Rừng trong phố
Câu chuyện TP Hà Nội cần nghiên cứu phát triển mô hình "đô thị nén" tại khu vực trung tâm, nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng để có rừng trong phố hay nói cụ thể hơn là thay “chiếc áo đô thị” đã quá chật chội cần có giải pháp khả thi cũng như tầm nhìn dài hạn.
Tìm “lối thoát” cho đô thị
Khái niệm "đô thị nén" được đưa ra từ năm 1973 và phổ biến tại châu Âu, Bắc Mỹ. Đô thị nén là mô hình đô thị tập trung được xây dựng với mật độ cao, có chức năng sử dụng đất hỗn hợp. Đây là xu hướng phát triển đô thị chung trên thế giới khi tài nguyên đất có hạn. Đô thị nén không chỉ tập trung phát triển theo chiều dọc, chiều cao, chiều sâu để bù đắp chiều rộng mà còn giải quyết đồng bộ cả vấn đề giao thông, năng lượng, làm việc, tiện nghi. Đô thị nén cần có giao thông công cộng để giảm xe cá nhân mà vẫn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nhiều thành phố trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình đô thị nén như: Curitiba (Brazil), Singapore, Hàn Quốc, Tokyo (Nhật Bản)...
Mới đây, chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà định hướng với khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội cần nghiên cứu mô hình "đô thị nén" nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng. Từ đó, ông đề nghị thành phố lựa chọn những tổ chức tư vấn lập quy hoạch nổi tiếng, uy tín cùng chuyên gia phản biện hàng đầu để xác định tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển của Thủ đô trong tương lai với mục tiêu đặt ra là phát triển Hà Nội ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Nhìn lại sự phát triển đô thị Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong những năm qua, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định: Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, nhất là từ sau giai đoạn đổi mới (1986) hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã tạo được diện mạo mới cho đô thị Việt Nam. Dù vậy nó cũng bộc lộ không ít tồn tại, như bất cập giữa bảo tồn và phát triển hiện đại, giữa khai thác không gian kiến trúc với phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là vấn đề giao thông, môi trường.
Riêng tại Hà Nội, minh chứng cho thấy, những khu vực như Linh Đàm, khu cao tầng dọc theo trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu ở Hà Nội chỉ đơn thuần là "nhồi cao ốc" vào một diện tích đất khiến mật độ dân số tăng lên, gây quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, nắng nóng khốc liệt, cứ mưa là ngập... KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cũng chỉ ra một thực tế thời gian qua, xã hội chạy theo phát triển kinh tế, chạy theo giá trị bất động sản, nhà cao tầng xuất hiện nhiều và chủ đầu tư chỉ chú ý đến bán bất động sản. Trong khi đó, môi trường sống không được quan tâm nhiều. Trong nguyên tắc phát triển đô thị, chỉ cho xây dựng 40%, còn 60% là cây xanh, hồ điều hòa, mặt nước để bảo đảm môi trường sinh học cho người dân khu vực.
Cũng ngay tại trung tâm Hà Nội, dễ dàng bắt gặp cảnh sống trong con ngõ nhỏ, chưa rộng đến 1m (ở số 6 Cửa Đông, Hoàn Kiếm) với gần 10 hộ dân sinh sống. Nhà cửa chật chội, hầu hết vẫn phải dùng chung nhà vệ sinh. Hay trong con ngõ số 55 Hàng Chiếu (Đồng Xuân, Hoàn Kiếm) sâu và tối, nếu 2 người đi ngược chiều nhau thì sẽ phải nghiêng người để di chuyển… Nhiều ý kiến bày tỏ “chiếc áo đô thị” đến nay đã quá chật chội và bức bối. Do đó, đã đến lúc tìm lối thoát cho quy hoạch đô thị ở các thành phố lớn.
Mang lại môi trường đáng sống
Phát triển mô hình "đô thị nén" tại khu vực trung tâm Hà Nội là một xu hướng tất yếu. Cũng có ý kiến cho rằng, Hà Nội đất chật người đông, nói đến rừng cây ở khu vực trung tâm chắc nhiều người nghĩ là việc bất khả thi, nhưng thực tế các đô thị lớn đông đúc, chật chội như Paris (Pháp), New York (Mỹ), Singapore… đều có những công viên trung tâm rộng lớn, rừng cây trong thành phố. Bằng rất nhiều cách thức, từng thành phố trên thế giới đã có những sáng tạo riêng để dần may cho mình tấm áo xanh thân thiện với môi trường, duy trì nét đẹp và sự mềm mại cho đô thị. Và với mỗi người dân Hà Nội, giấc mơ được sống hòa mình với thiên nhiên vẫn luôn thường trực. Vấn đề là Hà Nội quyết tâm làm hay không, chứ không thể không làm được mô hình trong thành phố có rừng.
