Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với công an xử lý mạnh các đối tượng dùng trạm BTS giả
Chiều tối ngày 5/7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TTTT trong tháng 6 năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.
Cuộc họp báo cũng trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TTTT đang được báo chí và dư luận quan tâm.
Một số kết quả nổi bật trong tháng 6
Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điểm nổi bật trong tháng 6 là tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); ban hành 02 Thông tư: Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT ngày 30/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-BTTTT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ TTTT quy định các biểu mẫu Tờ khai đăng ký, Đơn đề nghị cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận, Giấy phép và Báo cáo nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT ngày 30/6/2023 hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình…
Nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến nhằm bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ TTTT đã chính thức phát động Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023. Chiến dịch do Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT chủ trì, điều phối và phối hợp cùng thành viên Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng…
Sẽ xử lý mạnh các đối tượng phát tán tin nhắn rác qua thiết bị phát sóng BTS giả
Về việc xử lý can nhiễu tần số: Trong thời gian gần đây, Bộ TTTT đã ghi nhận phản ánh về hiện tượng nhiều hộ gia đình sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa gây nhiễu trên băng tần miễn cấp phép cho thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến (433.05-434.79MHz) dẫn đến việc nhiều thiết bị (ví dụ như smartkey) bị ảnh hưởng do có cùng dải tần. Bộ TTTT khuyến cáo người dân nên mua thiết bị hợp quy chuẩn, mua cơ sở có uy tín, hàng chính hãng.
Ngoài ra, Bộ TTTT đã ghi nhận tình trạng nhiều chủ thuê bao bị xúc phạm khi từ chối cuộc gọi làm phiền, theo đó hiện nay rất nhiều người dùng nhận được các cuộc gọi rác, như kêu gọi đầu tư chứng khoán, việc nhẹ lương cao, mời mua bất động sản... khi từ chối vì không có như cầu, thì các đối tượng thực hiện cuộc gọi còn văng tục, chửi thề, thậm chí là đe doạ luôn người nghe. Những tin nhắn cuộc gọi rác này chủ yếu do trạm BTS giả phát đi. Việc thanh tra, kiểm tra phát hiện trạm BTS giả rất khó khăn, do thiết bị nhập lậu, nhỏ gọn, cơ động, hành vi vi phạm tinh vi của đối tượng. Sắp tới Bộ TTTT sẽ cùng với bộ Công thương thanh tra, kiểm soát phát hiện nhập khẩu thiết bị BTS giả. Cùng với Sở Thông tin truyền thông thanh tra, kiểm tra. Sử dụng thiết bị định vị để phát hiện trạm BTS giả, kết hợp với công an để xử lý mạnh các đối tượng vi phạm.
Bên cạnh đó, tình trạng một số đối tượng sử dụng các trạm thu phát sóng giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng vẫn tiếp tục tái diễn. Các đơn vị chuyên môn của Bộ TTTT đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện rà quét, phát hiện và xử lý kịp thời. Trong thời gian tới Bộ TTTT sẽ có những giải pháp hiệu quả để phát hiện ngay khi đối tượng lừa đảo bật thiết bị phát sóng giả mạo và có thể phối hợp với các cơ quan chức năng truy bắt các đối tượng này nhanh nhất.