Năm 2030, Hà Nội sẽ cấm xe máy vào nội đô: Liệu có khả thi?
Để tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận tại Hà Nội từ năm 2030, nhiều ý kiến cho rằng, cần đảm bảo các điều kiện đáp ứng cho việc thực hiện.
Sẽ cấm xe máy tại các quận vào năm 2030?
UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội” từ năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện được thành phố đặt ra trong giai đoạn 2025-2030. Đáng chú ý, TP Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập Đề án “phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.
Ngoài ra, Đề án “thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” cũng được giao các đơn vị liên quan thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.
Đây không phải là vấn đề mới, vì nhiều lần Hà Nội đã tính đến vấn đề trên. Song mỗi lần “rục rịch phương án” thì đều gặp phải những lo ngại về tính khả thi. Thực tế, việc triển khai đều dựa trên những cơ sở pháp lý quan trọng. Đó là HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.
Cơ sở được đưa ra vào thời điểm đó là do ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ra vào TP Hà Nội ngày càng diễn ra nghiêm trọng, nhất là trong giờ cao điểm và ngày lễ, tết. Bên cạnh đó, hoạt động giao thông vận tải cơ giới đường bộ được xác định chiếm 70% trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Từ đó Nghị quyết đưa ra lộ trình thực hiện các giải pháp được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Còn giai đoạn 2017-2030 xác định: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Giao thông công cộng đã tiện lợi hay chưa?
Ngay sau khi Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập Đề án “phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đánh giá, mục tiêu mà Hà Nội đưa ra là tốt, nhằm phù hợp với các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội, cũng như góp phần để thành phố sạch đẹp hơn, tránh ô nhiễm, ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đến năm 2030 cấm xe máy tại các quận ở Hà Nội, bà An cho rằng, quan trọng nhất là phải chuẩn bị hạ tầng cho giao thông công cộng một cách cụ thể, chi tiết. “Cần đánh giá lại thực trạng giao thông công cộng tại Hà Nội để xem các tuyến xe buýt hiện đã đủ chưa, cần tăng thêm bao nhiêu chuyến xe buýt? đến những tuyến phố nào? giao thông công cộng đã tiện lợi cho người dân hay chưa? Nghĩa là cần phát triển và đáp ứng hạ tầng công cộng từ nay cho đến năm 2030. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì mới cấm.
Bà An nói: “Hiện đi lại bằng phương tiện xe máy vẫn phổ biến ở nội đô và ngoại thành Hà Nội. Việc cấm xe máy cần xem xét kỹ, không nên để ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.
Còn chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh bày tỏ lo ngại, với cơ sở hạ tầng giao thông công cộng như hiện nay thì đến năm 2030, Hà Nội cấm xe máy tại các quận là khó khả thi. “Bởi trong nhiều năm qua, Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế ùn tắc giao thông song đều không khả thi do điều kiện thực hiện không đầy đủ. Nếu không cho người dân sử dụng xe máy cá nhân vậy người dân đi lại bằng phương tiện gì?” - ông Thanh đặt vấn đề và cho rằng, từ nay đến năm 2030 còn hơn 6 năm nữa liệu giao thông công cộng có đáp ứng được yêu cầu? Khi hiện 72% người dân di chuyển bằng xe gắn máy cá nhân, xe buýt chỉ chiếm 14%. Vậy làm sao chuyển hết “72% sang xe buýt hoặc phương tiện khác”.
“Yếu tố quan trọng là các điều kiện thực hiện chưa được đảm bảo. Giao thông công cộng phải gánh được 72% số chuyến đi bằng xe cá nhân. Tiềm lực kinh tế của Hà Nội là có nhưng quan trọng là có tập trung để thực hiện hay không? Nếu cấm thì học sinh, công chức, người dân đi lại bằng gì? Chúng ta phải trả lời được câu hỏi đó thì mới cấm”- ông Thanh nói.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, chủ trương đưa ra là đúng. Nhưng quan trọng là đến năm 2030 đã đầy đủ các giải pháp hỗ trợ để thực hiện việc đó hay chưa? Theo ông Nghiêm, bây giờ cần phải xem xét toàn diện các vấn đề liệu có đáp ứng đủ cơ cấu phương tiện giao thông công cộng hay không, vì hiện tuyến đường sắt đô thị vẫn chậm, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đang xin hoãn lại; hệ thống giao thông các tuyến đường xuyên tâm mới đáp ứng 10%, trong khi yêu cầu là từ 20-25%. “Không có hệ thống giao thông công cộng đáp ứng yêu cầu thì làm sao có thể cấm toàn bộ xe máy?” - ông Nghiêm băn khoăn. Mọi quyết sách phải xem xét tổng thể từ các vấn đề: Tỷ lệ phương tiện công cộng đang thấp chưa đáp ứng yêu cầu; không có đường giao thông riêng cho xe đạp; lượng ô tô đang tăng mạnh, hơn 12% không có chỗ đỗ. Khi các điều kiện chưa đáp ứng được nhu cầu thì chưa thể cấm xe máy”- ông Nghiêm nhấn mạnh.
“Hiện đi lại bằng phương tiện xe máy vẫn phổ biến ở nội đô và ngoại thành Hà Nội. Việc cấm xe máy cần xem xét kỹ, không nên để ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân” - PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy:
Không nên “đổ tội” ùn tắc cho xe máy
Cần phải xem xét kỹ việc cấm này có hợp lý hay không, có hiệu quả hay không? Cấm thì cũng phải “có tình, có lý”, có khoa học thực tiễn, có hợp lòng dân hay không? điều đó mới quan trọng.
Trên thế giới không có nước nào cấm xe máy. Xe máy không phải “tội đồ” gây ra ùn tắc vì xe máy diện tích chiếm dụng đường chỉ bằng 1/5 xe ô tô cá nhân, bằng 1/30 xe ô tô khách. Vậy tại sao lại “đổ tội” gây ùn tắc cho xe máy? Chưa kể, xe máy không phải nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường vì khí thải xe máy chỉ bằng 1/5 đến 1/10 so với ô tô.
Đời sống của người dân vẫn còn nghèo. Thu nhập của đại đa số người dân thấp. Chiếc xe máy là “cần câu cơm”, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình. Bởi vậy, cấm xe máy sẽ lợi bất cập hại.
Cuộc sống của phần lớn người thu nhập thấp vẫn hết sức khó khăn. Bên cạnh đó các phương tiện công cộng cũng phải cải thiện chất lượng, cạnh tranh với xe máy để họ bỏ xe máy đi xe công cộng. Nếu tốc độ chạy nhanh, đúng giờ thì dần dần người dân sẽ chọn các phương tiện công cộng. Lúc đó lượng xe máy sẽ ít đi, họ sẽ chọn đi các phương tiện giao thông công cộng.
Khi giao thông công cộng phát triển thì sẽ hướng đến việc giảm lượng xe máy đến năm 2030 còn 30% hoặc 20%. Khi người dân đồng thuận thì chúng ta mới nên áp dụng chứ không nên áp đặt những quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và giao thông tại nước ta.
H.Vũ (ghi)