Nóng bỏng cuộc chiến chống buôn lậu
6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ, xử lý nhiều vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Thực tế cho thấy, đây vẫn là cuộc chiến cam go.
6 tháng đầu năm 2023, các địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 10.850 vụ vi phạm, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022; xử lý vi phạm hành chính gần 10.000 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 362 tỷ đồng; khởi tố vụ án hình sự 941 vụ với 1.139 đối tượng.
Buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi
Đó là thông tin tại hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2023 của 9 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, tổ chức tại Thừa Thiên Huế mới đây.
Điển hình, ngày 5/3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng bắt quả tang một đối tượng đang vận chuyển 20.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu trên xe ô tô tải. Mở rộng điều tra, xác minh công an phát hiện đối tượng tàng trữ 19.900 bao thuốc lá ngoại nhập lậu các loại.
Ngày 9/4, tại Trạm thu phí cao tốc Chu Lai, Phòng Cảnh sát ma túy Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong tỉnh và Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý. Tang vật thu giữ là 5 bánh heroin có khối lượng 1,908kg; 7,35gram ma túy tổng hợp...
Theo lực lượng quản lý thị trường, hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... được các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi. Đối tượng thường chia nhỏ, xé lẻ, cất giấu hàng hóa vi phạm trong các phương tiện xuất nhập cảnh; vận chuyển hàng hóa vi phạm vào thời gian cao điểm; gia cố thêm ngăn, vách hầm bí mật trên trên phương tiện để cất giấu các loại hàng cấm…
Trên đất liền, các đối tượng còn lợi dụng địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, lối tắt để buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm là ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại... Trên biển, các đối tượng lợi dụng thời tiết phức tạp, vùng biển rộng, thông qua các hoạt động khai thác hải sản, hoạt động vận chuyển hàng hóa hợp pháp trên biển để hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm như: ma túy, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã...
Đáng chú ý, thông qua hoạt động khuyến mại, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội, các đối tượng đã tăng cường hoạt động tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng; trà trộn một phần hàng giả với hàng thật đưa về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.
Tiềm ẩn nguy cơ khó lường
Tại Hà Nội, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, trái cây... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng để xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, triệt phá các đường dây, tụ điểm tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử và các hành vi vi phạm khác.
Hàng loạt vụ việc vi phạm đã được các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Cụ thể, tháng 5, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã thanh tra, kiểm tra 2.257 vụ; xử lý 2.086 vụ; khởi tố 14 vụ, với 15 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 238,942 tỷ đồng.
Theo ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, tới đây sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn, nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng cấm, hàng giả.
Chống buôn lậu qua đường hàng không
Công văn số 2416 của Tổng cục Hải quan nêu rõ: Yêu cầu các đơn vị tập trung chống buôn lậu qua đường hàng không, nhất là đối với ma túy, rượu, tiền tệ, vàng, thuốc lá... vận chuyển qua các tuyến bay trọng điểm; khi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua đường hàng không có chiều hướng gia tăng.
Theo nhận định của Tổng cục Hải quan, các đối tượng buôn lậu lợi dụng sự thông thoáng về chế độ chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý.... đã móc nối, cấu kết với phía nước ngoài để hình thành các đường dây buôn lậu, vận chuyển phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua các cảng hàng không quốc tế. Đặc biệt, việc vận chuyển trái phép các chất ma túy với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường được cất giấu, nguỵ trang ma túy thành hàng hóa. Các đối tượng cũng ngày càng liều lĩnh và manh động khi mang hàng hóa theo người.
"Các đối tượng trao đổi với nhau qua mạng xã hội, che giấu thông tin cá nhân; chia quá trình vận chuyển hàng hóa thành nhiều công đoạn, qua nhiều hãng vận chuyển nhằm theo dõi, cắt đuôi khi có bất thường. Các đối tượng cũng thuê người nhận không biết nội dung hàng như grab, taxi công nghệ" - Tổng cục Hải quan cho biết.
Cùng với việc chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ.
Đánh đúng, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm buôn lậu
Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, năm 2022 đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nộp ngân sách 12.829 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các đơn vị mới dừng lại ở việc phát hiện, xử lý những vụ việc nhỏ lẻ, đối tượng vận chuyển, làm thuê… Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong thời gian tới cần tiếp tục xác định địa bàn, lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm để có giải pháp đánh đúng, đánh trúng đường dây, ổ nhóm và có hình thức xử lý nghiêm để răn đe.