Quảng Nam: Ngỡ ngàng khi ngắm những kiệt tác được làm từ những gốc tre
Từ những gốc tre vô tri, sần rụi bỏ đi, nhưng qua bàn tay tài hoa của anh Huỳnh Phương Đỏ ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã thổi hồn vào làm các gốc tre trở nên đẹp mắt và được du khách ưa chuộng.
Khi chúng tôi đến thăm anh Huỳnh Phương Đổ đang ngồi điêu khắc gốc tre bên đường ở phố cổ Hội An, anh Đỏ chia sẻ, anh đã có 20 năm làm nghề điêu khắc và đã chế tác ra hàng nghìn tác phẩm độc đáo từ gốc tre và đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Anh Đỏ kể, anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề giáo, nên từ nhỏ cha mẹ mong muốn anh sẽ trở thành giáo viên. Tuy nhiên với niềm đam mê điêu khắc, nên năm 16 tuổi anh tìm đến nghệ nhân Trương Tường ở làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP Hội An để học nghề. Nhờ người thầy tận tình chỉ bảo, anh nhanh chóng trở thành người điêu khắc có tiếng ở địa phương.
“Trước đây trong lúc rảnh rỗi, tôi thấy khóm tre trôi nổi lềnh bềnh giữa dòng lũ, tôi đã vớt lên và ngồi mày mò, đục đẽo cho đỡ buồn, nhưng ai dè thành tác phẩm độc đáo lạ và đẹp mắt, dần dần tôi theo đuổi với nghề này và đến nay có thể nói mình đã thành công với nghề”, anh Đỏ chia sẻ.
Cụ thể, sau khi làm được vài tác phẩm đầu tiên, anh Đỏ mang ra phố cổ Hội An bán và bất ngờ rất nhiều khách đã tranh mua, vì họ cho rằng nó vừa đẹp vừa độc đáo. Từ đó, anh bắt đầu dành thời gian nghiên cứu, chế tác thêm nhiều sản phẩm mới lạ từ gốc tre. Qua đôi bàn tay điêu luyện của anh Đỏ, những nhân vật như: Phúc - Lộc - Thọ, Thần tài, Bồ Đề Đạt Ma,… dần hiện lên rất mộc mạc và có hồn, càng ngày càng thu phục khách hàng.
Anh Nguyễn Dương đến từ Hà Tĩnh cho rằng: “Thật quá độc đáo, khó có ai nghĩ rằng từ những gốc tre vô tri vô giác đa Đỏ đã thổi hồn thành những tác phẩm Phúc - Lộc - Thọ hay các tác phẩm có tên tuổi khác rất độc đáo, không chỉ tôi mà ai thấy để mê đắm với những tác phẩm này. Thật sự đáng tự hào và ngưỡng ngộ tài năng của anh Đỏ”. Đó cũng là ý kiến của nhiều người khi đặt chân đến đây.
Theo anh Đỏ, chạm khắc gốc tre khó hơn rất nhiều so với gỗ, ai không đam mê, kiên trì thì khó thành công. Bởi, bề mặt của gốc tre gồ ghề với nhiều mắt, rễ và mỗi gốc một hình dáng khác nhau. Nếu người làm không khéo léo và có óc thẩm mĩ thì sẽ rất khó tận dụng hết đường nét tự nhiên và vẻ đẹp tiềm ẩn của các gốc tre.
Để có vật liệu chế tác, anh Đỏ lại lặn lội khắp các vùng quê, thấy nơi nào có gốc tre bỏ đi thì xin hoặc mua với giá 15.000 đồng. Sau đó, anh mang về ngâm dưới bùn để cây tre được chắc, tránh bị mối mọt ăn. Nửa năm sau, anh đào lên rồi dùng máy xịt nước rửa sạch, phơi khô và lựa các gốc có thế đẹp để đưa vào chế tác.
“Việc điêu khắc gốc tre thì quan trọng nhất là phải tạo được cái hồn cho nó, có bố cục hài hòa, chi tiết. Không một gốc tre nào giống gốc tre nào cả, tất cả đều khác biệt từ gốc đến phần thân. Vì vậy tôi phải đích thân đi tìm hỏi mua, vì đây là nghề thủ công nên tôi nhìn qua mới biết được gốc tre như nào là phù hợp để đục đẽo, cùng với đó là sự đam mê, chịu khó, nghiên cứu kỹ lưỡng để cho ra tác phẩm nghệ thuật làm hài lòng khách hàng”, anh Đỏ nói.
Đặc biệt, nhiều du khách đến phố cổ Hội An đều tỏ ra khá hào hứng với những tác phẩm nghệ thuật thú vị này và thường mua về tặng người thân. Cứ thế, các món quà lưu niệm mang đậm văn hóa Việt Nam đã theo chân du khách đi khắp thế giới.
Anh Đỏ chia sẻ: “Trung bình một ngày, tôi có thể tạo dáng cho hơn 15 tác phẩm từ gốc tre loại thường, mỗi gốc có thể bán với giá từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng. Nhưng đối với những gốc tre có thế lạ, tôi phải mất ít nhất một buổi, thậm chí cả tuần để hoàn thành tác phẩm ưng ý và giá tất nhiên sẽ rất cao. Điều đáng thú vị là khách hàng ưa thích thì đó thật sự là hạnh phúc với nghề.