Tăng mức lương cơ sở: Thị trường biến động ra sao?
Từ ngày 1/7, Nghị định 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng với 9 nhóm đối tượng. Nhiều người cho rằng, việc lương cơ sở tăng sẽ khiến mặt bằng giá cả tăng theo. Nhiệm vụ kiểm soát giá cả, lạm phát thời gian tới sẽ nặng nề hơn.
Giá cả có “tát nước theo mưa”?
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết tại chợ đầu mối Long Biên, giá cả hiện nay vẫn chưa có nhiều biến động.
Một tiểu thương tại chợ đầu mối Long Biên cho biết: “Giá cả tại chợ tăng nhẹ không đáng kể, vì nơi đây tập trung bán buôn, nên giá cả phụ thuộc vào đầu nguồn, giá trên đấy rẻ thì về đây cũng rẻ, phụ thuộc vào cước phí gần xa, chứ không phụ thuộc vào đồng lương”.
Tuy nhiên, khảo sát ở các chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội như: chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy), chợ Yên Xá (Hà Đông), chợ Bưởi (Tây Hồ),… giá cả đang tăng nhẹ với mức từ 5 - 10%.
Giá các mặt hàng như rau, củ, quả đều có sự biến động, tăng từ 2.000-10.000 đồng/kg tùy mặt hàng. Cụ thể, giá cà chua khoảng 27.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng); cà rốt tăng 12.000 đồng lên 18.000 đồng/kg; rau muống tăng 5.000 đồng lên mức 10.000 đồng/bó; các loại cải đều tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg…
“Rau, củ, quả là thực phẩm tiêu dùng nên lượng tiêu thụ rất mạnh”, bà L.T.H. (tiểu thương chợ Yên Xá) chia sẻ với PV.
Đối với các mặt hàng thịt, giá cả hiện vẫn đang ổn định. Cụ thể, thịt heo ba chỉ có giá dao động từ 140.000-150.000 đồng/kg; sườn non giá từ 160.000-170.000 đồng/kg; thịt nạc vai từ 90.000-100.000 đồng; giò heo từ 90.000-110.000 đồng/kg. So với thời điểm đầu tháng 6, các sản phẩm thịt heo tươi sống vẫn không thay đổi đáng kể.
Các mặt hàng đông lạnh cũng có mức tăng nhẹ 5-10%. Đối với các mặt hàng thủy, hải sản thì giá cả hầu như không biến đổi.
Theo các chủ cơ sở, tiểu thương, chi phí vận chuyển, giá mặt hàng tăng là do tiền điện tăng ảnh hưởng đến sự biến động về giá cả. Chị Hạnh (chủ quầy thịt tại chợ Dịch Vọng) cho biết: “Theo tình hình chung thì những người bán buôn ở chợ cũng phải tăng giá lên để đủ chi trả cho những chi phí khác. Vật giá thì thi thoảng lại leo thang nên những người buôn bán cũng phải tùy vào đấy mà định lượng giá cả mặt hàng mình bán”.
Bên cạnh đó, tại các siêu thị, theo khảo sát của PV, giá cả của các mặt hàng như rau củ quả, thịt, hải sản vẫn giữ được ổn định như tháng trước. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi còn áp dụng giá khuyến mãi cho sản phẩm, đi kèm với nhiều ưu đãi cho khách hàng dễ dàng hơn khi lựa chọn sản phẩm.
Mong lương tăng nhưng giá không tăng
Thông tin tăng lương mang đến niềm vui cho hầu hết các công nhân viên chức, nhưng đi cùng với đó là nỗi lo về “cơm, áo, gạo, tiền”.
Chia sẻ với PV, chị T.N.L. (Cầu Giấy) cho biết: “Nếu tăng lương thì một công chức có bằng trung cấp như chị cũng chỉ tăng chưa đầy 500.000 đồng/tháng. Khoản tiền này chưa đủ chi trả tiền đổ xăng và chi phí điện thoại trong một tháng. Điều mà chị băn khoăn là mỗi lần tăng lương, thì liệu các mặt hàng tiêu dùng có “tát nước theo mưa không?”. Trước đó, nhiều mặt hàng đã tăng giá không ít, điện nước cũng tăng mà giá xăng cũng tăng.
Chị Lê Thị Huệ (Hà Đông) - là công chức hành chính ở quận cho biết, từ ngày 1/7, tiền lương của tôi được 7,5 triệu đồng/tháng. Vì thu nhập chỉ đủ nuôi 2 con nhỏ với mức chi tiêu tiết kiệm, nên nếu tiền lương tăng mà giá cả không được kiểm soát thì việc tăng lương sẽ không còn nhiều ý nghĩa.
Báo Cafef dẫn lời bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc tăng lương cơ sở sẽ tác động đến chỉ số CPI. Lương tăng giúp đời sống cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao, kéo theo nhu cầu tiêu dùng hằng ngày tăng lên. Khi tiêu dùng nhiều hàng hóa hơn thì tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong quan hệ cung - cầu và tạo ra biến động giá cả hàng hóa trên thị trường.
Bà Oanh cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân không quá cao. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa thời gian qua đã được bảo đảm tốt, kể cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Mặt khác, các mặt hàng nguyên - nhiên liệu cũng được cung ứng đầy đủ, giúp duy trì hoạt động sản xuất thông suốt.
Thời gian qua, Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có sự chỉ đạo, điều hành rất sâu sát, kịp thời. Các bộ, ngành, địa phương với sự chỉ đạo của Chính phủ cũng rất chủ động, linh hoạt trong quản lý, kiểm soát giá cả.
“Từ những yếu tố trên, chúng tôi đánh giá việc tăng lương cơ sở từ ngày 1-7 có thể kéo theo giá hàng hóa tăng nhưng sẽ không tăng đột biến”, bà Nguyễn Thu Oanh nói.