Dệt may Việt Nam bền lòng vượt bão – Bài 1: Rào cản trên con đường xuất khẩu

H.Hương-M.Sang 06/07/2023 07:15

Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, trong đó có sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, kể từ giữa năm 2022 đến nay các doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng sụt giảm và ngày càng có thêm các rào cản kỹ thuật từ nước nhập khẩu. Vậy, dệt may Việt Nam đã và đang làm gì để lội ngược dòng?

Ngành dệt may gặp khó khăn khi thiếu đơn hàng. Ảnh: Quang Vinh.

EVFTA đã thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các nước EU. Lợi ích trực tiếp của hiệp định này là việc EU miễn thuế cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có hàng dệt may.

Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm trên 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của thế giới, với tổng cầu hàng may mặc tăng trưởng tốc độ trung bình 3%/năm, trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam mới chiếm khoảng 2,7%. Dư địa để dệt may Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang thị trường EU là rất lớn và nhiều hứa hẹn.

Doanh nghiệp “khát” đơn hàng

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương), EU là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và các sản phẩm của doanh nghiệp (DN) Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU không chỉ giúp cho DN phát triển bền vững tại thị trường EU mà còn có cơ hội để lan tỏa thương hiệu đến các thị trường khác trên thế giới.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA) Nguyễn Phước Hưng cho biết, DN dệt may đang gặp phải những khó khăn như thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều DN không được giải ngân, chuyển nợ xấu... Từ giữa năm 2022 đến nay, các DN có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn nhiều khó khăn đối với DN dệt may.

Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho hay, thông thường quý 2 và 3 thường là cao điểm của DN may, nhưng đơn hàng quý 2 đã giảm 20-30% so với hằng năm. Còn quý 3, tình hình rất khó dự đoán, bởi các khách hàng đều chưa có thông tin. Họ chờ lượng tồn kho giảm, rồi mới ra quyết định.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, DN đang phải "ăn đong" đơn hàng, không chỉ lượng hàng sụt giảm mà đơn giá cũng bị giảm từ 10 đến 15% do giá cạnh tranh rất thấp. Tương tự, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, từ quý 3/2022 đơn hàng của ngành dệt may đã giảm 15%, đơn giá giảm từ 20 - 30%. Hàng hóa không tiêu thụ được, tồn kho lên tới 25%.

Số liệu thống kê cho biết quý 1/2023, giá trị xuất khẩu của các DN dệt may đạt hơn 5,8 tỷ USD, ước tính kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 tăng thêm 3 tỷ USD, trong khi mục tiêu năm 2023 của ngành dệt may đặt ra là 47 tỷ USD. Nhiều thách thức đặt ra với ngành dệt may trong bối cảnh hiện nay. Đó là tổng cầu giảm trên toàn thế giới do lạm phát, trong khi người tiêu dùng ở các thị trường lớn có tâm lý thắt chặt chi tiêu, vấn đề xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu... Bên cạnh đó, hàng tồn kho của các nhãn hàng trên toàn cầu hiện vẫn tương đối lớn, tạo áp lực cho các nước sản xuất như Việt Nam.

Thách thức từ rào cản kỹ thuật

Nếu trước đây, Việt Nam là nơi đặt cơ sở sản xuất của các công xưởng gia công để tận dụng triệt để lợi thế nhân công giá rẻ cũng như tiêu chuẩn về kỹ thuật, môi trường chưa rõ ràng, thì nay các thị trường nhập khẩu yêu cầu ngày càng khắt khe về sản phẩm tiêu dùng, đòi hỏi các quốc gia xuất khẩu cũng phải tự cải tiến để tồn tại trong bối cảnh mới.

Trong đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng bắt buộc của các thị trường nhập khẩu. Đơn cử, Hoa Kỳ yêu cầu tuân thủ đạo luật chống lao động cưỡng bức có hiệu lực từ tháng 6/2022, hay các nước thuộc khối EU cũng bắt đầu thực hiện các quy định truy xuất nguồn gốc với chuỗi cung ứng dệt may theo luật tra soát chuỗi cung ứng.

EU cũng đưa ra các tiêu chuẩn phát triển bền vững trong chiến lược phát triển ngành dệt may, theo đó, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững, bổ sung tiêu chí sản phẩm có thể tái chế. Bất kỳ khi nào các tổ chức đánh giá cũng có thể yêu cầu tra soát, đòi hỏi DN phải sẵn sàng, tức là luôn minh bạch thông tin chuỗi cung ứng.

Một cuộc điều tra người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu mới đây của Tập đoàn McKinsey chỉ ra rằng, trong ngắn hạn và trung hạn, 60% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho thời trang. Về dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền; và 67% quan tâm nhiều về tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang. Sức ép này từ người tiêu dùng sẽ là lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ.

Nhiều quốc gia cũng đã thể chế hóa vấn đề này thành những yêu cầu luật pháp. Ở châu Âu có thỏa thuận xanh “Green new” đặt ra các mục tiêu đến năm 2030-2050, trong đó có thỏa thuận riêng về phát triển dệt may bền vững với rất nhiều yêu cầu về nguyên vật liệu tái chế, tuổi thọ của sản phẩm.

Rõ ràng môi trường kinh doanh của dệt may cũng như nhiều ngành xuất khẩu khác đang biến động phức tạp. Và để vượt qua giai đoạn hiện nay, DN buộc phải phát triển bền vững, linh hoạt thích ứng với yêu cầu của thị trường.

Theo Bộ Công thương, trong quý 2/2023, nhìn chung tình hình vẫn không mấy khả quan đối với kinh tế thế giới nói chung và ngành dệt may nói riêng. Suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến nhu cầu tiêu dùng suy giảm tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... Việc Trung Quốc mở cửa cũng sẽ mang lại những thách thức khi DN Việt Nam phải cạnh tranh với các DN nội địa của họ sau một thời gian dài phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhận định, dự kiến đến cuối năm 2023, thị trường mới "ấm" trở lại. Tuy nhiên, để có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, lãnh đạo hiệp hội khuyến cáo các DN cần đặc biệt quan tâm tới tính bền vững, tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh hàng may mặc. Bởi, hiện nhiều quốc gia phát triển đã có những quy định rất khắt khe liên quan đến vấn đề này. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu về sản xuất xanh, DN sẽ không có đơn hàng.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng hiệp hội, DN cần dự báo tình hình trong những tháng tới để đề xuất giải pháp thiết thực, khả thi; trong đó có cả những cơ chế, chính sách cần tháo gỡ, nhằm kịp thời khắc phục những yếu kém, lấy lại đà tăng trưởng.

Theo ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), trong ngắn hạn cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại; trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những nơi mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại song phương. Đồng thời, ngân hàng cần có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động.

(Còn nữa)

H.Hương-M.Sang