Bảo tàng đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc

Phạm Sỹ 07/07/2023 07:21

Ngày 6/7, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (số 81 Tân Nhuệ, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm. Bảo tàng sẽ đem tới cho công chúng những góc nhìn về cuộc đời một vị tướng tài của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Không gian trưng bày trong Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Bảo tàng được xây dựng theo nguyên mẫu căn nhà 34 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, nơi gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng sống từ năm 1958, đến năm 1986 trả lại cho nhà nước. Tại ngôi nhà này, gia đình ông nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 ở thôn Niêm Phò (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông nổi tiếng với danh hiệu “Ông tướng du kích” và cũng là “Đại tướng làm nông nghiệp”, gắn với phong trào, hình mẫu sản xuất như “Gió Đại Phong”, “Thi đua Ba Nhất”, “Phá xiềng ba sào”... góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn và nông dân miền Bắc tiến bước vững chắc.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng công tác ở nhiều vị trí như Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bí thư Xứ uỷ Trung Bộ, Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, được cử vào Tổng bộ Việt Minh; Bí thư Khu uỷ IV; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Ủy viên Bộ Chính trị.

Đại tá Phạm Văn Phi - Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết, hệ thống trưng bày giới thiệu hơn 300 ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu giấy, 23 pho tượng đồng gắn với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng; 2 không gian tái hiện là phòng làm việc trước đây của Đại tướng ở căn nhà 34 Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam; trên 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng; hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng.

Được biết, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thực hiện đề cương trưng bày từ cuối năm 2021. Dù gặp không ít khó khăn vì tư liệu, hiện vật rải rác ở nhiều nơi, hệ thống trưng bày vẫn được chuẩn bị công phu, khoa học trong không gian hai tầng của Bảo tàng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cho biết, ông và các thành viên trong gia đình đã đóng góp để xây dựng bảo tàng với quy mô tối thiểu, không thu tiền bên ngoài hay xin kinh phí từ Nhà nước. Về chức năng của bảo tàng, gia đình cũng không có ý định tôn vinh thêm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà chỉ kỳ vọng bảo tàng sẽ đóng góp nguồn tư liệu quý về lịch sử của quân đội và đất nước. Ngoài trưng bày hình ảnh và hiện vật theo truyền thống thì bảo tàng sẽ sử dụng công nghệ hiện đại như màn hình tương tác, màn hình chiếu phim tư liệu, thuyết minh tự động để phục vụ cho khách tham quan.

Hiện tại với những hiện vật được trưng bày, bảo tàng đã tái hiện khách quan, trung thực về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng như các bậc tiền bối cách mạng cùng thời.

Theo Đại tá Phi, “đây sẽ không đơn thuần là bảo tàng gia đình mà sẽ có sự lan tỏa đến toàn xã hội. Đặc biệt sẽ có vai trò cùng các thiết chế văn hóa khác của nhà nước, địa phương làm tốt công tác giáo dục lịch sử truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam cũng như du khách khi đến Hà Nội. Đây là những phần minh chứng sinh động nhất về cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc”. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, bảo tàng đã nhận được sự đóng góp của nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những chủ đề ở trưng bày là thông điệp về chân dung một nhà cách mạng toàn tâm, toàn ý đối với dân tộc, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Thế hệ mai này nhớ tới Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở sự giản dị, chân thành với đồng nghiệp, đồng chí, bạn bè. Ông Huy đề xuất, nên cân nhắc để bố trí hài hòa không gian trưng bày, để khách tham quan không bị ngợp trước ngồn ngộn thông tin bằng chữ, ảnh, hiện vật. Cùng với đó, tăng cường video, thuyết minh về tài chỉ huy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong những trận đánh tại chiến trường miền Nam.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm trưng bày từ ngày 6/7. Trong quá trình tiếp tục hoàn thiện, bảo tàng mở cửa đón khách tham quan, đóng góp ý kiến, từ thứ Ba đến Chủ nhật hàng tuần vào các khung giờ từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30 và 14 giờ đến 17 giờ. Đại tá Phạm Văn Phi - Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết, bảo tàng sẽ chính thức khánh thành vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2024).

Phạm Sỹ