Đưa ra giải pháp về phát triển không gian xanh đô thị tại Hà Nội, TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam cho rằng, cần phải xanh hóa các không gian công cộng và phục hồi hệ sinh thái đô thị. Xanh hóa các không gian công cộng bằng yếu tố cây xanh, mặt nước và phục hồi hệ sinh thái đô thị là giải pháp tối ưu nhằm khôi phục các giá trị tự nhiên trong đô thị hiện đại. Giải pháp này cũng góp phần hạn chế chi phí duy trì cảnh quan nhưng bảo tồn và phát huy hiệu quả đa dạng sinh học, tạo lập môi trường sống cho các hệ động thực vật trong đô thị. “Việc khôi phục các dòng sông và hình thành các không gian xanh dạng tuyến. Giải pháp này không chỉ làm sống lại các dòng sông có giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội mà còn khôi phục vai trò của hệ sinh thái ven sông; góp phần đưa yếu tố tự nhiên trở lại với đô thị hiện đại bằng giải pháp xây dựng cảnh quan ven sông theo dạng công viên tuyến tính, tăng khả năng tiếp cận với không gian mặt nước và bổ sung các hoạt động vui chơi giải trí cho cộng đồng cư dân, nâng cao tính đa dạng sinh học, cải thiện điều kiện vi khí hậu và giảm thiểu úng ngập. Đây cũng là yếu tố hành lang quan trọng góp phần phục hồi và phát triển hệ sinh thái tự nhiên đô thị bền vững…”, TS Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trong một bài viết mới công bố gần đây, KTS Trình Phương Quân cho rằng: Cân bằng giữa sinh thái và kinh tế là bài toán khó, không chỉ với một chủ đầu tư, mà với cả một thành phố, một quốc gia. Nhưng "rừng trong thành phố" là khái niệm đang ngày càng được quan tâm tại nhiều nơi trên thế giới. Ưu điểm quan trọng của việc tạo ra rừng trong thành phố là khả năng "giải nhiệt" cho đô thị, mang lại môi trường đáng sống hơn.
Một trong những vấn đề chính khi phát triển rừng trong thành phố chính là không gian hạn chế, nhất là ở các thành phố đã có lịch sử phát triển lâu đời như Hà Nội và TPHCM. Tại đây, không gian xanh bị giới hạn bởi các công trình và cơ sở hạ tầng hiện có. Khó có thể nghĩ đến việc thay hoàn toàn hàng trăm tòa nhà ở vị trí đắc địa ngay trung tâm để làm công viên. Hơn nữa, phủ xanh đô thị đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn, từ việc chăm sóc, bảo vệ đến duy trì cây xanh.
Nhìn từ kinh nghiệm của Singapore, từ năm 2009, Bộ Quản lý Công viên Quốc gia của Singapore (NPARKS) đã phát triển Skyrise Greenery Incentive Scheme (Chương trình Khuyến khích phát triển mảng xanh trên cao SGIS) nhằm thúc đẩy việc trồng cây xanh trên các tòa nhà cao tầng, đồng thời góp phần vào tầm nhìn của Singapore về "thành phố trong rừng và rừng trong thành phố". Có hai loại hoạt động về cây xanh đô thị được tài trợ bởi SGIS. Thứ nhất là mảng xanh trên mái, cụ thể là các mái cỏ hoặc dây leo và phần sân vườn cảnh quan trên tầng thượng các tòa nhà. Thứ hai là cây xanh theo chiều dọc trên mặt đứng và tường của các tòa nhà hiện hữu và chuẩn bị xây mới. Kể từ năm 2009, hơn 100 tòa nhà bao gồm tòa nhà dân cư, trung tâm mua sắm, văn phòng, trường học, bảo tàng, công ty và khách sạn đã được hưởng lợi từ chương trình tài trợ của SGIS.
