Kỳ vọng xuất khẩu 6 tháng cuối năm
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD. Các dự báo cho thấy hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi dần trong 6 tháng cuối năm với nhiều tín hiệu khả quan.
Lộ diện những điểm sáng
Theo đánh giá chung của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó, nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 đã tăng trưởng cao hơn tháng 4. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có mức tăng trưởng rất tốt như như gạo, rau quả, hạt điều.
Số liệu mới cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho thấy, trong 18 ngày đầu tháng 6/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 11.305 tấn hạt tiêu, đạt kim ngạch 41,1 triệu USD.
Xuất khẩu rau quả cũng tiếp tục duy trì sự tăng trưởng khá cao từ đầu năm đến nay, ước đạt 600 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2023 đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.
5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 3,62 triệu tấn, là một trong những mặt hàng hiếm hoi có kim ngạch xuất khẩu tăng trong bối cảnh khó khăn chung. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các thị trường khu vực Đông Nam Á (Philippines tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022; Indonesia tăng gấp 180 lần; Singapore tăng 30,7%). Châu Phi là thị trường khu vực xuất khẩu lớn thứ hai, đạt hơn 157.000 tấn, chiếm 8,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tại thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 1,7%) trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn đạt 32.000 tấn, tăng trưởng tốt gần 11% so với cùng kỳ năm 2022...
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 262 tỷ USD, kim ngạch xuất siêu gần 10 tỷ USD. Trong 5 tháng qua, có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, (cao hơn 3 mặt hàng so với 4 tháng đầu năm), chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,4%).
Đáng lưu ý, mặt hàng gạo đã thâm nhập được vào nhiều thị trường khu vực EU có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng, tận dụng khá tốt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA.
Đó là những điểm sáng đáng kể trong hoạt động xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023.
Phục hồi trong 6 tháng cuối năm
Các dự báo cho thấy hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi dần trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành hàng phải đặc biệt quan tâm để có thể tiếp cận thị trường trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá tiêu dùng hồi phục trong những tháng tới đây. Hiện nay chúng ta đang có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và đang được thực hiện. Bên cạnh đó, FTA với Israel đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ ký kết trong thời gian từ nay đến cuối năm. Với số lượng FTA hiện nay đã bao trùm hầu khắp các thị trường lớn và vẫn còn dư địa tăng trưởng rất tốt.
“Tuy nhiên câu chuyện ở đây là để khai thác thị trường có FTA thì chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Vấn đề xuất xứ chỉ là quy định nhưng đằng sau nó là câu chuyện thay đổi về nguồn nguyên liệu sản xuất, thay đổi dây chuyền để có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng” – ông Hải nhấn mạnh.
Theo Bộ Công thương, các FTA với những ưu đãi về thuế quan sẽ tiếp tục giúp cho hàng hoá của Việt Nam cạnh tranh hơn, dự báo sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho các DN sản xuất và xuất khẩu. Cho nên, để vượt qua những thách thức trong quá trình “lội ngược dòng” ở nửa cuối năm đòi hỏi các DN trong ngành hàng nông lâm thủy sản cần tận dụng tốt các FTA.
Song song đó, ngành hàng này cũng nên tiếp tục có các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (như ASEAN). Đặc biệt là cần quyết liệt đột phá đưa nông sản Việt vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mặc dù có dấu hiệu khởi sắc trong xuất khẩu hàng hóa nhưng các doanh nghiệp ngành xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da giày, gỗ, thủy sản còn rất khó khăn về đơn hàng. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là từ sự co hẹp chi tiêu tại các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU. Vì vậy, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được động lực sản xuất, xuất khẩu là một trong những trọng tâm cần được cơ quan nhà nước đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt cắt giảm các thủ tục hành chính, để đảm bảo tăng trưởng của cả nền kinh tế trong thời gian tới.