Niềm vui bên hai bờ sông Lô
Như một biểu tượng đẹp của tình đoàn kết, cầu Vĩnh Phú nối hai bờ sông Lô giữa Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã tới ngày khánh thành - niềm vui rất lớn cho nhân dân của hai tỉnh vốn là “người một nhà”.
Những ngày này, người dân hai bên bờ Lô giang đang rất háo hức chờ đón ngày khánh thành cây cầu Vĩnh Phú nối TP Việt Trì (Phú Thọ) và huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Cây cầu không chỉ “nối những bờ vui”, nó được xác nhận sẽ mang đến những giá trị vượt bậc trong vận tải, giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh đi lại hằng ngày, mà còn thắt chặt hơn nữa tình cảm “người một nhà” của tỉnh Vĩnh Phú xưa.
Cầu do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Sau hơn một năm rưỡi thi công liên tục bất kể ngày đêm với quyết tâm cao độ, các nhà thầu cho biết cây cầu trị giá 540 tỷ đồng sẽ được khánh thành trước thời hạn, dự kiến bàn giao vào dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, hiện đang tập trung hoàn thiện các hạng mục còn lại. Cây cầu có 4 làn xe chạy, mặt rộng gần 20m, toàn tuyến cầu dài hơn nửa km, cầu chính dài 290m, với điểm giao phía TP Việt Trì là cuối đường Trần Phú, phía huyện Sông Lô là xã Đức Bác. Trước đó, cầu Vĩnh Phú đã được hợp long kỹ thuật vào ngày 13/4, về đích trước nửa năm. Tiến độ và chất lượng thi công được đánh giá cao.
Có mặt tại công trường xây dựng những ngày cuối tháng 6/2023, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết chứng kiến một nhịp độ thi công hối hả nhằm hoàn tất những phần việc cuối cùng bất chấp thời tiết ra sao. Làm lan can, thảm mặt cầu, sơn kẻ đường, điều chỉnh khe co giãn, lắp biển báo giao thông, chiếu sáng... tất cả đã ở công đoạn cuối. Điểm nhấn đặc biệt nhất của cây cầu là hệ thống dây văng đúc hẫng cân bằng EXTRADOESD - một công nghệ xây dựng cầu mới rất hiện đại và thuộc diện phức tạp nhất hiện nay, đã hoàn tất, tạo nên mỹ quan ấn tượng nhất của toàn bộ cây cầu.
Liên danh hai nhà thầu đã huy động hơn 100 kỹ sư, công nhân cùng các loại phương tiện máy móc thực hiện 3 ca liên tục. Chăm lo hậu cần và đảm bảo sức khỏe cho thợ máy, kỹ sư, công nhân để họ bám sát công trình, hàng loạt nhà lán đã được dựng lên hai bên bờ sông. Chỉ huy trưởng công trình cho biết, sự chuẩn bị chu đáo nhân lực, vật tư, dự liệu diễn biến thời tiết, thực hiện nghiêm ngặt an toàn lao động, và nhất là sự động viên kịp thời đến từng kỹ sư, công nhân, đã tạo nên hiệu quả lớn trong thi công.
Đặc thù thi công cầu bắc qua sông có lưu lượng phương tiện đường thủy qua lại rất lớn như sông Lô, nhà thầu đã phải thực hiện gói thầu riêng dành cho những phương tiện này, ước tính có ngày lên đến cả nghìn chuyến tàu thuyền, mà vẫn giữ được nhịp độ xây dựng.
Khởi công từ cuối năm 2021, việc giải phóng mặt bằng trước đó gặp nhiều thách thức nhưng sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp đã sớm bàn giao “mặt bằng sạch” cho nhà thầu. Hàng chục hộ dân hai bên bờ sông, khi được vận động và tuyên truyền về sự ra đời cây cầu hiện đại “xóa sổ bến phà đau khổ”, cũng đã đồng thuận di dời, bàn giao hàng nghìn mét đất. Và mặc dù khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19, nhưng các nhà thầu đã luôn đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Theo ông Đặng Hoàng Cương - Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, hằng ngày có gần 1.000 công nhân phía bên huyện Sông Lô cần di chuyển qua sông sang làm việc tại các công ty bên bờ TP Việt Trì và huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra có cả hàng nghìn người hai bên sông.
Hiện đang là thời gian còn lại của những chuyến phà cuối cùng, kết thúc sứ mệnh của phương tiện chuyên chở ở sông Lô với mỗi ngày gần 30 chuyến, để được thay thế bởi cây cầu hiện đại, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội cho vùng địa bàn bên bờ sông Lô.
Vùng lao động nông thôn cung cấp rau quả, thực phẩm, thủy sản cho TP Việt Trì chắc chắn gặp rất nhiều thuận lợi, tạo nên thu nhập cho nông dân bên huyện Sông Lô. Như vậy hiện có 4 cây cầu qua sông nối kết trực tiếp vào TP Việt Trì gồm Văn Lang, Việt Trì, Hạc Trì, và Vĩnh Phú. Xứng đáng được chờ đợi ngày khánh thành, cầu Vĩnh Phú còn được ví như biểu tượng đoàn kết hơn nữa tình cảm thân thiết giữa người dân hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
Thấy cây cầu hiện lên vóc dáng như thể đã hoàn thành, ông Phan Tiến Sơn (phường Dữu Lâu, TP Việt Trì) rất phấn khởi: “Nhà tôi ở lâu năm ở gần bến phà này, chứng kiến cảnh qua sông vất vả, nguy hiểm hằng ngày, nên tôi rất mong có một cây cầu để người dân qua lại đỡ khổ, không phải chờ phà nữa. Từ lúc khởi công, ngày nào các gia đình xóm tôi cũng ra đây xem xây cầu”. Còn anh Lê Văn Pháp nhà ở bên kia bờ, xúc động nói: “Mong mỏi của biết bao thế hệ người dân Đức Bác quê tôi và người dân hai tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ, vốn là “người một nhà Vĩnh Phú”, cuối cùng đã thành hiện thực. Giờ không còn lo mùa lũ nước dâng cao, lo tai nạn tàu phà. Chúng tôi từng ước mơ chỉ là một cái cầu thay cho những chuyến phà, giờ lại có cầu to, hiện đại thế này đã như điều không tưởng”.