Định kiến trường công, trường tư
Năm 2023, tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập chỉ có 55,7% trong tổng số hơn 100.000 thí sinh đăng ký dự thi, thấp hơn so với năm 2022. Như vậy, có hơn 33 nghìn học sinh (hơn 40%) bị trượt lớp 10 công lập, trong đó rất nhiều học sinh giỏi THCS không đỗ trường nào dù điểm rất cao.
Tỉ lệ chọi cao
Kỳ thi vào lớp 10 công lập trở thành chủ đề “nóng” mỗi mùa tuyển sinh. Tỉ lệ học sinh vào trường công lập trong những năm gần đây giảm dần: năm học 2021-2022 là 62%; năm học 2022-2023 là 60%; năm học 2023-2024 là 55%. Năm 2023, các trường tốp đầu lấy điểm cao hơn 1 điểm so với năm 2022. Các trường trong nội thành Hà Nội không có trường nào lấy điểm chuẩn dưới 37. Tỉ lệ lấy đầu vào trường công lập của các địa phương chỉ dao động có 70-80% tổng số thí sinh dự thi, thậm chí có địa phương lấy chỉ hơn 60% thì chuyện rất nhiều thí sinh trong tỉnh không đủ điểm đậu trường công lập là điều chắc chắn xảy ra.
Xem qua bảng điểm chuẩn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mùa thi năm nay, có những thay đổi đáng ngạc nhiên. Có những trường THPT không chuyên nhưng phải đạt điểm trung bình từ 8,9 điểm/1 môn thi thì thí sinh mới có cơ hội trúng tuyển. Vì thế, học sinh giỏi đại trà ở các trường THCS cũng khó có cơ hội đậu vào những trường tốp điểm chuẩn cao. Chính vì tỉ lệ chọi của Hà Nội ở mức cao nên việc địa phương này lấy điểm chuẩn cao hơn các địa phương khác là điều bình thường. Tuy nhiên, ít ai nghĩ đến khả năng mức điểm chuẩn trung bình lại cao như trên.
Chị L.T.H. (Hà Đông, Hà Nội) cũng đang rất hoang mang khi con đạt 38 điểm mà vẫn trượt THPT Quang Trung (Hà Đông). Chị H cho biết: “Ban đầu gia đình có hy vọng con sẽ trúng tuyển trường THPT Quang Trung, nhưng đến khi công bố điểm trúng tuyển thì không còn cơ hội dù nộp hồ sơ từ rất sớm. Con và bố mẹ đều rất hoang mang, dự kiến gia đình sẽ nộp hồ sơ cho con tại một trường ngoài công lập khác trên địa bàn quận, con sẽ phải chấp nhận đi học xa hơn rất nhiều”.
Mức điểm chuẩn trung bình của các trường THPT không chuyên lấy từ 40-44,5 điểm, không dành cho những học sinh có học lực khá ở các nhà trường THCS. Thậm chí, những học sinh được tổng kết ở lớp học lực giỏi đại trà vẫn rớt vì điểm học và điểm thi bao giờ cũng có sự chênh lệch. Thông thường, điểm trung bình môn của học sinh được tổng kết trên lớp cũng sẽ cao hơn điểm thi tuyển sinh vào lớp 10.
Đối với các gia đình lâu nay vẫn dựa vào điểm số của con để đinh ninh rằng con học giỏi, học tốt nhìn vào bảng điểm chuẩn không khỏi choáng váng. Có những học sinh bình thường điểm giỏi, đã trượt không đỗ vào các trường này.
Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra
Có gần 50% học sinh đối mặt với tình huống được gọi là “không đỗ trường công lập”. Các em mới bước vào tuổi 15, tuy không đậu vào lớp 10 công lập, nhưng bên cạnh đó có rất nhiều hình thức học tập và cũng có nhiều cách "vào đời" khác nhau. Chỉ tiêu vào trường công có hạn không hoàn toàn do lực học của các em, cũng không phải do các em yếu kém, lười học. Đằng sau việc học sinh giỏi không đỗ vào trường top đầu THPT còn nhiều vấn đề khác liên quan. Cơ hội học tập chưa bao giờ dừng lại và còn rất nhiều lựa chọn cho học sinh và các gia đình.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, thực tế có nhiều thí sinh đã xác định tâm lý có thể trượt THPT công lập từ trước khi thi, song các em vẫn đăng ký các nguyện vọng mong muốn với hy vọng được thử sức. Với những trường hợp này, phụ huynh cũng đã xác định trước phương án học tập cho con nên khá chủ động. Bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp cha mẹ bị động khi con thi trượt lớp 10 công lập. Với số lượng trường lớp cả công lập và ngoài công lập như hiện nay, chắc chắn mọi học sinh Hà Nội đều có cơ hội học tập.
Theo thầy Nguyễn Cao Cường, với những học sinh có năng lực học tập tốt, cha mẹ nên tiếp tục định hướng cho con theo học các trường THPT ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên để hoàn thành bậc THPT. Việc chọn trường cần cân nhắc các đến các yếu tố phù hợp về môi trường, năng lực học tập, khả năng đáp ứng của các trường THPT, điều kiện tài chính gia đình và định hướng của gia đình với các con trong tương lai.
Song, cũng có những trường hợp cha mẹ cần nhìn thẳng vào năng lực của các con, có thể lựa chọn các trường cao đẳng nghề. “Hiện nay có rất nhiều nghề có cơ hội việc làm tốt như điện tử, điện lạnh, thiết kế đồ họa, tin học, nấu ăn… Nhiều trường hợp học sinh được định hướng học nghề sớm từ lớp 10 đã rất thành công. Cha mẹ cần ngưng việc phân tích nguyên nhân vì sao con trượt, bình tĩnh đồng hành cùng các con vì phía trước vẫn còn rất nhiều cơ hội” - thầy Nguyễn Cao Cường chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có thể tiếp tục học THPT hoặc đi học nghề. Việc lựa chọn phương án nào sẽ dựa trên điều kiện thực tế của hoàn cảnh và mục tiêu của học sinh.
Nhiều cha mẹ học sinh chia sẻ nguyên nhân muốn con thi vào lớp 10 công lập có nhiều, như học phí rẻ, chất lượng tốt, gần nhà. Tuy nhiên, ngay cả khi gia đình có tài chính, nhà không gần trường, có những bố mẹ vẫn muốn con vào trường công vì sợ trường tư thục chất lượng giáo dục không tốt, học sinh hư, môi trường giáo dục không nền nếp.
Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận cha mẹ đã nắm bắt xu hướng của giáo dục tư thục, tư duy đổi mới, có khả năng chi trả cho chi phí học tập ở trường tư, nhưng cũng có nhiều gia đình giữ định kiến chứ không phải vì vấn đề tài chính. Vì vậy, đã đến lúc cần “gột rửa” định kiến còn lại để tạo nên sự công bằng và bình đẳng trong giáo dục.