Vietnam Airlines muốn bán Skypec, Chính phủ yêu cầu chuyển sang PVN
Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xử lý phương án chuyển nhượng Skypec từ Vietnam Airlines về PVN, nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Vietnam Airlines và phát triển năng lực của PVN.
Chính phủ yêu cầu chuyển Skypec sang PVN
Trong thông báo kết luận mới đây của Thường trực Chính phủ tại cuộc làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và 19 tập đoàn, tổng công ty về sản xuất kinh doanh, Thường trực Chính phủ yêu cầu CMSC xử lý phương án chuyển nhượng Công ty Nhiên liệu hàng không (Skypec) từ Vietnam Airlines (MCK: HVN) về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Nhiệm vụ chuyển Skypec từ Vietnam Airlines về PVN đã được Thủ tướng giao tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 29/9/2022 nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Vietnam Airlines và phát triển năng lực hiệu quả của PVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng xăng dầu.
Trường hợp phát sinh nội dung vượt thẩm quyền, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp ý kiến các bộ, cơ quan, đề xuất hướng xử lý, báo cáo Phó thủ tướng Lê Minh Khái trước ngày 15/7.
Chính phủ cũng yêu cầu Vietnam Airlines tuân thủ quy luật cạnh tranh; rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại, bảo đảm hiệu quả, chú trọng tiết giảm chi phí, không để tiếp diễn tình trạng lỗ lớn hiện nay.
Trước đó, vào tháng 2/2023, Vietnam Airlines đã có ý định bán vốn tại Skypec. Hãng hàng không này đã mời các đơn vị tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn của hãng tại Skypec. Thời hạn muộn nhất để các đơn vị gửi hồ sơ tham gia chào giá cung cấp gói dịch vụ trên là 16h ngày 8/2.
Nhiều khả năng, kế hoạch bán vốn tại Skypec nằm trong Đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025 đã báo cáo cổ đông và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Skypec kinh doanh ra sao?
Được biết, Skypec tiền thân là Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam, được thành lập và chính thức đi vào hoạt động năm 1993, do Vietnam Airlines là chủ sở hữu.
Skypec cùng Petrolimex Aviation hiện là 2 nhà cung cấp nhiên liệu hàng không chính tại thị trường trong nước. Đơn vị này đã và đang cung cấp nhiên liệu cho tất cả hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay dân dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam và 4 sân bay quốc tế lớn của Hàn Quốc như Korean Air, All Nippon Airways, Qatar Airways, Cathay Pacific, China Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways,…
Về tình hình kinh doanh, trong giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu của Skypec tăng trưởng trên dưới 40% mỗi năm và từng chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu của Vietnam Airlines.
Năm 2019, Skypec báo doanh thu hơn 29.200 tỷ đồng, lợi nhuận 653 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang đến các năm 2021-2022, đại dịch Covid-19 đã khiến kết quả kinh doanh của Skypec tụt dốc.
Trong khi đó, chủ sở hữu của Skypec là Vietnam Airlines đã có 13 quý liên tiếp thua lỗ tính từ quý I/2020 và chưa công bố báo cáo năm 2022 đã kiểm toán cũng như tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Báo cáo kiểm toán năm 2022 sẽ quyết định khả năng duy trì niêm yết của cổ phiếu HVN. Tháng 2/2023, HoSE đã cảnh báo HVN có thể bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục báo lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ, hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Từ ngày 25/4, cổ phiếu này đã vào diện cảnh báo do doanh nghiệp trễ nộp quá 15 ngày.
Đến ngày 12/5, 2,2 tỷ cổ phiếu HVN bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát. Giải trình về việc nảy, Vietnam Airlines cho biết đang tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian tiến hành thu thập, đối chiếu và đánh giá toàn diện các thông tin liên quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính của Vietnam Airlines.
Hãng hàng không này cũng cam kết thực hiện công bố thông tin báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất năm 2022 ngay sau khi hoàn thành