Bất cập tại siêu dự án nuôi tôm

Nguyễn Quý 05/07/2023 07:25

Dự án cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Hải Lạng được huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đầu tư xây dựng từ năm 2019. Đây cũng là xã được quy hoạch là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm huyện Tiên Yên. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau khi bàn giao dự án, nhiều hộ nuôi tôm đứng bên bờ phá sản.

Trưởng thôn Bình Minh Hoàng Văn Việt bên ao tôm duy nhất còn lại của gia đình.

Nhiều hộ dân thiệt hại nặng

Những ngày đầu tháng 7, nước đầm Cái Đản (xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) cũng không làm dịu bớt đi cái nóng gay gắt đổ xuống thôn Bình Minh. Đã bắt đầu vào mùa thu hoạch tôm thẻ chân trắng, nhưng trước mắt chúng tôi hầu hết chỉ còn những ô đầm cạn nước. Những guồng máy quay tạo oxy trên đầm nuôi tôm quen thuộc ngày nào, giờ nằm im bất động. Một số đầm nuôi quảng canh hoạt động cầm chừng. Bước vào mấy đầm nuôi công nghiệp còn hoạt động nhưng gọi mãi cũng không thấy ai lên tiếng.

Anh Nguyễn Quý Pha là một trong những hộ nuôi tôm công nghiệp đầu tiên ở xã Hải Lạng. Chính từ mô hình nuôi tôm của anh, cùng với những yếu tố thuận lợi mà 3 đầm Cái Đản, Hà Dong, Hà Thụ có được, huyện Tiên Yên đã quyết tâm quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của huyện và xây dựng Dự án cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Hải Lạng.

Gần giữa trưa, tôi nhấc máy gọi anh Pha, giọng anh buồn buồn: “Đến đầm làm gì, giờ có thả nữa đâu. Từ đầu năm tới tháng 5 vừa rồi tôi thả 3 lần giống, thì cả 3 lần tôm đều chết cả, thiệt hại đến 400 triệu đồng”.

Đầm nhà anh Pha được chia làm 3 khu vực khác nhau, rộng gần 15ha, các yếu tố về vị trí địa lý, nguồn lợi tự nhiên đều thuận lợi cho việc nuôi tôm công nghiệp, nhưng thành công thì ít, thất bại thì nhiều.

Anh Pha cho biết, tại khu vực đầm Cái Đản (thôn Bình Minh, xã Hải Lạng) có hàng trăm hộ dân tham gia nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Khu vực đầm này có 3 cửa cống đưa nước ra vào để bà con nuôi trồng. Ngày 25/8/2022, sau khi nghe thông tin thời tiết và thông báo của chính quyền xã về việc có cơn bão số 3 sắp đổ bộ đất liền, người dân đã gia cố trang trại nuôi trồng thủy sản, chuẩn bị ứng phó bão. Khi cơn bão chuẩn bị ập tới, thủy triều lên nhanh thì hệ thống các cống này phải đóng lại kịp thời để tránh nước ngập vào đầm, nhưng đến chiều 25/8/2022, cả 3 cống vẫn mở. Đây bị cho là nguyên nhân khiến sáng 26/8, nước ngập trắng toàn bộ khu đầm hàng trăm ha. Theo thống kê, kiểm đếm của chính quyền địa phương, hàng trăm hộ dân phải chịu thiệt hại ước tính hơn 12 tỷ đồng.

Chưa kịp gượng dậy sau thiệt hại này, thì khởi đầu mùa tôm năm 2023, bà con nuôi trồng thủy sản xã Hải Lạng lại nhận thêm những thất bại mới. Toàn thôn Bình Minh có khoảng 200 hộ nuôi, trong đó có 60 hộ nuôi công nghiệp, thì: “Nuôi lớn chết lớn, nuôi bé chết bé, như hộ nhà ông Lý Kim Báo thiệt hại nặng nhất khoảng 500 triệu đồng tiền giống, hộ nhẹ nhất như nhà tôi phải xả đi 1 ô mất 40 triệu đồng” – ông Hoàng Văn Việt, Trưởng thôn Bình Minh cho biết.

Đi tìm nguyên nhân

Ngoài những nguyên nhân bất khả kháng như thời tiết thất thường, còn những nguyên nhân khác tồn tại được người nuôi tôm Hải Lạng cho là “thủ phạm” chính đẩy họ đến bờ phá sản.

Theo Trưởng thôn Bình Minh Hoàng Văn Việt, một bất cập lớn của Dự án cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Hải Lạng là không xây dựng đồng bộ tuyến kênh tiêu.

“Tuyến kênh thoát nước thải từ đầm nuôi tôm hiện tại chỉ đáp ứng được cho 1/5 số hộ nuôi tôm ở đây. Phần lớn số hộ nuôi còn lại vẫn xả thải ra đầm Cái Đản, sau đó lại lấy nước từ đầm Cái Đản về nuôi tôm. Như vậy, mục đích xây dựng kênh tiêu để đảm bảo môi trường nguồn nước gần như không có tác dụng” – ông Việt nói.

Một nguyên nhân khác mà nhiều hộ nuôi tôm ở Hải Lạng cho biết, đó là việc huyện Tiên Yên cho đấu thầu nuôi trồng thủy sản tại vị trí 3 cửa cống Cái Đản, Hà Dong và Hà Thụ. Theo các hộ dân, nước ở các đầm có được điều hòa ra, vào hợp lý hay không phụ thuộc vào vị trí xung yếu là 3 cửa cống trên. Thế nhưng, do chi phí đấu thầu lớn, các hộ nuôi trồng ở khu vực cửa cống tùy theo điều kiện nuôi của mình mà đóng hay mở cửa cống, khiến môi trường nước ở các đầm bị ô nhiễm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lạng cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến việc con giống chết hàng loạt là do chất lượng con giống và thời tiết cực đoan. Việc cung cấp nước cho các đầm cũng bị ảnh hưởng một phần do việc cho đấu thầu hệ thống kênh cấp nước. Cuối năm nay, thời hạn hợp đồng với những hộ trúng thầu sẽ kết thúc. Khi đó, chính quyền sẽ xem xét việc đấu thầu này để đảm bảo nguồn nước cho các hộ nuôi…”.

Việc huyện Tiên Yên đầu tư Dự án cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Hải Lạng là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa rất quan trọng để nhân dân ở đây chuyển đổi những diện tích nuôi thâm canh kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng bền vững trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Nhưng những tồn tại hiện hữu đã cho thấy, quá trình thực hiện Dự án, bước đầu chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi.

Dự án cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Hải Lạng có tổng mức đầu tư hơn 170 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và 30% kinh phí do huyện Tiên Yên đối ứng, thi công trong 2 năm 2019-2020. Dự án gồm các hạng mục đầu tư: Hệ thống đường điện và 7 trạm biến áp, hồ xử lý nước thải có diện tích 20ha; tuyến kênh tiêu N1 và kênh cấp nước ngọt cho toàn bộ vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Nguyễn Quý