Lúng túng điện mặt trời
Một đợt nắng nóng dữ dội nữa lại đang bao trùm miền Bắc và một số tỉnh miền Trung. Cho dù các hồ thủy điện đã qua mực nước chết nhưng nguy cơ thiếu điện vẫn còn đó. Trong khi một nguồn nhiệt năng rất sẵn có ở nước ta là điện mặt trời thì lại vướng cơ chế chính sách nên khó triển khai. Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư lắp đặt nhưng vẫn phải chờ sự hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Quyết định 500 ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch điện VIII) xác định mục tiêu ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng, nhằm phục vụ sản xuất, tiêu thụ điện tại chỗ. Điều đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Một số doanh nghiệp cũng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhưng chưa nhiều. Có thể nói doanh nghiệp rất cần các cơ chế chính sách rõ ràng hơn từ Bộ Công thương.
Trong khi đó, theo Bộ Công thương, các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ được xây dựng theo lộ trình, bám sát vào Quy hoạch điện VIII. Trong quyết định nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Bộ Công thương cũng đã có đề xuất gửi Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Kèm đó là cơ chế “miễn trừ” một số thủ tục hành chính.
Nói là vậy nhưng tới nay việc phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái vẫn nghẽn dòng.
Không ít doanh nghiệp cho biết họ đang phải đối diện với khó khăn “kép” khi phát triển điện mặt trời mái nhà. Đó là vướng mắc pháp lý xây dựng và chịu lãi suất ngân hàng quá cao. Về vấn đề này, quan niệm của doanh nghiệp coi hệ thống điện mặt trời mái nhà là thiết bị công nghệ được lắp đặt vào mái công trình xây dựng. Nhưng Sở Xây dựng địa phương lại cho rằng đó là công trình xây dựng, muốn đầu tư phải theo trình tự thủ tục, xin giấy phép xây dựng… Cũng cần thấy rằng, quy định của Sở Xây dựng địa phương như vậy là sai khi mà Quyết định số 13 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã xác định hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống có các tấm quang điện được lắp đặt vào mái công trình xây dựng. Đồng thời, căn cứ theo Luật Xây dựng thì hệ thống điện mặt trời mái nhà không phải là công trình xây dựng do không liên kết, định vị với đất.
Cùng với đó, việc đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng khiến doanh nghiệp rất tốn kém, thông thường doanh nghiệp phải vay ngân hàng 3/4 trong tổng số tiền đầu tư. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng cao vô hình chung đẩy rủi ro cho nhà đầu tư.
Tới thời điểm này, nhiệt điện và thủy điện của Việt Nam đã huy động tối đa công suất. Vì thế, nhiều hy vọng trông chờ vào điện gió và điện mặt trời. Riêng với điện mặt trời, Việt Nam có lợi thế rất lớn. Trung bình tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam vào khoảng 5 kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam và vào khoảng 4 kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc. Số giờ nắng trong năm ở miền Bắc vào khoảng 1.500 -1.700 giờ trong khi ở miền Trung và miền Nam con số này vào khoảng 2000 - 2600 giờ mỗi năm.
Chiến lược phát triển phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, xác định phát triển điện mặt trời là một mục tiêu chiến lược, nhằm tăng mức điện từ năng lượng mặt trời từ 10 triệu kWh (năm 2015) lên 1,4 tỷ kWH vào năm 2020, 35,4 tỷ kWh (năm 2030) và 210 tỷ kWh (năm 2050).
Dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế tại Việt Nam từ năm 2021 trở đi vẫn tăng ở mức cao 8-10%/năm, nhưng nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu than và khí. Ngoài ra, biến đổi khí hậu khiến các hồ thủy điện thiếu nước để sản xuất, một số dự án nhiệt điện bị chậm tiến độ, gây áp lực lớn đảm bảo nguồn cung điện.
Trong bối cảnh đó, việc phát triển điện mặt trời mái nhà cần phải được đẩy nhanh. Những vướng mắc về cơ chế chính sách và lãi suất vốn vay ngân hàng cần phải được tháo gỡ. Nguồn năng lượng sạch này chậm hình thành ngày nào thì còn thiếu điện ngày đó, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân. Và đó cũng là sự lãng phí lớn khi dựa vào lợi thế thiên nhiên chúng ta hoàn toàn có thể phát triển điện mặt trời. Điều mà không nhiều quốc gia có được.