Bắc Trà My (Quảng Nam): Đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển
Huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã trải qua 20 năm (20/6/2003 - 20/6/2023) xây dựng, phát triển. Từ một huyện miền núi khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển vượt bậc.
Huyện Bắc Trà My có dân số là là 39.194 người, trong đó dân tộc Kinh là 20.148 người, chiếm 51,41%, dân tộc Cadong là 13.372 người, dân tộc Xê đăng là 115 người;… với mật độ dân số bình quân 47,26 người/km2, đất tự nhiên là 82.543,6ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 3.863,3ha, đất lâm nghiệp 55.126,6ha;…
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Trà My đã từng bước giải quyết những khó khăn, tập trung vào khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Vì vậy, nền kinh tế của huyện phát triển tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, năm 2003, cơ cấu kinh tế định hướng đúng mục tiêu, giảm dần cơ cấu về nông, lâm nghiệp, tăng dần về công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng khá, nhất là giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng ước đạt 287,350 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 16,2%; giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ đạt trên 428,470 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ước đạt trên 14,96%. Thu nhập bình quân đầu người trên 24 triệu đồng/năm; văn hoá, xã hội phát triển vượt bậc, các đề án về phát triển du dịch, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số (DTTS) được thực hiện, có tính khả thi cao.
Huyện Bắc Trà My đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại và hiện nay có 95 mô hình đang hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó, nổi bật là các mô hình như: nuôi bò lai sind, nuôi cá lồng bè tại lòng hồ thủy điện Sông Tranh II, nuôi heo đen bản địa; nuôi chồn hương và trồng cây ăn quả như: cam, quýt, thanh trà, măng cụt,… Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp đạt 44,86%, giá trị thu nhập từ trồng cây nguyên liệu ngày càng cao, nhất là phát triển cây quế Trà My góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
“Đến nay, có 3/12 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại bình quân đạt 14 tiêu chí. Chúng tôi tự hào là địa phương miền núi của tỉnh tiên phong trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo thông qua phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, ra mắt Câu lạc bộ “Khởi nghiệp sáng tạo”;... Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi, giá trị thương hiệu quế Trà My được quảng bá, nâng tầm với hơn 50 sản phẩm từ quế và phát triển ra thị trường thế giới như Singapore, Nhật Bản, Thái Lan. Đây là bước phát triển mới, mở ra sự kỳ vọng nền kinh tế huyện nhà sẽ tiếp tục vươn lên tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo”, ông Thái Hoàng Vũ thông tin.
Ngoài ra, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được mở rộng nhiều tuyến như: tuyến đường Bắc Trà My - Trà Bồng, đường Trà Kót - Tam Trà, Đường Đông Trường Sơn qua địa phận huyện Bắc Trà My, đường Trung tâm nội thị, đường tránh phía Tây thị trấn, đường Nam Quảng Nam, tuyến Trà Giác - Trà Giáp - Trà Ka,... Một số công trình tạo được điểm nhấn như: Quảng trường Văn hóa, chợ Bắc Trà My, cầu kính - phố đi bộ, ẩm thực; Trung tâm Điều hành thông minh IOC, Trung tâm Trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP;…
Theo lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My, về mạng lưới trường lớp ngày càng được mở rộng, khang trang, hiện đại. Đến nay, toàn huyện có 41 đơn vị trường học. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp hằng năm đạt trên 99%, có 8 trường đạt chuẩn quốc gia. Toàn huyện có 14 cơ sở khám chữa bệnh gồm 1 trung tâm y tế huyện với 5 phòng, 6 khoa và 70 giường bệnh và 13 Trạm y tế xã, thị trấn và 1 phòng khám đa khoa. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế không ngừng lớn mạnh. Ngoài ra, việc thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hoá trong nhân dân đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, năm 2022, toàn huyện có 11.302 hộ gia đình đăng ký gia đình văn hoá, trong đó có 10.284 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, chiếm tỷ lệ 91%.
Về công tác an sinh xã hội, ông Thái Hoàng Vũ nhấn mạnh: “Huyện đã chỉ đạo và tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên kịp thời, chăm lo tốt cho các gia đình chính sách, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội. Các cuộc vận động “xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “xóa nhà tạm”, “ quỹ vì người nghèo”, “quỹ nhân đạo”... được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Từ năm 2013 đến năm 2018, tổng số nhà được hỗ trợ là 866 nhà, tổng nguồn kinh phí thực hiện là 29,460 tỷ đồng”.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 20 năm sau ngày tái lập, huyện Bắc Trà My đã không ngừng nỗ lực vươn lên, đổi mới, sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc của huyện luôn được Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quan tâm, chú trọng. Năm 2022, Bắc Trà My là huyện đứng đầu cả tỉnh về cải cách hành chính; đứng đầu về chyển đổi số và nhiều chỉ tiêu nằm trong nhóm đầu các huyện miền núi. Đây là những thành tích rất đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà trong thời gian qua.
“Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Trà My với truyền thống anh hùng trong kháng chiến, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy những thành tựu đã đạt được, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.