Nhen nhóm giấc mơ đưa 'hồn' Việt ra thế giới

Hoàng Vân 06/07/2023 14:00

Từ những cây tre còn nguyên sơ, dưới bàn tay của anh Dương Thanh Phận (41 tuổi, TP HCM) bỗng chốc biến thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt. Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, anh Phận cho biết, anh đang ấp ủ những dự định để đưa sản phẩm của mình “xuất khẩu” ra nước ngoài.

Trải qua nhiều khó khăn, anh Phận thành công gây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho riêng mình.

Từ một sinh viên ngành Điện tử Công nghiệp, anh Dương Thanh Phận (quê Long An) đã sớm đến TP HCM lập nghiệp từ những năm 2000. Trải qua nhiều khó khăn, anh quyết tâm khởi nghiệp từ gốc cây tre. Đến nay anh thành công gây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho riêng mình.

Từ tình yêu với thiên nhiên…

Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, anh Dương Phận cho biết, từ bé, anh đã thích thiên nhiên. Anh sống giữa thiên nhiên, thích rừng núi, cây cỏ.

“Có lần, tình cờ tôi nhìn thấy những cây tre, rồi nảy ra ý tưởng làm đồ vật thủ công từ thiên nhiên để tặng người thân. Sau này, những sản phẩm của tôi được cải tiến hơn, tôi bắt đầu tạo nên các sản phẩm với các vật liệu khác. Nhưng, tre vẫn là sản phẩm tiên phong đi đầu.

Những sản phẩm của anh Phận được làm từ thiên nhiên, tiên phong là những cây tre.

Tôi luôn có niềm trăn trở với những sản phẩm thủ công đặc trưng của người Việt. Vì thế, khi có cơ hội quay về sống với thiên nhiên, sống thuần chất, tôi đã ấp ủ ý định sẽ tạo ra một sản phẩm đại diện cho một món quà mà người nước ngoài khi đến Việt Nam, ngay lập tức nhớ đến và chọn mua”, anh Phận nói về cơ duyên đến với nghề thủ công mỹ nghệ.

Nhiều năm qua, du khách trong và ngoài nước khi đến với cửa hàng của anh Phận đều không khỏi ngỡ ngàng, thích thú khi nhìn thấy những sản phẩm thủ công bắt mắt. Thậm chí, anh Phận còn tiết lộ, Hoa hậu Bảo Ngọc cũng là khách hàng quen thuộc của anh.

Những gốc tre vô tri vô giác qua bàn tay khéo léo của anh Phận đã trở thành những sản phẩm thủ công độc đáo.

Anh Phận bật mí, để tạo ra một sản phẩm bút bi khắc chữ, trước hết anh tạo ra hình thù nguyên bản của bút bi gồm ngòi bút, ống mực, thân ống tre. Sau đó, anh Phận bắt đầu khắc theo hình đã được phác thảo sẵn, rồi thêm những dòng thơ, văn.

Anh Phận cho hay, công đoạn khó nhất chính là khắc lên bút, bởi chỉ cần sai một nét hoặc một lỗi chính tả, người nghệ nhân phải bỏ cả cây bút để làm lại từ đầu. Vậy nên, sản phẩm bút bi tre chứa trọn tâm huyết, sự tỉ mỉ của người thợ đặt vào. Anh Phận luôn khiến khách hàng ngạc nhiên vì hình ảnh được khắc vô cùng tinh tế.

Đối với một nghệ nhân lành nghề, việc tạo nên một chiếc bút chỉ mất 10-15 phút cho một tác phẩm đơn giản. Đối với những tác phẩm phức tạp như hình Phật có kích thước lớn, cần yêu cầu thời gian cao hơn.

… đến ấp ủ dự định “xuất khẩu” sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam

Anh Phận tiết lộ đang ấp ủ việc đưa các sản phẩm của mình ra thế giới.

Hiện, cửa hàng anh Phận có hai loại sản phẩm là khắc tay và khắc laser.

Với những sản phẩm khắc laser, thông thường khách hàng sẽ đặt với số lượng lớn, giá thành từ 40.000 – 50.000 nghìn một cây, khắc logo, khắc tên, khắc thông điệp. Ưu điểm của khắc laser là nhanh, chuẩn xác và đỡ vất vả cho nghệ nhân.

Với những sản phẩm khắc tay, giá thành cao hơn, từ 100.000 – 110.000 nghìn, bao gồm cả hộp và ngòi đi kèm.

Sắp tới, anh Phận dự định xây dựng đội ngũ từ 3 nghệ nhân để phục vụ cho việc sản xuất tại cửa hàng.

“Tôi đã có một xưởng ở Long An rồi, tôi mong muốn tìm một vài nhân công ở Long An nữa, những người phải thật sự yêu thích thiên nhiên và công việc. Tại Sài Gòn, tôi sẽ cố gắng tạo nên một đội ngũ 3- 5 bạn cùng chung đam mê để chung tay đưa sản phẩm ra thế giới”, anh nói.

Anh Phận phát triển theo hướng mong muốn có thể đưa sản phẩm tre Việt vươn ra thế giới. Vì vậy, anh và vợ đang trong quá trình nghiên cứu tìm đường đưa sản phẩm đi Nhật Bản hoặc sang các nước ở châu Âu.

Anh Phận thừa nhận không phải là người đầu tiên lấy tre làm nguyên liệu để tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tại Nhật Bản, các nghệ nhân làm rất tốt sản phẩm từ tre. Vì vậy, anh nghĩ cách mới để cải tiến những sản phẩm tre xung quanh mình, góp phần tạo nên những món quà ý nghĩa cho bản thân, gia đình và cho những người xung quanh. Từ đó hướng tới việc lan tỏa rộng rãi sản phẩm thuần Việt.

“Trong bản chất của từng người dân Việt Nam đã có niềm yêu thích với cây tre. Tôi là dân miền Tây nên được tiếp xúc với tre từ bé. Với tôi tre là quốc hồn, quốc túy của người Việt Nam. Tôi luôn mong muốn đưa sản phẩm từ tre Việt và nâng tầm sản phẩm ra thế giới”, anh nhắc lại.

Hoàng Vân