Nông nghiệp khó thu hút đầu tư, vì sao?
Trong hơn 900.000 doanh nghiệp (DN) của cả nước đang hoạt động thì chỉ có khoảng trên 50.000 DN đầu tư vào nông nghiệp. Điều này cho thấy, việc thu hút DN đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn đang là bài toán cần lời giải.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, như Nghị định 57 ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết 53 ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia đầu tư vào nông nghiệp luôn hàm chứa nhiều rủi ro khó lường, do đó nhiều DN chưa mặn mà.
Đề cập vấn đề này tại Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút DN đầu tư cho nông nghiệp bền vững” mới đây, ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiện nay dù có chuyển biến nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa tương xứng so với tiềm năng. Đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu vẫn theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên... nên mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều mà giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa nhiều.
Theo ông Út, Long An luôn xác định nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế từ đó triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cho chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kết quả, chuối, chanh, thanh long, lúa gạo... đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Đối với việc thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp của Long An đã có sự phát triển; tuy nhiên, sự tăng trưởng còn thiếu bền vững, mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới chỉ tạo ra được khối lượng nhưng giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa cao.
Trên thực tế, nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, luôn đối diện thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn; dịch bệnh, giá cả thị trường biến động; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng… nên việc mời gọi DN đầu tư không dễ dàng.
Dù vậy, theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, những năm gần đây đã có thêm DN, doanh nhân tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời các DN đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, ông Công cho rằng, so với yêu cầu và tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn và để nông nghiệp Việt Nam bứt phá phát triển mạnh hơn nữa, chúng ta vẫn cần nhiều hơn nữa sự tham gia đầu tư của các DN, đặc biệt là các DN lớn.
Ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, để DN đầu tư vào nông nghiệp các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các cơ quan quản lý cần quan tâm đến những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách để nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho DN; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để khuyến khích DN đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2023, ngành nông nghiệp được giao chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng mở, có chính sách ưu đãi cho các khu nông nghiệp công nghệ cao để phát huy lợi thế địa phương và bảo đảm nông dân được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.