Lời hứa và giám sát lời hứa

Nhóm PV 28/06/2023 07:31

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 23 ngày (chia làm 2 đợt). Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, khối lượng công việc lớn, xem xét, quyết định những nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát cũng như quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Quang cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Vinh.

Kỳ họp hoàn thành khối lượng công việc lớn

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã xem xét, thông qua 8 dự án Luật, nhiều dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với nhiều dự án Luật, đồng thời xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; công tác nhân sự...

Điểm mới trong tổ chức kỳ họp lần này là chia kỳ họp làm 2 đợt và có thời gian nghỉ giữa kỳ họp kéo dài 1 tuần để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết, bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao khi được thống nhất thông qua và ban hành.

Cùng với những vấn đề được nêu lên tại phiên chất vấn 4 Bộ trưởng, thì nhiều vấn đề “rất nóng” khác cũng được các vị ĐBQH thảo luận, kiến nghị. Đó là những điều vừa “quốc kế” vừa “dân sinh” thu hút sự chú ý của các tầng lớp xã hội và nhận được những đánh giá tích cực.

Chất vấn và giám sát lời hứa

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ ngày 6 - 8/6; gồm 4 nhóm vấn đề. Thứ nhất, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội (người trả lời: Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung). Thứ hai, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc (người trả lời: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh). Thứ ba, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ (người trả lời: Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt). Thứ tư, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (người trả lời: Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng).

Nhìn chung, các vị “tư lệnh ngành” đều đã trả lời được những câu hỏi chất vấn của cử tri, kể cả những câu hỏi hóc búa, những vấn đề rất thời sự ngay khi phiên họp đang diễn ra. Tuy nhiên, vấn đề được các vị ĐBQH, cử tri và nhân dân quan tâm là “hậu chất vấn”, có nghĩa là các vị Bộ trưởng thực hiện lời hứa, cam kết của mình đến đâu.

Chiều 26/5, các vị ĐBQH đã thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

ĐBQH Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) cho biết, một số kiến nghị tuy đã được tiếp thu, giải quyết, nhưng còn chuyển biến chậm, chưa được giải quyết kịp thời do việc phối hợp công tác giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Ông Huấn đề nghị cần làm rõ lĩnh vực nào có chuyển biến tích cực, cơ quan nào đã có tiến bộ rõ rệt trong giải quyết kiến nghị của cử tri, đặc biệt là giám sát kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã có tác động như thế nào. Đề nghị Ban Dân nguyện đôn đốc việc trả lời kiến nghị của cử tri với các bộ, ngành trung ương, nhất là kiến nghị của cử tri được tiếp thu, triển khai nhưng chưa giải quyết dứt điểm.

Còn theo ĐBQH Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định), vẫn còn nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến nhiều bộ, ngành chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có những kiến nghị liên quan đến chính sách. Từ đó cần tăng cường vai trò giám sát để kịp thời phát hiện những vướng mắc, có cơ chế điều chỉnh, bổ sung. Bà Hạnh đề nghị giám sát các kiến nghị cần có danh mục các kiến nghị và liên thông với các đoàn ĐBQH để Quốc hội theo dõi, giám sát các kiến nghị này đến cùng.

Trong khi đó, ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng cần quan tâm đến chất lượng của việc trả lời kiến nghị của cử tri. Việc trả lời chủ yếu được thể hiện thông qua việc giải trình, cung cấp thông tin. Cùng đó, cần phải có kênh thông tin để thấy được cử tri và nhân dân đồng tình với việc giải trình, cung cấp thông tin hay không.

Cùng về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, trả lời kiến nghị cử tri cần cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm. Theo ông Nam, đối với những kiến nghị cụ thể, trả lời một số bộ, ngành nhiều khi còn chung chung, “mang tính viện dẫn luật nọ, điều kia mà không hướng dẫn lộ trình giải quyết cụ thể. Điều này khiến cho cử tri cảm thấy không thỏa đáng”.

Đó là lời hứa, còn việc giám sát lời hứa ra sao? Nhiều vị ĐBQH đề nghị tiếp tục quan tâm, giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ vì đây là vấn đề cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Theo bà Nguyễn Thị Kim Bé (ĐBQH Kiên Giang) muốn nâng cao chất lượng giám sát thì phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong đoàn giám sát, phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá cho trúng vấn đề, kiến nghị phù hợp và đeo bám để theo dõi việc giải quyết của cơ quan chức năng.

Nhân đây xin được nhắc lại: Ngày 8/6, phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp đã có 454 lượt ĐBQH đăng ký tham gia chất vấn; 112 lượt ĐBQH đã thực hiện quyền chất vấn, có 49 lượt ĐBQH tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm, nâng tổng số đại biểu tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ khóa XV lên 861 lượt người. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), sẽ xem xét, thảo luận báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và những người được chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại kỳ họp thứ 5 và các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

“Đây vừa là cách thức “giám sát lại”, thể hiện sự đi đến cùng vấn đề đã giám sát” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 11/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ ra mặt chưa được của công tác giám sát. Có lúc có nơi thực hiện giám sát còn hạn chế, tính phản biện chưa cao. “Giám sát không có tính phản biện thì làm làm gì. Phản biện trên tinh thần xây dựng, động cơ trong sáng thì càng tạo điều kiện phát triển lâu dài” - Chủ tịch Quốc hội nói. Theo Chủ tịch Quốc hội, giá trị mang lại của hoạt động giám sát thể hiện rõ nhất ở các kiến nghị của giám sát chuyên đề, nhưng có lúc còn thiếu sâu sát, thiếu thực tiễn, còn chung chung, mà “nói chung chung là dễ nói nhất, nhưng không đọng lại cái gì cả”.

Nhóm PV