Vụ 'chuyến bay giải cứu': Xét xử 54 bị cáo

Xuân Ngọc 01/07/2023 07:00

Hàng chục cựu quan chức, doanh nghiệp lợi dụng những “chuyến bay giải cứu” khi dịch Covid-19 bùng phát để trục lợi, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo hàng trăm tỷ đồng. Vụ án sẽ xét xử trong 1 tháng với hơn 200 người được triệu tập.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 1 tháng

Ngày 11/7 tới, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” về các hành vi đưa - nhận - môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản; khung hình phạt cao nhất ở tội nhận hối lộ là tử hình. Các bị cáo nguyên là quan chức, cán bộ của 4 bộ, 2 tỉnh, 5 cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp (DN).

Phiên tòa dự kiến kéo dài 1 tháng dưới sự điều hành của Hội đồng xét xử 5 người, chủ tọa là Thẩm phán Vũ Quang Huy. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có 9 kiểm sát viên. Ngoài 54 bị cáo và 116 luật sư bào chữa, tòa án còn triệu tập 46 người và 16 công ty với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch. Việc này được phụ trách bởi Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành còn địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Lợi dụng các “chuyến bay giải cứu”, từ tháng 9/2020- 12/2022, có 25 cá nhân nhận hối lộ gần 167 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, 23 cá nhân là đại diện các DN đưa hối lộ tổng số tiền trên 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo 24,5 tỷ đồng.

Viện kiểm sát cáo buộc người nhận hối lộ nhiều tiền nhất là Phạm Trung Kiên - cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, với hơn 250 lần nhận tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng. Người thứ hai là Vũ Anh Tuấn - cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, với 49 lần nhận tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng. Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao có 32 lần nhận tổng số tiền trên 25 tỷ đồng. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng cũng bị cho là đã nhận hối lộ 37 lần tổng số 21,5 tỷ đồng. Còn cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam bị cáo buộc 2 lần nhận tổng số tiền 1,8 tỷ đồng.

Từ điều tra viên thành bị can trong một vụ án

Trong vụ án, các bị can Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng - Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky bị xác định đã đưa hối lộ cho một số cá nhân có thẩm quyền. Khi vụ án được điều tra, Hằng gặp cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội. Tuấn sau đó kết nối cho Hằng gặp Hoàng Văn Hưng, khi đó là Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, điều tra viên thụ lý chính vụ án “chuyến bay giải cứu”. Thiếu tướng Tuấn cũng nhờ Hưng giúp Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự.

Theo cáo trạng, tháng 2/2022, ông Tuấn sắp xếp cho Hằng và Hưng gặp nhau 3 lần tại nhà mình. Hằng trình bày có đưa hối lộ khi xin cấp phép chuyến bay và nhờ “giúp đỡ”. Vị Trưởng phòng An ninh đồng ý rồi hướng dẫn Hằng và Sơn phải khai báo theo hướng việc đưa hối lộ, xin cấp phép bay và chủ trương cách ly do Hằng thực hiện còn Sơn làm “bù nhìn”; tức Hằng phải nhận hết trách nhiệm về mình. Trong thời gian này, Hằng đưa cho ông Tuấn 200.000 USD để “ứng trước” cho Hưng.

Giai đoạn tháng 3 – 7/2022, Hưng tiếp tục hướng dẫn Sơn khai báo theo hướng “không biết gì”, mọi việc do Hằng quyết định. Thêm 1 triệu USD được Hằng đưa cho Tuấn, nhờ chuyển tới Hưng. Sau đó, 2 người vẫn liên tục bị triệu tập, Hằng thừa nhận việc đưa hối lộ, nhận hết trách nhiệm nhưng Sơn lại khai biết việc này, trái hướng dẫn của “điều tra viên chính”. Hưng do vậy tiếp tục yêu cầu Sơn khi khai báo phải trình bày “chỉ thấy Hằng đưa túi quà cho cán bộ Văn phòng Chính phủ”, không biết bên trong có gì. Thêm 600.000 USD được Hằng đưa cho Tuấn cũng với mục đích chuyển cho Hưng.

Tháng 9/2022, Hưng được điều chuyển công tác sang Phòng Chính trị Hậu cần nhưng ông ta tiếp tục gặp Hằng tại nhà Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn để cung cấp thông tin và yêu cầu đưa tiền. Lần này, 350.000 USD được Hưng nhận trực tiếp với lý do “chi cho viện kiểm sát”. 2 tháng sau, Hưng lấy lý do “viện kiểm sát chê ít”, yêu cầu đưa thêm 450.000 USD và cũng được đồng ý. Ông ta còn nói việc chuyển công tác với mình chỉ là hành chính, Hưng vẫn trực tiếp chỉ đạo điều tra, báo cáo đề xuất chủ trương xử lý vụ án.

