Điều gì ảnh hưởng sức cạnh tranh của tôm Việt?
Giá thành cao từ 30 - 100% khiến con tôm Việt Nam ngày càng mất sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Theo số liệu Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 5/2023 đạt 331 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt khoảng 1,4 tỷ USD. Xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm sút từ tháng 8/2022 kéo dài cho tới nay.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm chỉ ra, là do ngành tôm đang phải đối mặt với các áp lực lớn của thị trường như suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm. Giá tôm giảm do dư cung, biên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm... Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của ngành tôm Việt Nam hiện nay đó là sức cạnh tranh. Nếu so sánh giá thành sản xuất tôm giữa Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ thì giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8 - 5,0 USD/kg) cao hơn 100% so với Ecuador (2,3 - 2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4 - 3,8 USD/kg).
Chi phí cho sản xuất, nuôi tôm cũng không hề nhỏ khi mỗi năm phải tiêu tốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng cho kháng sinh.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, rất cần giảm giá thành, tăng năng suất trong lĩnh vực nuôi tôm, trong đó vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Trong thời gian tới doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ để làm sao chúng ta có được sự đầu tư mạnh mẽ vào vùng nuôi. Đây là tiền đề để giải quyết được thách thức về mặt giá thành nguyên liệu. Đồng thời chứng minh cho người mua là các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, nghiêm túc, vùng nuôi có chứng nhận, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, Nhà nước đóng vai trò rất lớn để thúc đẩy phát triển ổn định và bền vững ngành tôm. Theo đó, cần quy hoạch cơ sở hạ tầng thuận lợi cho vùng nuôi, như đường xá, kênh thủy lợi, tích tụ ruộng đất, các cơ sở hạ tầng khác và có các chính sách hỗ trợ nông dân để tránh mai một nghề nuôi.