Giáo viên lo học sinh 'khó cân bằng được cảm xúc' với môn Ngữ văn
Trong khi nhiều học sinh "trúng tủ" với môn Ngữ văn thì có những em lại thấy "xa lạ" khi cầm trên tay đề thi. Ngay cả với một số giáo viên, câu hỏi nghị luận văn học cũng nằm ngoài trọng tâm ôn tập của giáo viên.
Hàng năm, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Đặc biệt, câu nghị luận văn học chiếm 5 điểm trong tổng số 10 điểm của bài thi luôn là phần thí sinh và phụ huynh, giáo viên mong ngóng nhất, cũng sẽ là câu hỏi mang tính phân loại rõ rệt các thí sinh.
Năm nay, với tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân không nằm ngoài dự đoán của nhiều giáo viên song đề thi chọn ngữ liệu là đoạn cuối cùng của tác phẩm lại có phần gây bất ngờ với nhiều người. Cô giáo Trịnh Thu Tuyết, giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định: "Vẫn có một cảm giác hơi tiếc nuối khi ngữ liệu được chọn để nghị luận không phải là đoạn văn hay nhất, tiêu biểu nhất cho tài hoa của nhà văn Kim Lân trong nghệ thuật miêu tả tâm lí và khắc họa chân dung nhân cách, thân phận…các nhân vật; và do đó đoạn kết chưa thực sự xứng với tầm một tác phẩm được coi là kiệt tác của Kim Lân".
Với giáo viên trực tiếp dạy và ôn thi cho học sinh cuối cấp, khi đọc được đề Ngữ văn, tâm trạng của mỗi người cũng khác nhau. Trong một nhóm lớp, cô giáo bày tỏ nỗi lo lắng vì đề thi khó, gần như học sinh không làm được bài, chủ yếu viết theo cảm xúc.
"Nhiều năm trong nghề dạy Văn, chưa bao giờ nghĩ đề thi lại ra cái đoạn cuối ấy! Đúng là làm khó học sinh và tạo bất ngờ cho giáo viên" - cô giáo bày tỏ lo lắng, mong bố mẹ động viên các con trong các buổi thi tiếp theo.
Dù vậy, cũng có những giáo viên ôn tập đúng trọng tâm, không chỉ đúng tác phẩm mà còn giải đáp toàn bộ thắc mắc của học sinh về các phần của bài học nên ngay sau buổi thi, cô nhận được cơn mưa tin nhắn chia vui của học sinh và phụ huynh. Bí quyết của cô giáo này đó là dạy học sinh tư duy để dù rơi vào tác phẩm nào, vào phần nào, thậm chí là ngữ liệu ngoài sách giáo khoa các em cũng có thể tự tin làm tốt bài thi.