nghiêng đầu, hình dáng tổng thể của cơ thể nghiêng về một bên trái hoặc phải. Cứ 10.000 trẻ sơ sinh thì sẽ có 1 trẻ mắc cong vẹo cột sống bẩm sinh.
Vẹo cột sống thần kinh cơ: Xảy ra do các dây thần kinh và cơ bắp không thể duy trì cột sống, ảnh hưởng đến tủy sống, não và hệ thống cơ bắp.
Vẹo cột sống dính khớp: Thường gặp các triệu chứng đau nhức hoặc cứng khớp ở lưng dưới, ngứa ran chân hoặc đau nhức chân khi đi bộ.
Vẹo cột sống triệu chứng: Triệu chứng không đau nhưng có thể gây khó chịu hoặc đau khi ngồi.
Bên cạnh cong vẹo cột sống, bệnh nhân có thể gặp các biến dạng về xương sườn, khung chậu và tổng thể cơ thể.
Nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng cong vẹo cột sống là nguyên nhân tự phát ở tuổi vị thành niên (chiếm đến 85% các ca mắc bệnh). Đa số các bé trong độ tuổi đến trường đều có nguy cơ bị vẹo cột sống do phải mang cặp sách nặng làm vai bị lệch, bàn ghế ngồi học không đạt tiêu chuẩn tạo ra tư thế học tập sai. Ngoài ra bệnh cũng xuất phát từ một số nguyên nhân khác như: Di truyền, thiếu dinh dưỡng, do trẻ tập đi, đứng quá sớm…
Bệnh cong vẹo cột sống có thể chữa được, đặc biệt là phát hiện ở giai đoạn sớm. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh cong vẹo cột sống, phù hợp với tình trạng của mỗi bệnh nhân.
- Nẹp cột sống: Là phương pháp an toàn, không xâm lấn giúp giảm đau đớn bằng cách hỗ trợ cột sống từ phía bên ngoài, đồng thời ổn định cấu trúc của ống sống. Đây là phương pháp điều trị được nhiều người lựa chọn để thay thế cho phẫu thuật trong các trường hợp không thể thực hiện phẫu thuật do thể trạng yếu và các lý do khác.
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu chữa cong vẹo cột sống được áp dụng trong những trường hợp bệnh nhẹ, giúp bệnh nhân duy trì tư thế đúng, tránh phải phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng của từng người mà bệnh nhân sẽ được tư vấn những bài tập phù hợp. Bệnh nhân có thể luyện tập thường xuyên góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cong vẹo cột sống tại nhà.
- Phẫu thuật: Đây là lựa chọn của nhiều bệnh nhân với mong muốn sớm cải thiện đường cong cột sống. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, phẫu thuật chỉ là giải pháp cuối cùng khi mức độ vẹo cột sống của bệnh nhân quá nặng và các phương pháp bảo tồn không còn tác dụng. Đặc biệt với các bệnh nhi nhỏ tuổi, phẫu thuật tiềm ẩn khá nhiều rủi ro vì có thể gây sốc thuốc, hôn mê, liệt do tổn thương hệ thần kinh…