Đại diện Bộ GDĐT lý giải vì sao đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT theo lối cũ
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng Ban đề thi, học sinh năm nay vẫn đang học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và đề thi Ngữ văn phải ra trong tác phẩm nằm trong chương trình theo như quy định.
Chiều 29/6, Bộ GDĐT tổ chức họp báo thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Tại buổi họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GDĐT tổ chức chiều 29/6, nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi liên quan tới vấn đề trùng lặp, tính mở của đề thi môn Ngữ văn.
Trả lời về đề thi, ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi cho hay, đề thi năm nay giữ ổn định. Đề thi nằm trong chương trình lớp 12, không ra vào chương trình giảm tải và có tính phân hóa.
Ông Hà cũng cho biết, năm nay lần đầu tiên Bộ GDĐT thực hiện quy trình có kiểm soát bằng phần mềm để loại trừ sự trùng lặp. Cách thức này đã rà soát, loại bỏ rất nhiều việc trùng lặp đề thi, nhất là đề thi môn Ngữ văn.
Liên quan đến ý kiến cách ra đề thi môn Ngữ văn theo lỗi cũ, ít tính mở, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đề thi Ngữ văn có hai phần: Đọc hiểu và Làm văn.
Phần Đọc hiểu cơ bản ngữ liệu sử dụng không nhất thiết phải nằm trong chương trình, đây là điểm mới, có tính mở cao.
Với phần Đọc hiểu, tổ ra đề luôn hướng đến các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục.
Với phần Làm văn, học sinh năm nay vẫn đang học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và đề thi phải ra trong tác phẩm nằm trong chương trình theo như quy định. Đây cũng là lý do các đề thi có thể có sự trùng lặp.
Tuy nhiên, ông Hà nhấn mạnh, dù đề ra cùng một tác phẩm, nhưng điều quan trọng nhất là lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau.
Vẫn liên quan đến câu hỏi đề thi, cụ thể là về chuẩn bị ngân hàng đề, ông Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, việc này cơ bản phải bảo đảm công bằng cho thí sinh và có độ phân hóa.
Theo ông Hà, dù đội ngũ thầy cô ra đề đều là những chuyên gia hàng đầu, nhưng khi vào trại đề vẫn được tập huấn lại rất kỹ lưỡng; đặc biệt việc bảo đảm 4 mức độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Về cấu trúc, cơ bản đề thi có cấu trúc tương tự như năm trước với khoảng 50% câu hỏi ở mức độ nhận biết, khoảng 25% câu hỏi ở mức độ thông hiểu, khoảng 25% câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Trước một số ý kiến cho rằng đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bị trùng lặp với đề thi của một số địa phương, ông Hà cho biết, đề thi môn Ngữ văn có sử dụng phần mềm để quét, rà soát dữ liệu để tránh đề bị trùng lặp.
Cụ thể, đối với trường hợp cho rằng trùng với đề thi vào lớp 10 của Hà Nội, ông Hà cho hay, kỳ thi vào lớp 10 diễn ra sau khi Hội đồng đề làm việc nên Hội đồng không có thông tin.
Khi được biết, Hội đồng đã họp và thấy rằng đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội và đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có ngữ liệu khác nhau, lệnh hỏi cũng khác nhau.
Với ý kiến về trùng lặp với đề thi ở Nghệ An, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đề thi này không có trên mạng, nên không có dữ liệu để phần mềm quét.