EU đối diện thách thức
Hầu hết các nước khu vực Eurozone (đồng tiền chung châu Âu) bao gồm 20 quốc gia, cũng như 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang chật vật ứng phó với nắng nóng lẫn kinh doanh tăng trưởng chậm lại. Sau chặng đường nửa đầu năm 2023, kinh tế khu vực này gặp nhiều khó khăn so với dự báo trước đó.
Tăng trưởng chững lại
Theo S&P Global: Tăng trưởng sản lượng kinh doanh của Khu vực đồng tiền chung châu Âu gần như chững lại trong tháng 6, cho thấy nền kinh tế đang suy yếu trở lại sau đợt phục hồi tăng trưởng ngắn được ghi nhận vào mùa xuân.
Mặc dù những lo lắng về giá năng lượng và chuỗi cung ứng đã giảm bớt kể từ cuối năm 2022, nhưng tháng 6 đã chứng kiến sự leo thang hơn nữa của những lo ngại về tăng trưởng nhu cầu, đặc biệt là tác động của lãi suất cao hơn và khả năng suy thoái ở cả thị trường trong nước và các thị trường quốc tế.
Chris Williamson - nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, nói rằng những con số này là "đáng lo ngại". Ngân hàng trung ương châu Âu đã nhiều lần tăng lãi suất nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát cao kéo dài. Tuy nhiên việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể khiến kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái, vì lãi suất cao hơn có thể dẫn đến chi phí vay cao hơn cho các công ty và gây ra sự sụt giảm sản lượng.
“Hiện chưa xác định khối các nước sử dụng đồng tiền chung Euro có rơi vào suy thoái hay không, nhưng tăng trưởng ở mức quá thấp. Mức tăng trưởng 0,1% là dấu hiệu cần phải được cảnh báo” - TS Chris Williamson nói và cho biết, tính chung tất cả 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (trong đó có 20 quốc gia sử dụng đồng Euro), mức tăng trưởng đều ở mức “đáng lo ngại” sau 6 tháng của năm 2023.
Lạm phát chung đã giảm trong nhiều tháng liên tiếp, nhưng giá lương thực thực phẩm vẫn tăng. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu buộc phải duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, nhằm kéo lạm phát xuống thêm. Kinh tế Liên minh châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, do nhu cầu tiêu dùng suy yếu và tình trạng bất ổn nói chung vẫn đang tác động tiêu cực tới niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung Euro.
Cả Đức và Pháp đều đối diện khó khăn
Đáng chú ý trong khối là sức khỏe của 2 nền kinh tế lớn là Đức và Pháp. Nghiên cứu của Deloitte cho thấy, người tiêu dùng tại Đức đang cắt giảm mua lương thực, thực phẩm và chuyển sang mua các sản phẩm rẻ hơn do chi phí tăng cao. Theo kết quả khảo sát, nhiều người tiêu dùng đang mua thực phẩm rẻ hơn hoặc bỏ một số loại thực phẩm khỏi danh sách mua hàng của mình. Khoảng 37% số người được hỏi cho biết, họ chuyển sang mua các nhãn hiệu rẻ hơn trong siêu thị, trong khi 35% cho biết họ đang mua các loại thịt có giá thấp hơn. 20% số người được hỏi cho biết, họ thường xuyên mua ít thực phẩm hơn mức họ mong muốn, trong khi 25% cho biết hiện chỉ mua những thứ thiết yếu, cắt giảm đồ ngọt và đồ nguội.
"Nhiều cuộc khủng hoảng và thách thức gần đây đã khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm của mình, để xoay xở với các nguồn tài chính có sẵn. Điều này ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả dinh dưỡng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, đối với nhiều người tiêu dùng, tiết kiệm tiền khi mua thực phẩm là việc bắt buộc hàng ngày" - Deloitte cho biết thêm rằng cứ 3 người tiêu dùng thì có 1 người "căng thẳng về tài chính" và rằng chỉ có 41% số người được hỏi cho biết họ hiểu tại sao giá lại ở mức cao như hiện nay và phàn nàn về sự thiếu minh bạch khi hình thành giá. Hơn 2/3 số người được hỏi (64%) cho biết, họ cảm thấy rằng các công ty đang tăng giá nhiều hơn mức chi phí gia tăng của họ yêu cầu, và do đó đang kiếm thêm lợi nhuận.
Phân tích của Deloitte dựa trên một cuộc khảo sát đại diện với khoảng 25.000 người tiêu dùng từ 25 quốc gia, trong đó có khoảng 1.000 người ở Đức.
Trong khi đó tại Pháp, kết quả một cuộc khảo sát đã cho thấy sự suy thoái trong sản xuất và dịch vụ tại quốc gia này khi hoạt động kinh doanh chậm lại. Dựa trên dữ liệu nhanh về chỉ số quản trị mua hàng (PMI) từ Ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB), báo cáo cho thấy mức giảm 0,5% so với quý trước do sản lượng ở Pháp lần đầu tiên giảm kể từ đầu năm 2023.
“Nếu như kinh tế của cả Đức và Pháp không cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt thì tác động của nó tới EU là không tránh khỏi. Lạm phát cao, điều kiện tài chính khó khăn, khó đảm bảo các khoản vay và doanh nghiệp ngừng hoạt động là các yếu tố chính đằng sau sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh. Vì thế, phía trước của EU vẫn là con đường không bằng phẳng trong cuộc đua tới đích vào cuối năm” - nhà kinh tế học Norman Liebke nhận xét.