Những 'Biến tấu đời thường' đầy kịch tính của blogger Song Hà
Song Hà - người được gọi là nhà văn nhưng thường được các cư dân mạng biết đến với biệt danh "Boy Già" - vừa cho ra mắt tuyển tập những truyện trào phúng đặc sắc nhất với nhan đề “Biến tấu đời thường”.
Cuốn sách dễ làm chùn lòng độc giả với độ dày gần 800 trang khổ lớn. Nhưng vừa ra mắt vào tháng 6/2023, cuốn sách tiếp tục trở thành một hiện tượng văn học mạng như những tác phẩm trước đó của tác giả Song Hà.
Song Hà sinh năm 1974, từng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khởi đầu hết sức thuận lợi với tặng thưởng chính thức “Tác phẩm Tuổi xanh” của Báo Tiền Phong năm 1996, nhưng cuộc sống mưu sinh khó khăn của chàng trai xuất thân từ miền quê Hương Sơn, Hà Tĩnh đã trôi dạt qua các nghề từ chạy xe ôm đến trình dược viên, từ chạy quảng cáo cho báo đến mở cửa tiệm sửa điện thoại và bây giờ là một nhà văn đương đại ăn khách, sống được bằng chữ nghĩa, một Facebooker nổi tiếng.
Kết quả của quãng thời gian rảnh rỗi ngồi viết văn ấy là một loạt những tác phẩm ăn khách, xuất phát từ những entry, status trên mạng như: “Nghe Boy Già kể chuyện đời”, “Ngoại tình”, “Trúng số”, “Những chuyện bựa thời sinh viên”, “Ranh con tên Ly”…
Và bây giờ là cuốn tuyển tập những truyện trào phúng đặc sắc nhất của bản thân theo cách nhìn của chính tác giả Song Hà mang một cái tên “hiền lành”, không hề như những tác phẩm trước đó của anh: “Biến tấu đời thường”.
“Biến tấu đời thường” tập trung vào những chủ đề viết về thời sinh viên, về những mối tình và hôn nhân cùng với chuyện mưu sinh, kiếm sống, lập nghiệp của chính tác giả và những câu chuyện đời của nhiều kiểu người trong xã hội. Nhiều truyện đã ra mắt bạn đọc ở những cuốn sách trước đây, nhưng cũng có những sáng tác mới toanh. Có lẽ vì mang danh “tuyển tập” nên tác giả Song Hà đã có sự chọn lọc, trau chuốt và mang đến ra mắt độc giả những truyện tâm đắc và ưng ý nhất của bản thân.
Quãng thời gian học đại học ở Hà Nội và lăn lộn mưu sinh nơi này trước khi quyết định về quê là nguồn cảm hứng và tư liệu sống động cho nhiều tạp văn của tác giả Song Hà.
Có những nhân vật có thật đã đi ngang qua cuộc đời của tác giả, dừng chân dù chỉ một thoáng, nhưng được nhà văn nhắc đến với sự chân thực ngậm ngùi. Đó là kỷ niệm về anh bán bánh khúc tốt bụng cho tác giả ăn thiếu chịu không cần trả tiền của một thời đói kém, là anh bạn Long trọc từng có thời kỳ viết báo chung để kiếm sống, là những cô gái như Ly, Ốc, Huyền, Linh… là những người tình nửa hư nửa thực, có lẽ đã từng yêu, đã từng nhớ, đã từng mong đợi nhưng đều rồi đi đến một kết cục giống nhau là lặng lẽ rời xa.
Nickname hài hước Boy Già có từ thời Song Hà viết blog và dĩ nhiên trong đại đa số các câu chuyện kể, Song Hà mang chính mình ra làm nhân vật, kể lại câu chuyện của đời mình. Đó là một nhân vật Boy từ trẻ đến già bươn chải, lăn lộn trong cuộc sống khắc nghiệt, nhưng vẫn có những khoảng lặng yêu thương, có lời chửi mắng, nhưng cũng có những tình cảm ấm lòng, có vui nhộn hài hước, mà cũng có những trống rỗng cô độc.
Đó là những câu chuyện đọc thì cười, mà đằng sau nụ cười mỉm hay tiếng cười sằng sặc, bỗng nhiên người đọc cảm thấy bản thân thì buồn mênh mang, và cảm thấy dường như nhà văn khi viết ra những câu chữ gây cười này cũng đang buồn hoang hoải, nên tôi gọi là những câu chuyện “buồn – cười”.
Những câu chuyện đời thường của tác giả Song Hà nếu chỉ là đơn giản kể về đời thường thì hẳn sẽ dễ lẫn với muôn vàn tản văn của những nhà văn Underground khác.
Điều khiến cho độc giả nhớ đến giọng văn của Song Hà là một chất giọng riêng, khó nhầm lẫn với những nhà văn khác cũng thành danh trên mạng. Tôi gọi đó là “sự biến tấu” khi viết của anh. Sự biến tấu này khiến cho những câu chuyện kể của Song Hà đôi khi “được” hay hơn, mà cũng đôi khi làm cho người đọc “bị” sốc. Ai thích cảm giác mạnh, thích một thứ văn chương như mới nhảy xổ ra từ đời sống, hoa chân múa tay với độc giả thì sẽ hài lòng, thú vị với những biến tấu gây sốc đó, còn ai yếu bóng vía hẳn sẽ nhăn mặt chê: “Sao lại viết bậy thế!” Lại cũng có người thích đọc những gì Song Hà viết bởi giọng văn triết lý ngược đời, một tư duy biến tấu thoát khỏi cách nghĩ thông thường của số đông.
Cách viết của tác giả Song Hà làm cho đàn ông, những Boy Già giống như anh, cảm thấy tìm được tri âm tri kỷ, còn phụ nữ thì cảm thấy tìm được một chỗ dựa, không phải là về vật chất, mà là về tinh thần, một chỗ dựa để họ đọc, cười, tạm quên đi những mối ưu phiền, bận tâm của cuộc đời phức tạp ngoài kia. Bởi lẽ không chỉ viết về bản thân mình, về những người đàn ông xung quanh mình, nhà văn Song Hà còn đặc biệt ưu ái viết về những người phụ nữ.
Trừ việc kể lại những mối tình thời trẻ trung hoa niên với những thiếu nữ đang xuân, thì nhiều nhân vật nữ của Song Hà có thể tạm gọi là “Girl không còn trẻ”. Họ là đủ loại người, thuộc mọi tầng lớp: gái điếm, gái già, gái ế, gái đi buôn, gái làm sếp, gái bán hàng tạp hóa…, hoặc chỉ chung chung là gái chơi Phây.
Một giọng văn đặc sệt chất “Underground” nhưng cũng là một giọng văn thu hút nhiều độc giả nữ, khác với nhiều tác giả văn chương Underground khác, phải chăng vì nhiều độc giả nữ thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng chính mình, bóng dáng người quen của mình ở trong những tản văn.
Thông qua những tương tác hài hước, dí dỏm trên Facebook cá nhân, nhiều độc giả nữ đã trở thành những fan bạn đọc trung thành, dõi theo những status trên Facebook nhà văn Song Hà và cũng sẵn sàng mua sách giấy, bởi vì họ biết rằng văn chương của Song Hà không chỉ làm cho họ cười vui, mà còn biết làm cho họ khóc. Vâng, ai đọc câu văn này mà chả rưng rưng nước mắt: “Chỉ khi mất nhau trong đời mới kịp nhận ra mình đã từng yêu nó đến nhường nào”. (Song Hà, “Biến tấu đời thường”, NXB Thanh Niên, 2023, trang 763).