Nghệ thuật múa cũng xã hội hóa
Xã hội hóa (XHH) các hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa nói riêng được đặt ra trong tiến trình đổi mới và hội nhập, nhằm kích thích tiềm năng sáng tạo của người nghệ sĩ và huy động nguồn lực toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu tinh thần phong phú của nhân dân.
Rào cản từ cơ chế
XHH các hoạt động văn hóa nghệ thuật được hiểu là phát huy mọi tiềm lực xã hội, biến các hoạt động văn hóa nghệ thuật trở thành của toàn xã hội, được xã hội quan tâm và nuôi dưỡng, trong đó Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo định hướng cho các hoạt động, tài trợ, “đặt hàng” có trọng điểm, góp phần tạo sự cân bằng và thúc đẩy quá trình xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả hơn.
Đánh giá kết quả từ Nghị quyết 04-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đến nay, chúng ta thấy, dường như chủ trương này vẫn còn “dậm chân tại chỗ”, kết quả đạt được không nhiều, còn hạn chế trong xây dựng cơ chế, chính sách, trong việc dẫn dắt các đơn vị nghệ thuật theo con đường XHH. Điều đó lý giải cho việc đến bây giờ nhiều người vẫn còn nhầm lẫn rằng, XHH chỉ đơn thuần là bài toán về ngân sách; hay XHH là “khoán trắng” cho xã hội; rồi nhầm lẫn XHH với tư nhân hóa.… Sự nhầm lẫn này kéo theo vô số hệ lụy “dở khóc dở cười” khiến không ít đơn vị “tự bơi” trong bài toán không có lời giải.
Phát biểu tại cuộc trao đổi với lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam vào tháng 5 vừa qua, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ: Khách quan mà nói, những chuyển dịch gần đây của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở nước nhà cho thấy xu thế XHH dường như đã có những tác động không nhỏ tới nghệ thuật múa, minh chứng là nghệ thuật múa đã phủ sóng rộng rãi trong cả nước, xuất hiện ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội: Nghệ thuật múa ở các tổ chức, đơn vị chuyên nghiệp trong quản lý nhà nước, các nhóm vũ đoàn, các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề múa tự do, phong trào nghệ thuật múa đại chúng, từ thành thị đến nông thôn, các trường đại học, trung học, mẫu giáo, các lĩnh vực ngành nghề, doanh nghiệp…
Tuy nhiên, để ý kỹ chúng ta thấy, hàng loạt các vũ đoàn, các studio, nhóm nhảy mọc lên như nấm, nhưng chỉ một số ít trong đó hoạt động tốt và có tên tuổi, còn lại đa phần chỉ dừng lại ở các nhóm nhỏ lẻ, tự phát, “xào xáo” lại tiết mục để múa phụ họa, hiếm khi được biểu diễn tiết mục độc lập trên các sân khấu chuyên nghiệp.
Loay hoay trong cơ chế thị trường
Để giải bài toán XHH, nhiều địa phương đã và đang thực hiện việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nhằm tháo gỡ vấn đề trước mắt là quỹ lương và biên chế cồng kềnh.
Tuy nhiên, việc sáp nhập hai đơn vị thành một cũng chưa mang lại hiệu quả bởi đây chỉ là động thái cơ học, chưa kể bao nhiêu nghệ sĩ có tuổi đời và tuổi nghề với nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, chúng ta làm sao nói cắt là cắt, bỏ là bỏ ngay được? Chiến lược đặt ra không bám sát thực tiễn và cũng không tính đến hệ lụy mang lại khiến tất cả các loại hình nghệ thuật từ múa tới sân khấu truyền thống, ca nhạc, điện ảnh... được gom chung vào một nhà như một cuộc “ép duyên” chẳng mấy dễ chịu.
Thực tế cho thấy, một vài biên đạo múa chuyên nghiệp tạo ra tác phẩm rất chất lượng nhưng lại không có điều kiện công bố, quảng bá tác phẩm, cho dù họ cố gắng tìm nguồn kinh phí hoặc tự bỏ kinh phí ra làm tác phẩm bởi rất nhiều lý do. Người biên đạo tìm đến Nhà nước - nơi định hướng, dẫn dắt cho họ thì lại vướng phải vấn đề “không có đủ kinh phí”.
Biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam là một trong những người tiên phong trong hoạt động XHH nghệ thuật múa. Cô dám chấp nhận đương đầu thử thách và quyết liệt hành động để tự đứng trên đôi chân của mình, nhờ vậy mà các tác phẩm múa thực sự chất lượng như “Mỵ”, kịch múa “Ballet Kiều”, tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” và nhiều vở múa khác có cơ hội được “thai nghén” và ra đời. Dẫu khó khăn và cũng lắm rào cản nhưng “con thuyền” nghệ thuật múa vẫn hối hả rẽ sóng giương buồm ra khơi, dù ồn ào hay âm thầm lặng lẽ thì cũng đều hướng ra biển lớn, cũng đều vì một đích đến là củng cố và chấn hưng nền nghệ thuật múa nước nhà. Những đóng góp của các vị “thuyền trưởng”, những hướng đi mới, những nỗ lực sáng tạo, thích ứng của các văn nghệ sĩ nói chung, các nghệ sĩ múa nói riêng rất đáng được ghi nhận, hoan nghênh và lan tỏa rộng rãi.
Dẫu biết rằng, bản chất củaXHH và các quy luật của đời sống xã hội sẽ tự sản sinh ra quy luật đào thải; những cơ quan, đơn vị, những nghệ sĩ không có “sức đề kháng” và không tính đến con đường tự hoàn thiện, nâng cao năng lực để bắt kịp với xu thế hội nhập sớm muộn cũng bị đào thải. Tuy nhiên, XHH nghệ thuật một cách nóng vội, chưa có chiến lược, lộ trình rõ ràng, không tính đến yếu tố quan trọng là tính đặc thù của từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là chưa có sự vào cuộc của cả xã hội thì sớm muộn mâu thuẫn cũng nảy sinh. Điều đáng lo ngại nhất là sự đào thải không trúng nơi, trúng người cần đào thải mà sẽ “bào mòn” dần nhuệ khí của các đơn vị nghệ thuật, các văn nghệ sĩ chân chính đã và đang hàng ngày, hàng giờ dốc sức vì nền nghệ thuật nước nhà.
Nhà lý luận phê bình múa Bùi Thái Phiên cho biết: Sự “nhầm lẫn” khi coi các tác phẩm múa cũng là một loại sản phẩm hàng hóa thông thường rất tai hại, nó dẫn tới việc dàn dựng tác phẩm theo ý của “thượng đế”, không còn tính chủ động mà phụ thuộc vào cơ chế thị trường, khiến sản phẩm nghệ thuật bị méo mó, các giá trị nghệ thuật bị lệch chuẩn…