Du lịch trải nghiệm ở làng nghề
Với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, lớn nhất cả nước, Hà Nội đang hướng đến việc khai thác tiềm năng của các làng nghề, kết hợp phát triển kinh tế với thúc đẩy du lịch.
Biến sản phẩm làng nghề thành sản phẩm du lịch
Trong một lần đến thăm làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) Recee – một du khách đến từ Úc bày tỏ, ông rất hào hứng khi được tận tay làm những chiếc bình, lọ bằng gốm tại làng gốm Bát Tràng. “Khi đặt tay vào bàn xoay và nhìn thấy tác phẩm hình thành dần dần từ một miếng đất sét vô tri vô giác, tôi thấy tiêu tan hết mệt mỏi. Tôi rất thích được trải nghiệm với những sản phẩm do chính mình làm ra. Kể cả nó không được tròn trịa hoàn hảo, nhưng cảm thấy rất thú vị” - vị du khách người Úc chia sẻ.
Làng gốm Bát Tràng thời gian qua đã phát triển không chỉ đơn thuần làm nghề gốm, mà đã kết hợp với phát triển du lịch, bằng cách đưa ra nhiều loại hình trải nghiệm, từ đó đã thu hút được không ít du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Không chỉ Bát Tràng, nhiều làng nghề của Thủ đô đang tận dụng những lợi thế để kết hợp vừa phát triển kinh tế vừa phát triển du lịch. Làng nghề Vạn Phúc cũng đang đưa ra nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách.
Đến với làng lụa Vạn Phúc, du khách có thể ghé thăm những xưởng dệt, nhuộm vải nằm phía sau khu chợ lụa Vạn Phúc để tìm hiểu về quy trình dệt lụa, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công hay thử trải nghiệm làm một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm.
Nguyên liệu làm lụa Vạn Phúc chủ yếu là từ tơ tằm vì độ mềm mại, dẻo dai của nó. Để tạo ra những sản phẩm tơ lụa hoàn hảo, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn kỳ công như: Tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, phơi căng… Ở bất kỳ công đoạn nào, nghệ nhân cũng phải hết sức cẩn thận, túc trực theo dõi ngay cả khi công đoạn do máy móc thực hiện.
Nhiều du khách quốc tế cho biết, đến Vạn Phúc một lần vẫn muốn quay lại lần nữa để được ngắm nhìn những sản phẩm lụa đa sắc màu bắt mắt và trực tiếp được ngồi vào khung dệt.
Có thể thấy, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Du khách đến với làng nghề của Hà Nội không chỉ được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình, mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm: Từ bình gốm, chiếc chén sứ cho đến những tấm vải lụa đa sắc màu... Tất cả đã và đang tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề.
Khai thác tiềm năng
Mặc dù vậy nhưng làm sao để du lịch làng nghề phát triển bứt phá, hấp dẫn du khách thì vẫn còn là bài toán khó của nhà quản lý. Thời gian qua, vẫn tồn tại những điểm nghẽn như chất lượng nguồn nhân lực thiếu và yếu; tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, thiếu sức sáng tạo; cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông còn một khoảng cách khá xa so với nhu cầu phát triển du lịch... nên du lịch làng nghề của Hà Nội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Hà Nội vốn có rất nhiều tiềm năng phát triển làng nghề khi có hơn 1.300 làng nghề, trong đó có 318 làng nghề được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Để khai thác tiềm năng thế mạnh của làng nghề Hà Nội đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô, Hà Nội cũng đã đề ra các giải pháp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quy hoạch phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề.
Nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67/LH – UBND về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn và kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Theo đó Hà Nội sẽ xét công nhận 50 danh hiệu (làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 100 làng nghề…). Đồng thời, TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, ẩm thực.
Với những động thái của nhà quản lý, kỳ vọng những làng nghề sẽ có cơ hội để bứt phá, từ đó không chỉ tạo sinh kế cho người lao động địa phương mà còn là động lực để thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần vào mục tiêu thu hút 8 triệu khách quốc tế năm 2023 của toàn ngành du lịch.