Chi phí logistics cao: Doanh nghiệp khó cạnh tranh

T.Hằng-M.Sang-L.Hồng 28/06/2023 06:06

Mặc dù có tiềm năng lớn về xuất khẩu nhưng nông sản nói riêng và hàng hóa của Việt Nam sản xuất nói chung vẫn khó cạnh tranh do chi phí logistics cao, chiếm tỷ lệ lớn trong giá trị hàng hóa.

Hệ thống logistics phát triển chưa đồng bộ.

Giảm sức cạnh tranh

Là doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu các loại trái cây vào những thị trường khó tính, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty T&T Vina cho biết, logistics chiếm tới hơn 30% doanh thu của DN, trong khi chi phí này của Thái Lan chỉ 12,5%. “Trái cây Việt Nam không hề thua kém Thái Lan về chất lượng, nhưng lại kém cạnh tranh hơn do chi phí cao hơn” - ông Tùng cho biết.

Trong khi đó, nhiều DN xuất khẩu vải cho biết, đang vào mùa vải, nhưng ở khu vực trồng vải hiện chưa có nhà máy chiếu xạ. Do đó, việc xuất khẩu sang các thị trường bị ảnh hưởng nhất là giảm độ tươi ngon của trái vải.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki, xoài Việt Nam chất lượng tương đương xoài Thái Lan, Philippines nhưng khi đưa vào Nhật Bản giá bán đắt hơn gần 20% nên lượng tiêu thụ không cao. Một trong những nguyên nhân khiến loại trái cây này bị đội giá là chi phí logistics Việt Nam cao hơn Thái Lan, Philippines.

Câu chuyện chi phí logistic cao khiến cho hàng hoá kém sức cạnh tranh khi xuất khẩu thực ra không chỉ ở ngành nông sản mà ngành dệt may cũng gặp phải. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, hiện chi phí logistics của hàng dệt may Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12%. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA), hiện chi phí logistics trung bình của Việt Nam ở mức 16,8 - 17% giá trị hàng hóa, thậm chí có những mặt hàng DN phải chi trả tới 20-25%.

Phân tích nguyên nhân, ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, hạ tầng giao thông trong vùng chưa đồng bộ. Cụ thể, hạ tầng giao thông tại TPHCM nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các DN.

Ông Đỗ Xuân Minh - Giám đốc Trung tâm dịch vụ logistics (Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn) thì bày tỏ băn khoăn, vẫn còn vướng mắc về thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp. Một số quy định còn chồng chéo, một số chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn. Thiếu cơ chế để tạo ra sự, kết nối giữa các địa phương; thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức... khiến DN logistics và DN xuất nhập khẩu gặp khó khăn trong việc cắt giảm chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường thế giới.

Đoàn xe vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất đi tiêu thụ tại thị trường EU. Ảnh: Hà Nguyễn.

“Cánh tay nối dài” của cộng đồng doanh nghiệp

Để cải thiện dịch vụ logistics, ông Minh cho rằng phải tăng đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics; hỗ trợ các DN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ. Theo ông Minh, ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp các DN có thể giảm 14% chi phí giao hàng chặng cuối và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%.

Tại tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - gắn kết hiệu quả với hệ thống logistics’’ được tổ chức tại TPHCM, nhiều DN cũng đã nêu quan điểm về vấn đề này. Theo bà Nguyễn Tú Uyên - Giám đốc Công ty Logistics CMU thì hệ thống kho bãi của chúng ta còn manh mún, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ; chuỗi kho lạnh phục vụ cho nông sản còn ít. Phần lớn nhân lực logistics trong phục vụ nông nghiệp còn thiếu kinh nghiệm nên nhiều DN đầu tư tốn kém, không hiệu quả và giá trị gia tăng thấp dẫn đến tình trạng các chuỗi cung ứng nông sản bị gián đoạn. DN logistics chưa xây dựng được chuỗi liên kết trong cung ứng dịch vụ nông sản khiến nông sản Việt xuất khẩu khó cạnh tranh.

Bốc xếp gạo xuất khẩu của Vinafood 2 tại cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN.

Thông tin từ Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), mục tiêu của Chính phủ đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP. Để đạt được những mục tiêu đó cần phải nỗ lực rất lớn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT): “Hạ tầng cơ sở vừa thiếu vừa không thích hợp, tổn thất sau thu hoạch cao khoảng 30-35% dẫn đến thiệt hại về kinh tế, công nghệ bảo quản còn lạc hậu càng làm cho hàng hóa của chúng ta giảm giá trị và khó cạnh tranh trên thương trường”.

Ở góc nhìn của nhà quản lý, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đề nghị, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các DN sản xuất- xuất khẩu nông sản và DN logistics trong việc xây dựng và phát triển hiệu quả một hệ thống logistics hướng tới phục vụ ngành hàng xuất khẩu. Đào tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ về logistics hàng nông sản cho các DN.

“Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cấp quản lý, cơ sở đào tạo mà cần sự tham gia tích cực của các DN, các tổ chức trong việc cung cấp thông tin, xây dựng nhiều hình thức động viên khuyến khích như cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, học tập và tham quan thực tế” - ông Hải nói.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng mong muốn Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cần phát huy vai trò của mình, là “cánh tay nối dài” của cộng đồng DN, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để có đánh giá, nhận định chính xác về thực trạng và dự báo nhu cầu phát triển hệ thống logistics tại Việt Nam.

“Chúng ta phải đánh giá chính xác được những thông tin như trên mới có thể xây dựng được chiến lược phát triển hệ thống logistics phù hợp, sát thực tiễn và tối ưu nhất” - ông Hải nói.

Thống kê 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 37 tỷ USD, trong đó xuất khẩu trên 20 tỷ USD, giảm hơn 11 % so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, điển hình là thuỷ sản đạt gần 4 tỷ USD, giảm gần 26%; lâm sản đạt trên 5,5 tỷ USD, giảm gần 30%.

T.Hằng-M.Sang-L.Hồng