Quan trọng là chọn đúng ngành

NGỌC HÀ 02/07/2023 07:58

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2023 vừa kết thúc, các sĩ tử và các bậc phụ huynh lại đau đầu trước những lựa chọn ngành, trường học sao cho phù hợp. Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, việc lựa chọn ngành học trước hết phải dựa vào thế mạnh của mỗi thí sinh.

Các em có thế mạnh, có niềm yêu thích, đam mê thì mới có thể theo đuổi lâu dài nghề nghiệp mình lựa chọn. Đặc biệt, việc chọn đúng ngành quan trọng hơn rất nhiều, vì đây là yếu tố định hướng việc phát triển cá nhân.

Xác định được đam mê và năng lực của bản thân giúp các thí sinh dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm ngành học.

Lưu ý về năng lực của bản thân

Trong khoảng thời gian từ ngày 5/7 đến 17h ngày 25/7 thí sinh sẽ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định trên hệ thống của Bộ GDĐT.

Nắm bắt được thời gian đăng ký nguyện vọng, em Dương Hồng Phúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau khi hoàn thành kỳ thi với mức làm bài tự đánh giá sẽ đạt điểm khá, đã lập ra một danh sách ngành học em muốn đăng ký. Với thế mạnh là các môn thuộc khối khoa học tự nhiên, đặc biệt là tin học nên Phúc lựa chọn theo sở thích của bản thân, chẳng hạn như: Công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu, logistic... Biết con có sở trường là các con số nên gia đình em rất ủng hộ lựa chọn của con. Chị Đỗ Thị Phương (mẹ em Dương Hồng Phúc) cho biết, chị khá yên tâm và tin tưởng vào sự lựa chọn của con, nhưng cũng lo lắng về vấn đề học phí vì trước đó Phúc đã nộp đơn xét tuyển vào Trường Đại học FPT, nếu không thể đỗ vào các trường khác thì đây cũng là điều gia đình cần cân nhắc.

“Việc lựa chọn ngành học trước hết phải dựa vào thế mạnh của mỗi thí sinh. Các em có thế mạnh, có niềm yêu thích, đam mê thì mới có thể theo đuổi lâu dài nghề nghiệp mình lựa chọn. Như vậy, các em hãy chọn ngành trước khi chọn trường. Ngoài những yếu tố cá nhân như trên, khi chọn ngành, thí sinh cũng phải đặt tổng hòa trong mối quan hệ với điều kiện tài chính, đặc điểm riêng của gia đình, vị trí địa lý và những điều kiện khác để đảm bảo quá trình học đạt hiệu quả tốt nhất. Việc chọn đúng ngành quan trọng hơn rất nhiều, vì đây là yếu tố định hướng việc phát triển cá nhân”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy.

Khác với em Phúc nhận được sự ủng hộ từ bố mẹ, em P.G.Khiêm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có bố mẹ đều theo nghề y nên muốn con theo nghề. Tuy nhiên với sở thích và năng lực của mình thì Khiêm biết thế mạnh của em nghiêng về những ngành học thuộc lĩnh vực nghệ thuật. Vì vậy em mong rằng trong khoảng thời gian hơn 20 ngày điều chỉnh đăng ký nguyện vọng sẽ thuyết phục được bố mẹ cho theo học ngành thiết kế đồ họa.

Hai trường hợp trên là những ví dụ trong những ngày sắp tới ở những gia đình con chuẩn bị bước chân vào cánh cổng trường đại học. Việc lựa chọn ngành học sao cho phù hợp với năng lực, sở thích sẽ giúp người học có xu hướng tập trung hơn vào việc tìm hiểu chuyên sâu. Từ đó tạo nền tảng vững chắc để làm đúng ngành, đúng nghề đã theo học khi tốt nghiệp với mức thu nhập tốt hơn. Nhưng đặc biệt cần lưu ý khi chọn ngành nghề đó là nên có sự nghiên cứu kỹ về nhu cầu của xã hội với ngành nghề đó trong tương lai và năng lực của bản thân có phù hợp, nếu không sẽ lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức mà không đem đến hiệu quả cao.

Chia sẻ sau khi theo học 2 năm chuyên ngành Tâm lý học, sinh viên Nguyễn Kim Nhung (20 tuổi, TPHCM) cho biết em cảm thấy hạnh phúc khi được theo đuổi ngành học này. “Em có hứng thú với tâm lý từ những năm học cấp 3. Tuy nhiên, thời điểm em chọn ngành vẫn còn nhiều rào cản vì ngành Tâm lý học không quá phát triển tại Việt Nam. Nhưng cuối cùng, em vẫn quyết định theo đuổi và cho đến bây giờ em cảm thấy ngành học rất hay và thú vị, hơn nữa ngành tâm lý cũng đang dần tạo được sức hút nhất định trong xã hội ngày nay”, Kim Nhung nói.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, dù lựa chọn ngành học theo sức hút hay nhu cầu của thị trường, thì ở bất kỳ ngành nghề nào, thí sinh cũng phải cân nhắc về năng lực cũng như đam mê bản thân. Mặt khác cũng cần quan tâm đến đặc trưng của thị trường lao động ngày nay là hội nhập và công nghệ đã gắn kết, đan xen vào nhiều ngành nghề. Chính vì thế, việc cạnh tranh nghề nghiệp hiện nay không phải chỉ đơn thuần về bằng cấp, năng lực mà còn ở chất lượng nghề nghiệp, sự đam mê và trách nhiệm.

Sáng suốt khi đăng ký nguyện vọng

“Chọn ngành trước hay chọn trường top?”; “Chọn ngành học gì để ra trường có việc làm?”... sẽ là những câu hỏi xuyên suốt mỗi mùa đăng ký nguyện vọng. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi con người phải “thông minh” hơn máy móc nên việc lựa chọn ngành học để đầu tư sau đó phát triển thành nghề là một sự “cân não”.

PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, hiện nay, những ngành nghề liên quan đến “công nghệ 4.0” đang nổi lên, nhưng không phải nổi lên giống như một “trào lưu mới, mốt mới”, mà là từ nhu cầu thực tế đang cần. Tuy nhiên, thí sinh cần đặc biệt lưu ý, khi lựa chọn một ngành để theo học, không nhất thiết căn cứ vào việc ngành đó “hot” hay “không hot”, mà phải xem bản thân có phù hợp hay không.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), những ngành học được gọi là “4.0” vận dụng các thành tựu phát triển khoa học công nghệ, công nghệ cao, công nghệ thông tin, hoặc đáp ứng cho sự phát triển của các ngành công nghệ cao đó. Đây là xu hướng không thể tránh khỏi và cần nắm bắt kịp thời để có thể theo kịp, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Những lĩnh vực 4.0 rõ ràng rất cần thiết, nhưng bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới việc đào tạo những ngành nghề liên quan tới vật liệu mới, công nghệ sinh học, khoa học sự sống - là những ngành ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại. Lĩnh vực xã hội nhân văn, đào tạo giáo viên, đào tạo bác sĩ, văn hóa nghệ thuật… cũng không thể lơ là hay bỏ qua.

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường làm việc trái ngành hoặc làm các công việc lao động phổ thông, lý do phổ biến là chọn sai ngành. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, việc chọn đúng ngành quan trọng hơn rất nhiều, vì đây là yếu tố định hướng việc phát triển cá nhân. Nếu vào được trường top, ngành đó lại nằm ở trường top thì rất tốt, nhưng rõ ràng ở những trường top, với những ngành học giàu sức hút thì mức độ cạnh tranh đặc biệt cao, các bạn giỏi cũng mong muốn được theo học.

NGỌC HÀ