Nợ xấu lại rập rình tăng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện nợ xấu bắt đầu tăng ở một số ngân hàng do khó khăn khách quan của nền kinh tế.
Doanh nghiệp căng thẳng vì nợ
Ông Đào Minh Tú cho biết, hiện nay, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của DN khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng, doanh thu giảm…); một số khách hàng chưa kịp thời hồi phục sau giai đoạn dịch Covid-19 đã phát sinh nợ xấu/nợ quá hạn, nên các tổ chức tín dụng phải thận trọng trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Trong khi đó, về phía các ngân hàng thương mại lại không thể hạ chuẩn tín dụng, bởi hạ chuẩn đi đôi với nợ xấu tăng. Lo ngại của cơ quan quản lý là hoàn toàn có thật khi tình hình kinh tế vẫn chưa hết khó khăn, nhiều DN gặp áp lực trong trả lãi cho ngân hàng.
Trong bức tranh hoạt động của cộng đồng DN nói chung, dòng tiền là câu chuyện căng thẳng với DN. Nhiều DN đang phải loay hoay để trả nợ. Đơn cử, ngành chăn nuôi gia cầm thời gian qua liên tục “kêu cứu” về tình hình gia cầm nhập lậu gia tăng, trong bối cảnh sức cầu giảm, chi phí đầu vào tăng... khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ. Có DN cho biết, giá bán ra của thịt gà đã rơi từ 57.000 - 58.000 đồng/kg xuống chỉ còn 47.000 đồng/kg, thậm chí có lúc xuống 35.000 đồng/kg trong khi chí phí cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quá cao, kèm theo lãi vay ngân hàng, chi phí vận tải, trung gian… đã “ăn mòn” lợi nhuận, khiến DN đã phải bán đi 2 nhà máy gần 80 tỷ đồng để bù lỗ. Nếu tình trạng này kéo dài thêm 6 tháng thì DN có thể phá sản.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhiều DN đang phải bán bớt tài sản để giảm bớt gánh nặng lãi vay ngân hàng bởi việc thực hiện chính sách gia hạn nợ, cơ cấu nợ vẫn chưa hiệu quả. Cùng với đó, nhiều DN không đủ tài chính trả nợ nên đã phải gán nợ, chấp nhận dùng tài sản đảm bảo để trả nợ ngân hàng.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay nợ tiềm ẩn, nguy cơ ở một số ngân hàng đã tăng cao. Trong khi đó, nhiều DN đáp ứng điều kiện vay vốn lại không có nhu cầu vay vào thời điểm này. Nguyên nhân do thị trường đầu ra khó khăn, hàng tồn kho, giá nguyên vật liệu tăng dẫn đến nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh giảm.
Cả doanh nghiệp và ngân hàng đều khó
Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh về nợ xấu, có những ngân hàng nợ xấu tăng 50 - 70%. Tại Ngân hàng OCB, nợ xấu tính tới cuối quý I/2023 tăng 51% so với đầu năm, lên hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 54%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 55% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 49%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%. Lợi nhuận quý I/2023 của OCB tăng chủ yếu nhờ ngân hàng này giảm trích lập dự phòng để “làm đẹp” lợi nhuận.
Ngân hàng MB cũng đang đối mặt với nợ xấu tăng mạnh. Tại thời điểm 31/3/2023, tổng nợ xấu của MB là 8.452 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của MB tại thời điểm cuối tháng 3/2023 là 1,75%, tăng khá mạnh so với mức 1,09% cuối năm ngoái. Nợ xấu tại MB có nguy cơ còn gia tăng do tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đang tăng rất nhanh, gấp 2,1 lần cuối năm ngoái, lên mức 16.675 tỷ đồng.
Tương tự, tổng nợ xấu tại Eximbank tính tới cuối quý I/2023 tăng 30% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,8% cuối năm ngoái lên mức 2,3% cuối tháng 3/2023. Tăng trưởng lợi nhuận tại Eximbank chủ yếu nhờ dự phòng rủi ro giảm tới 42%.
Cả DN và ngân hàng đang đứng trước hàng loạt khó khăn. Khảo sát thực trạng DN mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chỉ 35% DN tư nhân và 33% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Đây là những con số ở mức thấp trong suốt 18 năm VCCI triển khai khảo sát DN thường niên.
Theo các chuyên gia, việc DN phải bán một phần tài sản để chi trả cho các khoản nợ là chuyện bình thường, tuy nhiên, về lâu dài, tình trạng DN phải bán tài sản, thậm chí bán toàn bộ DN cho các đối tác nước ngoài có thể tạo ra nguy cơ mất an toàn, an ninh kinh tế.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các DN trong nước đang kiệt sức nên việc hỗ trợ cần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa. “Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái hỗ trợ kéo giảm lãi suất cho vay nhưng quan trọng hơn nữa là cần giảm thủ tục, quy trình cho vay” – ông Thiên nhấn mạnh.