Dịch tay chân miệng bùng phát

Đức Trân 28/06/2023 06:08

Trong những tuần gần đây, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) có xu hướng bùng phát tại các tỉnh phía Nam. Đáng lo ngại hơn khi theo các thống kê, số ca mắc TCM chủng Enterovirus 71 (EV71) có thể gây bệnh nặng hơn cùng nhiều biến chứng nguy hiểm đang chiếm ưu thế.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi trung ương. Nguồn: TTXVN.

Bất thường trong đợt bùng phát tay chân miệng

Thông tin về tình hình điều trị, TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, tình trạng bệnh TCM tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt, trong đó số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước, và đã có 4 ca tử vong.

“Nếu như những năm trước phải đến tháng 8, 9 ca mắc TCM mới tăng – thời điểm trẻ bắt đầu vào năm học mới thì năm nay bệnh đã gia tăng ở dịp hè và có thể đạt điểm đỉnh dịch trong thời gian tới. Không dừng lại tại đó, diễn biến của dịch năm nay cũng phức tạp hơn so với những năm trước. Đơn cử, hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3. Một điểm khác của bệnh TCM năm nay là trẻ lớn cũng mắc bệnh, trong khi trước đây thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Điều này có nghĩa trẻ từng mắc bệnh, nhưng nếu tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ nhiễm trở lại” – BS Hùng nói.

Theo BS Hùng, riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 những ngày qua tiếp nhận hơn 10 bé mắc TCM nặng phải thở máy, trong khi 2 tuần trước không có ca nào cần hồi sức tích cực. Mới đây, bệnh viện tiếp nhận liên tiếp 5 ca TCM rất nặng, được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ngoài ra, hơn 60 bé mức độ ít nặng hơn đang điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh.

“Có những trường hợp nguy kịch, ngưng thở, bác sĩ phải phối hợp nhiều biện pháp để cứu sống. Chẳng hạn, bé gái 14 tháng tuổi nhập viện cách đây 1 tuần, 3 ngày đầu sốt nhẹ, xuất hiện hồng ban ở bàn tay, chân kèm loét họng. Sau đó bé bớt sốt nhưng ngủ hay giật mình. Đến ngày thứ 5, bé giật mình chới với nhiều khi ngủ, gia đình đưa vào viện nhưng diễn tiến nhanh dẫn đến suy hô hấp. Bé ngưng thở, bác sĩ đặt nội khí quản và chuyển đến khoa hồi sức tích cực để thở máy song trụy tim mạch, mạch nhanh, tụt huyết áp, đe dọa tính mạng. Bác sĩ phải dùng thuốc vận mạch trợ tim, truyền dịch chống sốc và lọc máu cấp cứu” - BS Hùng cho hay.

Chủng virus gây biến chứng nguy hiểm chiếm ưu thế

Theo số liệu từ Viện Pasteur TPHCM, bệnh TCM đang ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới ở khu vực phía Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 5 ca tử vong xác định do chủng virus EV71.

PGS.TS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Giám đốc Viện Pasteur TPHCM cho biết, hiện thống kê dựa trên số ca mắc bệnh nặng nhập viện, còn số ca nhẹ chưa thống kê có thể cao hơn nhiều. Trong đó, số ca mắc TCM chủng virus EV71 chiếm ưu thế.

Trong khi đó, tại Hà Nội, từ tháng 4, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã ghi nhận tình trạng dịch TCM gia tăng mạnh. Nhiều ổ dịch xuất hiện ở khu vực trường học. Chỉ trong 2 tuần, đã ghi nhận 87 ca mắc TCM. Tính từ đầu năm đến nay Hà Nội có tới 799 ca mắc, tăng 84 trường hợp so với cùng kì và hiện còn 1 ổ dịch tại huyện Ba Vì.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc TCM đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó có 20% - 30% trường hợp nhiễm chủng virus EV71.

Lý giải về mức độ nguy hiểm của chủng virus EV71, TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “2 nhóm tác nhân gây bệnh TCM thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và EV71. Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời”.

Đáng lo ngại hơn khi các chuyên gia cảnh báo, hiện chủng EV71 tấn công chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong khi đó 50% người lớn mắc TCM không triệu chứng, đây là nguồn lây cho trẻ em mà không hề biết.

Đảm bảo nguyên tắc 3 sạch để phòng bệnh

Để phòng bệnh TCM, trẻ em, người lớn và người chăm sóc trẻ cần đảm bảo nguyên tắc 3 sạch (bao gồm: Ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay và đồ chơi sạch).

Người lớn và trẻ nhỏ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đặc biệt luôn rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Dùng tay hoặc khăn giấy che miệng và mũi khi hắt hơi, ho. Sau đó, vứt giấy đã sử dụng vào thùng rác và rửa tay cẩn thận.

Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín uống chín. Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi. Các gia đình sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc hay mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình cần chủ động giám sát sức khỏe của bé để kịp thời phát hiện ngay có dấu hiệu bệnh TCM.

Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh TCM, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế. Trẻ mắc bệnh cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát.

Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc tay chân miệng

Trẻ sốt, kém ăn, khó chịu, đau họng. Từ 1 đến 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét, chủ yếu trên lưỡi, lợi và trong má. Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1-2 ngày với tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân... Trẻ cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc chỉ có thể bị phát ban hoặc loét miệng.

Trẻ mắc tay chân miệng nhẹ có thể điều trị tại nhà khi trẻ có tổn thương ở da kèm sốt hoặc không kèm sốt. Phụ huynh phải được hướng dẫn đầy đủ cách chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng; các cách phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Ưu điểm của chăm sóc tại nhà là trẻ được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường xung quanh sạch sẽ và đặc biệt là giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Cho trẻ mắc tay chân miệng nhập viện khi: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; Mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; Giật mình nhiều, vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân. Thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè… Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

M.K

Đức Trân