Không vào được THPT công lập, còn cơ hội nào cho thí sinh?
Năm nay, gần 105.000 thí sinh học lớp 9 tại Hà Nội đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, chỉ tiêu dự kiến tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (chiếm 55,7%). Vậy đâu là cánh cửa cho 33.000 thí sinh không trúng tuyển?
Chiều ngày 1/7, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường THPT công lập. Có thể thấy, điểm chuẩn của các trường công lập năm nay tăng mạnh với tỉ lệ chọi cao khiến nhiều học sinh trượt nguyện vọng vì không lường trước được thực tế.
Theo kế hoạch tuyển sinh thì có khoảng 45% thí sinh không đăng ký hoặc chưa trúng tuyển trường công lập sẽ có cơ hội để lựa chọn các trường dân lập, tư thục hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.
Qua thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 228 trường THPT (trong đó có 126 trường công lập và 102 trường ngoài công lập). Như vậy, các cơ sở đào tạo ngoài công lập có thể sẵn sàng đáp ứng 100% nhu cầu cho thí sinh không đỗ vào lớp 10 của các trường công lập.
Không những thế, hệ thống các trường THPT dân lập, bán công hay các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đều có những phương thức tuyển sinh rất đa dạng. Hầu hết các trường sử dụng đồng thời cả hai phương thức tuyển sinh là căn cứ vào kết quả thi của thí sinh trong kì thi vào lớp 10 THPT và xét học bạ như THPT Hoàng Cầu (Đống Đa), THPT Lê Văn Thiêm (Long Biên),....
Ngoài ra, hệ thống trường ngoài công lập còn chia thành nhiều cấp độ với chất lượng và mức học phí khác nhau. Bên cạnh nhóm chất lượng cao như Marie Curie, FPT, Lương Thế Vinh,... các trường dân lập chất lượng tốt nhóm dưới cũng tuyển sinh rất nhiều.
Nhiều thí sinh không có điều kiện, nguyện vọng tiếp tục theo học cao hơn có thể chọn các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Tại các trường đào tạo nghề nghiệp, học sinh được đào tạo văn hóa kết hợp thực tiễn và đi trải nghiệm thực tế ở các doanh nghiệp, học sinh chỉ mất 3 năm sẽ có bằng trung cấp chính quy và chứng nhận Hoàn chỉnh văn hóa THPT để có thể đi làm phụ giúp gia đình. Ngoài ra, nếu muốn học liên thông, học sinh cũng chỉ học 5,5 năm là nhận bằng đại học.
Qua đó, việc trượt nguyện vọng vào các trường THPT công lập chưa phải là dấu chấm hết mà còn đó là những cánh cửa sẽ mở ra một hành trình mới tiếp nối con đường học tập của các bạn học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.
Song, vấn đề cần lưu ý là các gia đình, cha mẹ cần hiểu đúng, hiểu rõ năng lực của con em mình, cân nhắc vấn đề tài chính gia đình để từ đó có thể mở ra cánh cửa phù hợp nhất cho các bạn học sinh lớp 10.