“Với bối cảnh Việt Nam, khi chính mỗi người dân vẫn đang cố gắng xanh hóa từng khung cửa sổ, từng mái nhà hộ gia đình một cách tự phát thì việc thúc đẩy phong trào trồng cây trước mỗi mái hiên, ban công cũng như vườn cây trên mái càng trở nên cần thiết. Bài học của Singapore, một quốc gia với khí hậu và mật độ đô thị tương đồng, là một ví dụ sát sườn về khung chính sách cần có nhằm quản lý và khuyến khích nhà đầu tư cũng như người dân khi phát triển rừng trong đô thị”, KTS Trình Phương Quân gợi ý.
GS.TS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng: Phải dành quỹ đất cho cây xanh
Để làm rừng trong phố, thì diện tích xây dựng chỉ được phép chiếm 20-30% diện tích đất chung. Các khu dân cư có thể cách nhau bằng những khoảng không cây xanh mát giống thủ đô ở nhiều nước trên thế giới. Những con đường cây dài tít tắp, xanh mát… sẽ tạo ra cảnh quan môi trường cực kỳ đẹp. Nhưng bài toán ở đây là dành ra quỹ đất rất lớn trong quy hoạch chung. Để quy hoạch được như vậy phải có tầm nhìn dài hạn, thậm chí là tầm nhìn hàng trăm năm. Hà Nội cần thống kê rà soát diện tích đất và diện tích cây xanh tương ứng tại các khu vực khác nhau. Với những nơi còn nhiều quỹ đất, cần đưa ưu tiên trồng cây xanh chứ không phải ưu tiên xây nhà chung cư hay khu công nghiệp. Khi đã quy hoạch rõ ràng thì người thực thi phải làm rất nghiêm, không được phép để xảy ra sai phạm thì mới có được diện mạo đô thị đẹp trong tương lai. Đa số các đô thị trên thế giới đều có khu cũ và khu mới. Khu cũ sẽ được bảo tồn nguyên trạng, còn khu mới sẽ được quy hoạch phát triển bài bản, có tầm nhìn dài hạn. Hà Nội cũng có thể áp dụng cách làm này. Việc trồng cây xanh không nhất thiết phải đầu tư bằng ngân sách mà có thể thực hiện xen kẽ xã hội hóa, huy động sự chung tay của người dân. Khi đó chắc chắn diện mạo đô thị sẽ rất đẹp. Khi Hà Nội nghiên cứu làm rừng trong phố, nên áp dụng những thành công trong quy hoạch mà người Pháp thực hiện để có quy hoạch cây xanh thực sự bài bản.
KTS Đinh Đăng Hải - Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam: Phát huy vai trò của cộng đồng, người dân
Không gian xanh đều có trong các quy chuẩn phát triển không gian xanh đô thị như diện tích bình quân, theo quy chuẩn 01/2021 của Bộ Xây dựng, loại cao nhất là đô thị đặc biệt là 7m2/người, đối với loại đô thị đặc biệt như Hà Nội là 9m2, đây là tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề xuất và Việt Nam đang hướng đến. Cái khó khi quy hoạch không gian sống xanh tại các đô thị như trường hợp của Hà Nội là đô thị lịch sử từ hàng nghìn năm, quỹ đất không còn để phát triển cây xanh.
Do đó về giải pháp thúc đẩy phát triển không gian xanh trong đô thị, tôi cho rằng cây xanh chiếm phần lớn trong công viên nên việc quy hoạch cây xanh tại các công viên, không gian công cộng thì số lượng và diện tích không gian xanh sẽ tăng. Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế như Canada, Singapore, Thái Lan… cho thấy có nhiều thành phố, họ có các tổ chức hội đồng phát triển cây xanh đô thị bao gồm các đơn vị đại diện thực hiện thiết kế, đầu tư thực hiện phát triển không gian công cộng. Những người này là chuyên gia nhà quản lý đại diện cho người dân để phát triển không gian công cộng.
Ở TP Hội An (Quảng Nam) hiện cũng có tổ công tác không gian công cộng với nhiệm vụ đề xuất những khu đất tại địa phương nhằm kêu gọi đầu tư, thực hiện tăng sự giám sát việc phát triển không gian cộng cộng.
Theo tôi, để phát triển không gian xanh tại các khu đô thị, cần có chính sách hỗ trợ các nhóm, tổ chức, thành phần kinh tế, khu vực ngoài nhà nước tham gia phát triển không gian công cộng vì thực tế có các doanh nghiệp đã đầu tư trồng cây xanh, tạo không gian xanh rất hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của cộng đồng, người dân trong bảo vệ môi trường.