Kinh doanh homestay không còn 'dễ ăn'

T.Hằng 05/07/2023 07:28

Trong vài năm gần đây, đầu tư homestay bùng nổ. Nhiều nhà đầu tư thắng lớn nhưng cũng không ít người thua lỗ.

Mô hình homestay không còn hấp dẫn. Ảnh minh họa.

Anh Nguyễn Tuấn Ngọc (Đắk Lắk) đang rao bán khu đất 5ha đất ở Cư ‘Mgar, trong đó có 400m2 đất thổ cư với lời giới thiệu: rất hợp để làm homestay, giá đẹp, tiềm năng lớn. Rất cần tiền cho dự án kinh doanh mới nhưng đã hơn 5 tháng rao bán, mảnh đất vẫn chưa có chủ mới.

Tương tự, anh Trần Minh Thuận (Hòa Bình) rao bán mảnh đất với diện tích 1050m2, view hồ, nằm trên đường ATK, xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn cách trung tâm hội nghị quốc gia 46 km. Giá mong muốn 7 triệu/m2. Khu đất của anh Thuận cũng đã được đầu tư trồng cây, có dựng hai căn nhà nhỏ để cuối tuần gia đình lên chơi và ở lại. Theo chia sẻ của anh Thuận, lúc mới mua nhà, anh cũng có ý định làm homestay để kinh doanh kiếm thêm thu nhập nhưng nay không có điều kiện chăm sóc nên phải rao bán. “Giá rao bán như vậy là xem như 3 năm đầu tư bất động sản mà không sinh lời được một xu nào, thế mà vẫn ế khách lắm” – anh Thuận nói và chia sẻ thêm, nếu như nhiều năm trước, homestay nở rộ như một trào lưu của giới kinh doanh bất động sản thì nay mô hình này đã bị bão hòa, thậm chí thua lỗ.

Theo chia sẻ của chị Hoàng Hồng Hạnh, chủ một homestay ở Phú Quốc, vận hành homestay không hề đơn giản. Muốn homestay “sống khỏe” phải có nhân lực, tiềm lực kinh tế mạnh và phải có thời gian.

Với khu homestay của gia đình mình, chị Hạnh phải vận dụng hết các nhân lực trong gia đình vào Phú Quốc, đồng thời mở tài khoản trên mạng xã hội facebook để chạy quảng bá giới thiệu homestay của mình, song kinh phí là vấn đề rất đau đầu. “Khách thuê không được như mong đợi. Trong khi chi phí trả nhân công chăm sóc cây cối, vườn tược, lau dọn vệ sinh, điện nước... tính ra còn thâm hụt vào vốn, chẳng được lời lãi bao nhiêu. Nhà nào mà không bền tài chính thì họ chỉ muốn bán đi cho đỡ nặng đầu” – chị Hạnh nói.

Homestay “vỡ trận” một phần do nhiều người ồ ạt đầu tư theo trào lưu. Đến thời điểm thị trường bất động sản trở nên trầm lắng thì cũng đã trầm lắng theo.

Tại các diễn đàn trao đổi thông tin về homestay Hoà Bình, Ba Vì, Mộc Châu... nhan nhản các mẩu tin rao bán. Theo tìm hiểu, những trường hợp gặp rủi ro khi đầu tư vào homestay đều có đặc điểm chung: không dày vốn để đầu tư tiện nghi cho căn hộ dẫn đến sức cạnh tranh kém; chi phí thuê nhà, tiền sinh hoạt hàng tháng gần như “ngốn” toàn bộ phần lãi; lượng khách hàng kém ổn định và tỷ lệ khách quay lại thuê rất ít nên lúc kiếm được lúc không,...

Nhiều người trong cuộc cho biết, mô hình du lịch homestay muốn ổn định và phát triển đòi hỏi phải có số vốn ban đầu lớn. Nhà đầu tư phải xác định mất ít nhất 1 năm đầu kinh doanh trong tình trạng bù lỗ, sau đó mới nghĩ đến chuyện phát triển.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng là phân khúc có nhu cầu, nhưng việc đầu tư tràn lan, thiếu tính toán đã gây ra “vỡ trận”, nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường. Tình trạng này đã được dự báo từ hai năm trước khi làn sóng nhà đầu tư F0 đổ đi rót tiền vào khu vực vùng ven, đẩy thị trường “nóng sốt”.

Theo ông Đính, đầu tư nghỉ dưỡng cần tính chuyên nghiệp cao, đòi hỏi kiến thức về quản lý dòng tiền, hiệu suất đầu tư, vận hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Không ít người có tâm lý “chỉ mua mảnh đất rồi xây căn nhà cho thuê là xong”, bỏ qua việc nghiên cứu kỹ thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng ở nhiều khu vực vùng ven, nhà nhà làm homestay, khu nghỉ dưỡng, trong khi lượng khách du lịch chỉ nhỏ giọt.

“Nhiều nhà đầu tư đã rơi vào cảnh trắng tay, đây là bài học về đầu tư ồ ạt theo trào lưu mà không tính toán kỹ lưỡng, không nắm bắt thị trường” - ông Đính nói.

T.Hằng