Giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ

Phương Nguyên 07/07/2023 07:24

Để Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đi vào cuộc sống, nhiều địa phương đã kiến nghị bổ sung các chính sách phù hợp, tháo gỡ những vướng mắc.

Đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng khởi sắc. Ảnh: Thành Chung.

Ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Chương trình MTQG 1719 cho biết, trong giai đoạn 2021-2023, Chương trình MTQG 1719 đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Trong đó, một số tỉnh của khu vực miền Trung và Tây Nguyên như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi… đã đạt tỷ lệ giải ngân nguồn vốn cao so với bình quân của khu vực và bình quân của cả nước.

Mặc dù, chương trình MTQG 1719 được xem là động lực thúc đẩy, mang lại nhiều khởi sắc cho vùng đồng bào DTTS và miền núi tuy nhiên do đây là chương trình mới, địa bàn rộng liên quan đến nhiều cấp, ngành nên thời quan qua công tác triển khai vẫn còn lúng túng do có nhiều quy định, văn bản chưa rõ ràng.

Theo ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ khi Chương trình MTQG 1719 được Quốc hội phê duyệt và đi vào triển khai, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan nhanh chóng triển khai. Tuy nhiên, đây là chương trình quá đặc thù nên đến thời điểm hiện tại tỷ lệ giải ngân nguồn vốn mới được 7 - 8%. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương trong quá trình triển khai nếu gặp vướng mắc thì đề xuất tháo gỡ ngay, không chần chừ kéo dài thời gian.

Còn tại tỉnh huyện Bố Trạch (Quảng Bình), hiện tại chưa giải ngân được ở 2 nội dung hỗ trợ đất ở và nhà ở của Dự án 1. Trong báo cáo của UBND huyện do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thủy ký đã đề cập rõ nguyên nhân là do “Chưa có hướng dẫn về quy trình thực hiện vì là vốn đầu tư, phương thức hỗ trợ, hình thức rút vốn đầu tư, thanh toán, quyết toán kinh phí được hỗ trợ”. Cụ thể như ở nội dung hỗ trợ đất sản xuất ở Dự án 1, hiện nay các hộ đồng bào DTTS sinh sống ở khu vực có rừng, nhưng thiếu đất sản xuất theo định mức quy định. Trong khi đó khu vực xung quanh đồng bào định cư, sinh sống đã được quy hoạch 3 loại rừng. Do đó, việc bố trí để cấp đất cho đồng bào chưa thể thực hiện được trong một sớm một chiều.

Hiện nay, tại nhiều địa phương khi thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã bộc lộ những bất cập cần tháo gỡ, vì vậy, cần được bổ sung các chính sách phù hợp, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững cho vùng DTTS và miền núi.

Đánh giá hiệu quả của Chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, việc phê duyệt và triển khai Chương trình MTQG 1719 là một quyết sách quan trọng. Lần đầu tiên có một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua thực hiện cho thấy, việc triển khai các dự án, tiểu dự án ở các địa phương đã gặp không ít thách thức, khó khăn về cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện. Việc này đã tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện, giải ngân của Chương trình.

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định tổ chức các hội nghị sơ kết để kịp thời phối hợp với các địa phương xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc, đồng thời rà soát, đánh giá tổng thể đối với các mục tiêu, chỉ tiêu được giao, làm cơ sở cho việc tham mưu điều chỉnh nội dung, nguồn lực, địa bàn và xác định các giải pháp đẩy nhanh tiến độ bảo đảm hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu toàn quốc mà chương trình đã được phê duyệt.

“Các địa phương tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mang tính nền tảng, đặc thù để triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đúng tiến độ và đạt hiệu quả. Các cơ quan chủ quản các dự án, tiểu dự án đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phân công phân nhiệm rõ ràng, tăng cường nắm bắt tình hình triển khai thực hiện của các địa phương để đề xuất, tham mưu hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương”, ông Hầu A Lềnh cho biết.

Phương Nguyên