Để gạo Việt đi nhanh và đi xa

Minh Phương 03/07/2023 09:00

Xuất khẩu gạo ngày càng khởi sắc, với những con số đầy phấn khởi của kim ngạch xuất khẩu những tháng vừa qua, đặc biệt là tại một số thị trường chính như Philippines, châu Âu, Mỹ... Điều đó cho thấy, giá trị hạt gạo đang ngày càng được nâng tầm.

Gạo Việt ngày càng tăng chất, tăng giá trị. Ảnh: Quang Vinh.

Những tín hiệu khả quan

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 5/2023 ước đạt 1 triệu tấn, trị giá 489 triệu USD, đưa tổng khối lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 3,9 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng tại thị trường Philippines, 5 tháng đầu năm 2023, thị trường này nhập khẩu 1,5 tấn triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm tới 89,6% trong tổng số 1,62 triệu tấn gạo được nhập khẩu vào quốc gia này. Theo Cục Thống kê Philippines, lượng gạo nhập khẩu của nước này trong 5 tháng đầu năm 2023 đã tăng gần 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh nhu cầu về lượng nhập khẩu gia tăng, El Nino cũng góp phần đẩy giá gạo thế giới tăng cao khi nhiều nước bắt đầu dự trữ lương thực. Đây là một số yếu tố chính dẫn tới tăng trưởng tích cực của xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines cả về lượng và kim ngạch.

Ngoài những yếu tố thị trường, hoạt động của Chính phủ và Bộ Công thương nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại gạo với Philippines trong nhiều năm liên tục, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giúp gạo Việt Nam duy trì vị thế hàng đầu tại thị trường truyền thống này.

Thời gian qua, bức tranh xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu tích cực khi gạo Việt đạt được thứ hạng cao trong các cuộc thi gạo quốc tế, một số tập đoàn lớn đang chú trọng sản xuất gạo chất lượng cao có thương hiệu xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật... Kể cả trong khoảng thời gian dịch bệnh Covid -19 kéo dài làm đứt gẫy chuỗi sản xuất, thì doanh thu từ xuất khẩu gạo vẫn liên tục tăng cao. Điều đó chứng tỏ chất lượng, giá trị gạo Việt ngày càng chuyển biến tích cực.

Bức tranh xuất khẩu gạo cho thấy thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng chất lượng, thương hiệu cho hạt gạo, thì gạo xuất khẩu đã ghi nhận được những chuyển biến rõ nét. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, cơ cấu xuất khẩu gạo đã có những chuyển biến tích cực. Hiện gạo cao cấp và gạo thơm chiếm khoảng 50% phân khúc gạo xuất khẩu.

Con số này là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của chúng ta trong việc nâng giá trị, nâng chất cho hạt gạo. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã khẳng định: “Thông qua việc xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu, Nhật Bản… các doanh nghiệp muốn minh chứng rằng chúng ta đã thoát ra được cái tư duy về sản lượng để hướng vào chất lượng, hướng vào yêu cầu của từng thị trường khác nhau”.

Dần bỏ tư duy “buôn chuyến”

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, thời gian qua, cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cũng đã liên tục tổ chức các diễn đàn để các doanh nghiệp thấy rằng mỗi loại thị trường khác nhau, chúng ta không “mặc đồng phục”, không đồng nhất tất cả sản phẩm, mà tạo ra nhiều phân khúc thị trường.

Câu chuyện gạo Việt sang thị trường châu Âu giai đoạn này tuy quy mô, sản lượng chưa nhiều nhưng rõ ràng đây là tín hiệu để thấy rằng một khi chúng ta thay đổi thì sẽ tạo ra giá trị cao hơn.

Hay nói cách khác là doanh nghiệp Việt Nam đang dần bỏ tư duy mua bán buôn chuyến mang tính chất thương vụ sang tính chất định hình thị trường ở tầm lâu dài.

Dù vậy, ngành gạo vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn nâng tầm, nâng vị trí, thương hiệu của mình hơn nữa trên thị trường quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo vẫn chưa đạt được giá trị gia tăng như kỳ vọng là do Việt Nam còn thiếu các sản phẩm chế biến sâu từ gạo như thực phẩm làm từ gạo, nước uống từ gạo, sữa gạo, thậm chí là các loại mỹ phẩm từ gạo..., trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đối với các loại sản phẩm này ngày một tăng và giá bán cũng cao hơn gấp nhiều lần so với gạo thô.

Đây là điểm nghẽn song cũng chính là dư địa, tiềm năng mà chúng ta có thể khai thác các thị trường bằng những bước chuyển cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường nhập khẩu cũng như nâng tầm, nâng vị thế cho gạo Việt.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cũng thừa nhận, đối với xuất khẩu gạo hiện nay, ngoài vấn đề thay đổi cơ cấu giống sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ trong phơi, sấy thì thị trường là hạn chế cần sớm được khắc phục.

Được biết, để nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, Bộ Công thương đã xây dựng Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo.Trong đó, tập trung xây dựng hình ảnh về hạt gạo Việt Nam, quảng bá về nền sản xuất lúa gạo của Việt Nam; đồng thời, giới thiệu những ứng dụng tiên tiến, khẳng định chất lượng gạo Việt.

Tuy nhiên, cùng với chiến lược phát triển của Nhà nước, các DN sản xuất, xuất khẩu gạo cần chung tay kết nối, quảng bá liên kết trong xuất khẩu gạo. Với những tháo gỡ về chính sách, thị trường từ phía Nhà nước và các bộ, ngành các DN cần hoạt động theo mục tiêu chung, trong đó liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất khép kín; mở rộng tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Về thị trường xuất khẩu, 4 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,4%. Trong nhóm các thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia. Xuất khẩu gạo sang châu Âu cũng tăng trưởng cao, nhất là tại các thị trường Hà Lan, Bỉ, Ba Lan.

Minh Phương