Tháng 12 cùng năm, Lê Hồng Sơn bị bắt về tội đưa hối lộ nên Hằng tiếp tục nhờ Thiếu tướng Tuấn cho gặp Hưng. Lần này, cựu Trưởng phòng điều tra vẫn khẳng định “kiểm soát được tình hình”, khi Lê Hồng Sơn bị khởi tố, Hưng cho hay sẽ giúp Sơn có tội nhẹ nhất là không tố giác tội phạm hoặc được đình chỉ điều tra.

Tuy nhiên, Hằng và Sơn do vẫn bị khởi tố nên cùng viết đơn tố giác hành vi lừa đảo của Nguyễn Anh Tuấn tới cơ quan điều tra. Theo Hằng, đã 13 lần đưa tiền cho Tuấn, tổng cộng 2,8 triệu USD với mục đích nhờ Tuấn đưa cho Hưng.

Cơ quan điều tra xác định ông Tuấn chỉ nhận 2,65 triệu USD và Hằng, Sơn bị xác định đưa hối lộ số tiền này còn cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội đã “môi giới hối lộ”. Với Hoàng Văn Hưng, cơ quan tố tụng cho rằng, chỉ có căn cứ xác định ông ta nhận 2 lần từ Tuấn, tổng số 800.000 USD nên phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng.

Vai trò của Phạm Trung Kiên

Cũng tại cáo trạng vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định, bị can Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng của 18 cá nhân là đại diện DN và một số “khách lẻ”. Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình lên ông Tuyên duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, Bộ Y tế giao Cục Y tế Dự phòng tiếp nhận, đề xuất, xem xét, cho ý kiến việc phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao; chấp thuận cho các đoàn khách lẻ được về nước theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Khi nhận được văn bản của cơ quan chức năng xin ý kiến về chuyến bay, ông Đỗ Xuân Tuyên sẽ phân công Cục Y tế dự phòng, trong đó Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm là đơn vị nghiên cứu đề xuất.

Khi có kết quả xử lý văn bản, Cục Y tế dự phòng duyệt dự thảo văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị chức năng thông qua Phạm Trung Kiên. Bị can này sẽ trình ông Đỗ Xuân Tuyên duyệt, ký văn bản trả lời.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các DN, cá nhân chi tiền từ 50 đến 200 triệu đồng/chuyến bay hoặc từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/khách với chuyến bay combo hoặc từ 7 đến 15 triệu đồng/khách lẻ. Tổng cộng, từ tháng 2 - 12/2021, Phạm Trung Kiên nhận hối lộ hơn 250 lần, tổng cộng số tiền hơn 42 tỷ đồng. Sau khi vụ án được khởi tố, Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các đại diện DN hơn 12,2 tỷ đồng. Kiên bị Viện kiểm sát truy tố về tội “nhận hối lộ”, đối diện án tử hình. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên không được cáo trạng nhắc đến.

Liên quan “chuyến bay giải cứu”, còn nhiều người bị tình nghi phạm tội để trục lợi. Cơ quan điều tra đang mở rộng giai đoạn 2 vụ án này để điều tra sai phạm của quan chức một số tỉnh và ngày 10/6 đã khởi tố Trần Tùng - Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên. Ngoài ra, hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ tại Bộ Quốc phòng được chuyển cho cơ quan tố tụng quân đội xử lý.

Trong vụ án này có 2 bị can là cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng và cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân bị cáo buộc về tội “nhận hối lộ” theo điểm a khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Viện kiểm sát xác định, từ ngày 16/6/2021 đến tháng 10/2021, bị can Chử Xuân Dũng đã nhận hối lộ 7 lần với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng của 2 cá nhân để duyệt cấp phép cách ly trên địa bàn TP Hà Nội. Bị can Trần Văn Tân đã 9 lần nhận hối lộ với tổng số tiền 5 tỷ đồng từ doanh nghiệp tư nhân, qua đó tạo điều kiện cho họ tổ chức cách ly “chuyến bay giải cứu” tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong đó, bị can Dũng đã giao nộp hơn 1,7 tỷ đồng, bị can Tân đã nộp 4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Xuân Ngọc