'Liên minh' ngân hàng - bảo hiểm?

Bắc Phong 07/07/2023 07:15

Trong dự thảo hướng dẫn về hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý của Bộ Tài chính có điểm rất đáng chú ý khi quy định "ngân hàng không được phép tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký kết hợp đồng bảo hiểm cho khách trong thời gian khách thực hiện các thủ tục vay vốn". Ngân hàng “bắt tay” với bảo hiểm là câu chuyện rất nóng suốt thời gian qua và vẫn tiếp tục nóng.

Khi người dân gửi tiền ngân hàng (hoặc giải ngân) được tư vấn mua bảo hiểm nhân thọ, liệu ngân hàng và bảo hiểm có vô can? Kiện tụng xảy ra, hầu hết các ngân hàng chỉ nhận họ là đơn vị tư vấn và không có trách nhiệm với việc khách hàng mua bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tư vấn viên đóng vai trò rất lớn trong việc mua bảo hiểm. Báo cáo về “Tác động của đại dịch (Covid-19) lên quan điểm của người tiêu dùng về bảo hiểm trong khu vực châu Á Thái Bình dương” của Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re Institute cho thấy, có đến 53% người được khảo sát cho rằng những khuyến nghị của tư vấn viên ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm.

Về “cú bắt tay” giữa bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng, nhiều chuyên gia tài chính cho biết phía bảo hiểm đã mang lại những khoản phí trả trước khổng lồ cho các ngân hàng. Vì thế, dưới danh nghĩa tư vấn nhưng chẳng khác nào ép mua bảo hiểm nhân thọ nếu muốn giải ngân khoản vay; hoặc tư vấn lập lờ bảo hiểm thành tiền gửi, hay bảo hiểm được giới thiệu rất ngọt ngào là “công cụ tài chính phòng vệ” bỗng dưng trở thành một kênh đầu tư lãi suất cao.

Cũng chính vì thế, khi khiếu kiện, người dân đã cho rằng mình bị lừa. Tuy nhiên, với những bản hợp đồng ngót trăm trang và đặc biệt là phần phụ lục kèm theo thì phần thua luôn thuộc về khách hàng.

Trong việc ngân hàng bắt tay với hãng bảo hiểm, nguy hiểm đến với khách hàng từ cách kinh doanh mập mờ, đánh lừa khi “bị” tư vấn chuyển tiền gửi (hoặc giải ngân) sang mua gói bảo hiểm nào đó, được cho là lãi suất cao. Nhân viên tư vấn đã cố tình lập lờ không nói rõ cho khách hàng đây là hợp đồng bảo hiểm mà lại nói là sản phẩm đầu tư do ngân hàng kết hợp hãng bảo hiểm. Hầu hết khách hàng không thể đọc hiểu hợp đồng nên chỉ còn cách tin vào tư vấn.

Hình thức kinh doanh ngân hàng - bảo hiểm (bancassurance) được xem là "con gà đẻ trứng vàng" giúp các công ty bảo hiểm khai thác lượng khách hàng lớn từ các ngân hàng mà không mất chi phí tiếp thị khách hàng; còn các ngân hàng gia tăng nguồn thu. Thiệt thòi thuộc về khách hàng. Nhưng khi xảy ra kiện tụng, lập tức ngân hàng đứng ngoài cuộc, công ty bảo hiểm trả lời loanh quanh còn tư vấn viên “biến mất”. Theo cơ quan chức năng, hoạt động kinh doanh ngân hàng - bảo hiểm chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của bảo hiểm phi nhân thọ; hơn 40% số lượng hợp đồng bảo hiểm khai thác mới đến từ “liên minh” ngân hàng - bảo hiểm.

Năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm. Năm 2023 đã và đang tiếp tục. Về phía ngân hàng, ngày 15/2/2023, Ngân hàng Nhà nước có công văn chấn chỉnh các hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Sẽ xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm; tổ chức tín dụng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.

Như vậy, cả Bộ Tài chính lẫn Ngân hàng Nhà nước đã “tuýt còi” hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm. Nhưng đáng tiếc là hành vi “bán bia kèm lạc” này vẫn diễn ra, khiến nhiều người bỏ tiền mua bảo hiểm cho xong việc, mua mà không bao giờ dùng đến, vì có bảo hiểm kéo dài tới 90 năm!

Trở lại với những “cú bắt tay" giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, dù thu được lợi nhuận nhưng tới nay với quá nhiều lùm xùm thì chính họ lại phải đối mặt với sự sụt giảm uy tín. Dự thảo của Bộ Tài chính với quy định ngân hàng không được phép tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký kết hợp đồng bảo hiểm cho khách trong thời gian khách thực hiện các thủ tục vay vốn, đã cho thấy điều đó và càng cho thấy hoạt động này cần phải được chấn chỉnh.

Bắc Phong