Lênh đênh trên Địa Trung Hải

Thanh Đức 27/06/2023 06:56

Ngày 26/6, truyền thông Pakistan cho biết, hơn 300 công dân Pakistan đã thiệt mạng trong thảm kịch lật tàu tại vùng biển Hy Lạp. Địa Trung Hải lại nổi lên là con đường di dân nguy hiểm nhất thế giới sau thời gian yên ắng.

Những người di cư kêu cứu khi thuyền của họ không thể tiếp tục hành trình. Nguồn: AFP.

Những người sống sót trên chuyến tàu định mệnh cho biết, có tới 750 người, cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em trên con tàu. Ủy viên châu Âu phụ trách Nội vụ đánh giá, đây có thể là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất trên Địa Trung Hải.

Những số liệu gần đây cho thấy, con đường di cư Địa Trung Hải đang ngày càng nguy hiểm hơn. 4 tháng đầu năm nay, gần 1.000 người di cư đã chết đuối ở Địa Trung Hải, khiến nơi đây trở thành quãng thời gian chết chóc nhất trong 6 năm qua. Còn nếu tính từ năm 2014, khoảng 27.000 người di cư đã chết hoặc mất tích trên biển Địa Trung Hải - theo báo cáo của Tổ chức Di cư quốc tế.

Liên tiếp nhiều tuần qua, Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha đã ghi nhận các vụ chìm tàu chở người di cư bất hợp pháp. Hoạt động của tội phạm buôn người đang gia tăng mạnh và nỗi ám ảnh khủng hoảng di cư dường như đang trở lại. Hy Lạp là tâm điểm của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu vào những năm 2015-2016, sau thời gian yên ắng thì nay lại đang nóng lên.

Tới nay, Bộ trưởng các nước châu Âu đã đạt được thỏa thuận cải cách Quy chế tị nạn và di cư, trong đó có các biện pháp chuyển tiếp người xin tị nạn bị từ chối đến các nước thứ ba một cách an toàn. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các nước thành viên chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người xin tị nạn và củng cố biên giới, đồng thời đưa ra các kế hoạch hành động cho 3 tuyến đường di cư chính gồm 2 tuyến đi qua phía Tây và trung tâm Địa Trung Hải, tuyến đường thứ ba đi qua vùng Balkan.

Quy trách nhiệm cho các tổ chức, băng nhóm buôn người gây ra thảm họa chìm tàu di cư, Chủ tịch EC và Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu diễn ra cuối tháng 6 này sẽ ưu tiên thảo luận về giải pháp chấm dứt hoạt động của các băng nhóm buôn người, đồng thời đầu tư thêm các con đường hợp pháp giúp người tị nạn muốn tìm sự bảo vệ ở châu Âu. Là điểm đến được người di cư ưu tiên lựa chọn, châu Âu luôn phải lo giải bài toán người tị nạn, cũng là vấn đề gây chia rẽ trong EU. Các nước châu Âu chưa thống nhất được là quốc gia nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận những người di cư bất hợp pháp, cũng như nghĩa vụ hỗ trợ người di cư của các nước láng giềng và đối tác.

Kể từ đầu năm 2023 tới nay, vượt Địa Trung Hải bằng thuyền để vào châu Âu là lựa chọn của nhiều người di cư Á-Phi. Ngày 10/4, cảnh sát Italy phải nỗ lực giải cứu 1.200 người di cư trên 2 chiếc thuyền lênh đênh trên Địa Trung Hải sau khi đã cứu được khoảng 2.000 người trước đó 1 ngày. Chỉ trên 1 con thuyền đánh cá, cảnh sát biển Italy đã phát hiện tới 800 người di cư khi đang tiến đến bờ biển thành phố Syracuse trên đảo Sicily. Theo mô tả của tổ chức phi chính phủ Alarm Phone (dành cho người di cư gặp nạn) thì những người trên thuyền vô cùng hoảng loạn khi tiếp cận tàu của cảnh sát. Một phụ nữ di tản cho biết, thuyền trưởng đã bỏ trốn cùng 3 người khi nhảy ra khỏi một chiếc thuyền cao su, bỏ mặc người di tản.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, kể từ đầu năm đến nay, hơn 14.000 người di cư đã đến nước này, cao hơn nhiều so với con số 5.300 người trong cùng kỳ năm 2022, và 4.300 người trong cả năm 2021.

Còn theo tổ chức cứu trợ ResQship của Đức, rất khó có thể xác định được nạn nhân di cư bỏ mạng khi cố gắng từ Bắc Phi vượt qua Địa Trung Hải để vào châu Âu. Đại diện của ResQship cho biết, những người di cư từ Tunisia kể lại, họ đã phải nộp khá nhiều tiền cho các chủ thuyền và những kẻ móc nối khi nhận được những lời hứa hẹn sẽ đưa họ vượt Địa Trung Hải an toàn và nhanh nhất.

“Tuy nhiên, hầu hết những nạn nhân trên biển khi được cảnh sát cứu giúp thì đều đã vô vọng khi bị bỏ rơi trên biển. Chủ thuyền thường bỏ mặc họ để thoát thân khi phát hiện ra cảnh sát. Cũng chính vì thế mà những kẻ đưa người vượt biển ít khi bị bắt, các đường dây vẫn không bị bóc gỡ nên tình trạng người vượt Địa Trung Hải để vào châu Âu vẫn không chấm dứt. Điều đáng nói là sự phối hợp của EU (nơi người di tản định đến) và các quốc gia nơi người di tản ra đi không đạt được kết quả càng khiến tình hình thêm trầm trọng” - đại diện ResQship cho biết.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Paris mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng những thảm kịch chìm tàu chở người di cư ở Địa Trung Hải vẫn đang diễn ra, do đó hai nước cần giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề nhập cư và tị nạn trên lãnh thổ của mình. Ngoài phối hợp song phương, Italy và Pháp cũng cần hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia quá cảnh và các quốc gia mà người di cư đến. Trong khi đó, theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), con số 112,2 triệu người trên toàn thế giới đã buộc phải sơ tán khỏi nhà của mình trong vòng 6 tháng của năm 2023 đã ở mức kỷ lục và là một "bản cáo trạng của thế giới". Vào cuối năm 2022, có 108,4 triệu người đã phải di dời, con số này đã tăng 19,1 triệu người từ cuối năm 2021. Như vậy có thể thấy tình hình ngày một nghiêm trọng.

Thanh Đức