Nhà 'chuồng cọp' và những nỗi lo
Vụ cháy vào lúc hơn 5h sáng ngày 4/7 mới đây tại căn nhà 2 tầng ở đường TA 16 (phường Thới An, quận 12, TPHCM) khiến người ta rùng mình. Lúc căn nhà bỗ cháy, bên trong có hai vợ chồng cùng con gái khoảng 8 tuổi đang ngủ.
Nhiều hàng xóm phát hiện vụ cháy đã lao đến đập cửa, hô hoán gọi người bên trong nhà và mang nhiều bình chữa cháy mini, kéo vòi nước đến dập lửa. Nghe tiếng kêu, người trong nhà tỉnh dậy, tháo chạy ra ban công tầng 2 nhưng lối thoát này đã bị bịt kín bằng "chuồng cọp" sắt kiên cố. Cái chết đã đến rất gần.
Rất may nhiều người bên ngoài đã leo lên tầng 2 dùng xà beng cạy phá "chuồng cọp", đưa cả gia đình 3 người thoát nạn. Qua cơn kinh hoàng, gia sản bị thiêu rụi nhưng họ vẫn may mắn khi giữ được tính mạng so nhiều nhiều vụ cháy “chuồng cọp” rất thảm khốc cướp đi cuộc sống của nhiều người.
Có thể kể đến vụ cháy ngày 13/5/2023 xảy ra tại phường Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội, làm 4 người chết, 1 người bị thương. Bà H. (67 tuổi) cùng 3 cháu nhỏ (lần lượt 10 tuổi, 8 tuổi và 4 tuổi) đã chết trong vụ hỏa hoạn. Ngôi nhà bị cháy được hàn khung sắt, bịt kín phía trước giống như "chuồng cọp" để chống trộm. Khi vào cứu, lực lượng chức năng phải dùng dụng cụ chuyên dụng cắt nhiều đoạn sắt ở tầng 2 mới có thể vào được bên trong.
Thời gian qua, do lo sợ các đối tượng trộm cắp đột nhập vào nhà nên nhiều người dân đã bỏ tiền ra thuê làm những chiếc "chuồng cọp". Nhất là với cư dân đô thị. Những khung sắt được hàn quây kín ban công ngôi nhà, kể cả cửa sổ, vô tình đã trở thành "chướng ngại vật" khi xảy ra hỏa hoạn.
Trước những thảm kịch hỏa hoạn đến như những căn nhà bịt bùng, cơ quan công an đã liên tục khuyến cáo việc người dân hàn kín các không gian thoáng của ngôi nhà, hay gia cố thêm các “chuồng cọp”. Phần vật liệu các gia đình sử dụng thường bằng sắt, thép, bê tông kiên cố, gây cản trở tiếp cận hiện trường khi hỏa hoạn xảy ra. Cách tốt nhất của lực lượng phòng cháy chữa cháy là phải cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn nhân. Tuy nhiên thời gian cắt các lồng sắt khá lâu thường thì không kịp cứu người. Do đó, những “chuồng cọp” càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn, bởi đường thoát nạn đã bị bịt kín.
Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khuyến cáo các gia đình không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp phải có cửa thoát hiểm, khóa, chìa để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết.
Để thoát nạn khi xảy ra hoả hoạn, trước hết phải xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà đang cháy. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo. Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm, thì cần tìm lối thoát khác, như ban công, và sử dụng các phương tiện như thang dây (nếu có). Trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, để thoát xuống dưới.
Đối với các căn nhà “chuồng cọp” khi bị cháy, cần nhanh chóng thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề. Nếu trên các lồng sắt không có sẵn các cửa thoát hiểm thì phải tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu... bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cũng lưu ý tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để tránh đám cháy, bởi rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu.