VCCI tổ chức hội thảo 'Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)'
Sáng 5/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2008 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 để phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Thực tiễn hiện nay cho thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và cả người tiêu dùng.
Để góp ý hoàn thiện Đề nghị này, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, VCCI tổ chức Hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”.
Phát biểu khai mạc, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, Hội thảo sẽ có đóng góp trong việc trình những thông tin phù hợp lên Chính phủ. Dự án Luật có tác động nhiều đến doanh nghiệp, thậm chí có tác động sống còn. Đây là tiếng nói từ các doanh nghiệp, nhà sản xuất, ngành hàng. VCCI có trách nhiệm tổng hợp, ghi nhận đầy đủ, phản ánh một cách kịp thời, trung thực những kiến nghị của doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan.
Theo đó, có 6 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung. Bổ sung đối tượng chịu thuế gồm nước giải khát có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Ngoài ra, sửa đổi đối tượng chịu thuế: bổ sung loại xe bốn bánh chở người gắn động cơ, sửa đổi tàu bay thành “máy bay, trực thăng, tàu lượn”.
Bên cạnh đó, bổ sung một số đối tượng không chịu thuế đặc biệt: tàu bay; một số loại xe ô tô không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông; hàng hóa “mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam”, hàng hoá “trung chuyển”; hàng hóa đã xuất khẩu bị phía nước ngoài trả lại.
Dự thảo Luật cũng đưa ra chính sách hoàn thiện về căn cứ tính thuế, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo bà Phan Minh Thủy, đại diện Ban pháp chế VCCI, Dự thảo Luật có tác động tích cực, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, nếu dự thảo được thông qua, người tiêu dùng và xã hội có sự định hướng nhất định, giảm tác hại của đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá mới, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
“Áp dụng thuế TTĐB sẽ làm tăng giá bán sản phẩm, từ đó giảm sản lượng hàng hóa tiêu thụ nhưng sẽ khuyến khích doanh nghiệp thay đổi thành phần, công thức sản phẩm, khuyến khích sản xuất sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng”, bà Thủy cho biết.
Các đối tượng chịu thuế TTĐB mới bổ sung cũng làm tăng số thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh tác động tiêu cực, Dự thảo Luật cũng có tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến kinh tế, xã hội và làm tăng thủ tục hành chính đối với cơ quan quản lý thuế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chịu thuế. Song, trong dài hạn, khi chính sách đã ổn định, sẽ không còn tác động về thủ tục hành chính.
Nội dung đáng lưu ý và còn nhiều ý kiến trái chiều là việc bổ sung nước giải khát (NGK) có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giảm thiểu rủi ro đối với bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh thừa cân béo phì.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ những lý do chính gây ra thừa cân béo phì. Đó là chế độ dinh dưỡng không hợp lý (tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao), thiếu vận động thể chất, do di truyền hoặc nội tiết. Ngoài ra căng thẳng, thiếu ngủ và tuổi tác cũng có thể gây ra chứng thừa cân béo phì.
Nhấn mạnh quan điểm trên, ông Trần Ngọc Trung, Trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, cho rằng dự thảo cần cân nhắc yếu tố công bằng giữa các ngành hàng. Hiện nay, dự thảo đang tạo ra sự phân biệt đối xử thông qua việc tập trung vào đồ uống có đường mà bỏ qua các thực phẩm có đường khác hoặc các thực phẩm có nguy cơ gây hại sức khoẻ khác.
Theo một khảo sát của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, đối với nhóm học sinh phổ thông tại Việt Nam, bà Lâm cho hay, thực phẩm học sinh ở cả thành thị và nông thôn sử dụng nhiều nhất là ngũ cốc, chất đạm, chất béo và sữa, tiếp đó là bánh, kẹo, kem, rồi cuối cùng là các loại đồ uống khác nhau. So với nước ngọt, tỷ lệ trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác (bánh kẹo, kem chè …) còn cao hơn rất nhiều chiếm 51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn.
Theo ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, chia sẻ về thực tiễn tại một số quốc gia sau một thời gian áp dụng thuế TTĐB lên mặt hàng nước giải khát có đường lại có tỷ lệ thừa cân béo phì không giảm mà lại tăng qua các năm. Ví dụ, ở Chile tỷ lệ TCBP giai đoạn 2009-2010 ở nam và nữ giới lần lượt là 19,2% và 30,7%. Năm 2014 Chile bắt dầu áp dụng thuế đối với NGK có đường, nhưng 3 năm sau đó tỷ lệ này không giảm mà thậm chí còn tăng 30,3% ở nam giới và 38,4% ở nữ giới.
Ở Mê-hi-cô năm 2012 tỉ lệ béo phì ở nam giới là 26,8% còn nữ giới là 37,5%. Nước này bắt đầu áp dụng thuế đối với đồ uống có đường từ năm 2014 nhưng đến 2018-2019 thì tỉ lệ TCBP đã tăng lên 30,5% ở nam giới và 40,2% ở nữ giới. Góp ý tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đối với không chỉ ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.
Theo một báo cáo được CIEM thực hiện vào năm 2018-2021, nếu bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% và nâng thuế GTGT thêm 2% với mặt hàng này thì sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát thiệt hại khoảng 3.791,4 tỷ đồng, trong khi đó mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 2.722,3 tỷ đồng. Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường, … và cả nền kinh tế nói chung. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.
Chia sẻ thêm về quan điểm này, Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia – NGK, dẫn chứng số liệu của Tổng cục thống kê mới công bố về tình hình kinh tế nửa đầu năm. Theo đó, GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước nhưng kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 3,29% trong khi lạm phát cơ bản tăng 4,74%.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Ngọc Trung, trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng, đường là một mặt hàng đặc biệt khi đang được hưởng những chính sách bảo hộ để hỗ trợ phát triển, như hạn ngạch thuế quan, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Việc áp dụng thuế TTĐB cho các sản phẩm có đường sẽ tạo sự thiếu nhất quán về mặt lập pháp trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành đường bằng cách gián tiếp hạn chế lượng tiêu thụ đường. Ngoài ra, mục tiêu thu ngân sách cũng khó đạt được do sự tương quan trong việc giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của các nhà sản xuất đồ uống, tạo sự sụt giảm theo chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp cung cấp đầu vào khác cũng chịu sự sụt giảm theo.
Ông Trung cũng lo ngại công cụ thuế khó có thể điều chỉnh hành vi người tiêu dùng do đồ uống là một loại thực phẩm, là nhu cầu cơ bản. Thay vào đó, cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp hơn như Quy chuẩn Kỹ thuật về hàm lượng đường tối đa trong thực phẩm.