Thay đổi thế nào khi bỏ đào tạo chất lượng cao?
Trước khi thông tư bỏ quy định về chương trình chất lượng cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có hiệu lực, nhiều trường đại học (ĐH) đã chủ động loại bỏ hoặc thay đổi chương trình đào tạo này bằng một tên gọi khác trong đề án tuyển sinh năm 2023.
Chỉ là thay tên gọi
Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 11/2023 về việc bãi bỏ Thông tư 23 (ban hành từ năm 2014) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/12/2023. Các khóa đã tuyển sinh trước ngày này được tiếp tục thực hiện việc tổ chức đào tạo cho đến hết khóa học theo các quy định tại Thông tư 23.
Theo Bộ GDĐT, việc bãi bỏ Thông tư 23 phù hợp với quy định của Luật Giáo dục ĐH 2018. Bởi theo quy định của luật, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không còn tồn tại. Việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH quy định tại Thông tư số 17 năm 2021 của Bộ GDĐT.
Tuy nhiên, quy định bỏ chương trình chất lượng cao khiến nhiều người lo lắng việc đào tạo và tuyển sinh của các trường sẽ gặp khó khăn. Về vấn đề này, Bộ GDĐT khẳng định quy định mới không có nghĩa là các cơ sở giáo dục ĐH không còn hay không được triển khai các chương trình chất lượng cao. Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình đào tạo khác nhau của các cơ sở giáo dục ĐH. Các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo nhưng dù với tên gọi là gì cũng cần bảo đảm tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về việc bảo đảm chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các các quy định khác liên quan đến đào tạo.
Như vậy, thực chất của việc bỏ đào tạo chương trình chất lượng cao ở ĐH chỉ là thay tên gọi. Việc đặt tên gọi thế nào là tùy mỗi trường, có thể khác nhau về phương thức đào tạo nhưng phải giống nhau về chuẩn đầu ra.
Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương), việc bãi bỏ Thông tư 23 không ảnh hưởng đến công tác đào tạo các chương trình chất lượng cao hiện tại, cũng như tuyển sinh và đào tạo trong năm 2023 và những năm tới tại trường. Với sự ra đời của Luật Giáo dục Đại học 2018, việc xây dựng và phát triển các chương trình chất lượng cao và các loại chương trình khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH. Các trường ĐH có thể dùng khái niệm “chất lượng cao” để đặt tên cho chương trình của mình mà không còn bị ràng buộc bởi những điều kiện quy định trong Thông tư 23. Điều quan trọng là, trường ĐH phải khẳng định được chất lượng của chương trình, giải trình được với các bên liên quan và toàn xã hội về những gì trường đã cam kết về chuẩn đầu ra và điều kiện đảm bảo chất lượng để tương xứng với cái tên đó.
Cũng theo bà Hiền, tại Trường ĐH Ngoại thương, chương trình chất lượng cao được xây dựng với chuẩn đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng cao hơn so với chương trình tiêu chuẩn và đáp ứng ở mức độ cao hơn hẳn so với các chuẩn quy định tại Thông tư 23. Vì vậy, trong thời gian tới, nhà trường vẫn tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao và thực hiện cải tiến liên tục, kiểm định quốc tế định kỳ theo quy định.
Quan trọng là chất lượng
Thực tế hiện nay, chương trình chất lượng cao được cho là “nồi cơm” của các trường ĐH vì chương trình này có mức học phí cao. Nếu dừng chương trình đào tạo chất lượng cao cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu từ học phí của các trường bị sụt giảm đáng kể. Vì vậy, để nguồn thu không bị ảnh hưởng, theo tìm hiểu, trong đề án tuyển sinh năm 2023, một số trường ĐH đã chủ động cấu trúc lại chương trình hoặc thay bằng một tên gọi khác: chương trình dạy bằng tiếng Anh, chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, chương trình tăng cường tiếng Anh, tăng cường tiếng Pháp, tăng cường tiếng Nhật… Ví dụ như: Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM)…
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện ĐH này có gần 30 chương trình chất lượng cao nhưng được gọi bằng tên gọi ELITECH (viết tắt của cụm từ Elite Technology Program). Đây là các chương trình liên quan tới công nghệ mũi nhọn có những đặc thù, chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đại trà. ELITECH bao gồm các chương trình có bề dày lịch sử như chương trình tài năng, chương trình Việt Pháp, chương trình tiên tiến.
Theo ông Điền, tên gọi của các chương trình này được nhà trường xây dựng từ khi Luật Giáo dục ĐH 2018 được ban hành, bảo đảm các điều kiện về mở ngành, tuyển sinh, thực hiện chương trình đào tạo theo quy định.
Việc thực hiện chương trình ELITECH được ĐH Bách Khoa Hà Nội xây dựng theo định nghĩa thế nào là chất lượng cao tại Thông tư 23, cũng như bám sát vào một số nội dung cốt lõi của thông tư này để đưa ra quy định về chương trình ELITECH. ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị tự chủ, nên được tự chủ về xây dựng chương trình đào tạo kèm theo các mức học phí phù hợp với từng chương trình.
Dù việc Bộ GDĐT ban hành Thông tư 11 về việc bãi bỏ Thông tư 23 là đúng với Luật Giáo dục ĐH 2018, song nhiều ý kiến cũng cho rằng, với những chương trình mới mở, chưa qua kiểm định sẽ gặp khó khăn nhất định bởi theo quy định, với những chương trình đào tạo mới mở thì sau khi có sinh viên tốt nghiệp mới đủ điều kiện để được kiểm định.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, quy định mới ít nhiều sẽ khiến các trường bị xáo trộn trong đào tạo. Hiện các chương trình đào tạo theo Thông tư 23 sẽ tiếp tục thực hiện tới hết năm nay. Còn sau đó, nhà trường phải họp bàn lên phương án sao cho việc tuyển sinh và đào tạo ổn định trong thời gian tới sau khi Thông tư 11 có hiệu lực.
Tuy khẳng định quy định mới theo Thông tư 11 của Bộ GDĐT không ảnh hưởng gì tới việc tuyển sinh và đào tạo của nhà trường, nhưng Phó Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng, lẽ ra Bộ GDĐT nên ban hành thông tư về việc bãi bỏ Thông tư 23 ngay sau khi có luật và yêu cầu các trường xây dựng quy định nội bộ về định nghĩa chương trình chất lượng cao.
Mặt khác, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nêu quan điểm: Nếu các trường chủ động trong việc tiếp nhận quyền được tự chủ trong học thuật và chuyên môn thì Thông tư 11 sẽ không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo. Với chương trình này, các trường nên có quy định nội bộ về việc này bao gồm: Quy định chuẩn đầu vào, đầu ra cao hơn các chương trình đại trà, kèm theo đó là một đề án liên quan tới định mức kỹ thuật, chi phí đào tạo để xác định học phí theo Nghị định 81/2021/ND-CP của Chính phủ.
Bộ GDĐT cho biết, Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo có các yêu cầu về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ GDĐT quy định. Các cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với các chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra của các chương trình đào tạo này, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan cũng như toàn xã hội. Việc xây dựng và thực hiện các chương trình chất lượng cao thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục. Về học phí, các trường xác định và thực hiện theo các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.