Đắk Lắk: Dân đồng thuận, chính quyền quyết tâm, cao tốc sớm thông

Thanh Nga 13/06/2023 15:01

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, con đường nối cao nguyên với biển sắp khởi công sẽ là cầu nối để Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung có động lực phát triển. Công tác giải phóng mặt bằng trên tuyến dự án đã được nỗ lực triển khai. Đến thời điểm này, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk là điểm sáng về công tác vận động, tuyên truyền để người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng cho dự án.

Dân vận khéo, đồng thuận cao

Ea Yông là một trong 8 xã của huyện Krông Pắc có dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua. Ông Nguyễn Phụng Minh - Chủ tịch UBND xã cho biết, diện tích cần thu hồi để phục vụ dự án là hơn 25ha của 107 hộ và một cơ sở tôn giáo. Triển khai chỉ đạo của tỉnh và huyện, xã Ea Yông đã thành lập những tổ vận động, tuyên truyền để đến từng hộ gia đình giải thích ý nghĩa của dự án cũng như các quy định của pháp luật và chính sách người dân được hưởng. Những thắc mắc, đề xuất, kiến nghị của bà con sẽ được giải đáp kịp thời, trong trường hợp quá thẩm quyền thì xã cũng kịp thời báo cáo cấp trên giải quyết. Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng của xã đến thời điểm này khá thuận lợi, người dân đồng thuận cao với chủ trương của nhà nước.

Người dân xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc đăng ký bàn giao mặt bằng sớm.
Người dân xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc đăng ký bàn giao mặt bằng sớm.

“Đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ kiểm đếm và bàn giao về Trung tâm Quỹ đất của huyện. Sau khi áp giá, xã sẽ niêm yết công khai và mời bà con ra xem. Nếu hộ nào chưa đồng ý, chúng tôi sẽ tiếp thu và ý kiến để huyện xem xét điều chỉnh. Làm sao để hài hoà, và đạt sự đồng thuận cao trong nhân dân” - ông Nguyễn Phụng Minh chia sẻ.

Như gia đình ông Hoàng Trung Thành, thôn Tân Sơn, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc có 8 sào đất trồng cà phê xen sầu riêng. Theo quy hoạch, Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua khu rẫy nhà ông Thành với diện tích cần thu hồi là 4.000m2. Để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, cán bộ xã, ban tự quản thôn đã tích cực đến nhà ông Thành vận động, tuyên truyền cặn kẽ. Hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, ông Thành rất vui vẻ hợp tác với cán bộ ban giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành công tác đền bù và bàn giao mặt bằng.

“Các cán bộ kiểm đếm thông báo cho dân, chúng tôi dẫn họ đến vị trí đất cần thu hồi, họ căng dây đo mốc từ đầu đến cuối, đếm cây để sau đền bù. Các bên phối hợp đo đạc, kiểm đếm cùng gia đình thấy chính xác ổn thì bà con nhất trí” - ông Thành nói.

Các tổ kiểm đếm của Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng tiến hành kiểm đếm theo mốc biên đã được cắm.
Các tổ kiểm đếm của Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng tiến hành kiểm đếm theo mốc biên đã được cắm.

Cùng lắng nghe, chia sẻ

Thôn Thanh Bình và Thôn Thanh Xuân, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc là nơi có đông người dân các tỉnh phía Bắc vào định cư. Tổ kiểm đếm, ban giải phóng mặt bằng của xã quá trình làm việc đã ghi nhận trong phạm vi thu hồi đất của hai thôn có đến 16 phần mộ được chôn cất ngay trong vườn của người dân. Bà Triệu Thị Hồng Vân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thanh Bình cho biết, theo phong tục của người Tày, Nùng nơi đây, việc cất bốc các phần mộ phải được tiến hành trước Tết Thanh minh 3/3 âm lịch. Nếu bỏ lỡ thời gian này, công tác di dời mộ để GPMB sẽ rất khó khăn. Chính vì thế, bà Vân đã mạnh dạn đề xuất tổ kiểm đếm và các cơ quan chức năng ưu tiên thực hiện trước đối với các diện tích đất có mộ, đề nghị huyện cho bà con ứng trước kinh phí để chủ động di dời các phần mộ theo phong tục.

Đề xuất chính đáng của hai thôn Thanh Bình và Thanh Xuân nhanh chóng được UBND huyện Krông Pắc tiếp thu, xem xét và chấp thuận. Huyện đã kịp thời bố trí 240 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ có phần mộ trong diện tích đất thu hồi. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày trước Tết Thanh minh, 16 phần mộ đã được người dân chủ động cất bốc, di dời về nghĩa trang tập trung.

Chị Đàm Thị Đào, thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh vui vẻ cho biết, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, việc cất bốc phần mộ của mẹ chồng chị diễn ra thuận lợi. Qua đó, gia đình chị cũng rất yên tâm khi được địa phương lắng nghe, giải quyết kịp thời nguyện vọng của người dân và mong đợi Dự án sớm triển khai thi công.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và lãnh đạo huyện Krông Pắc đi khảo sát thực tế.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và lãnh đạo huyện Krông Pắc đi khảo sát thực tế.

Chính quyền quyết tâm, cao tốc sớm thông

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài gần 118 km, đi qua thị xã Ninh Hòa của tỉnh Khánh Hòa và 5 huyện của tỉnh Đắk Lắk gồm: Krông Pắk, Krông Bông, Ea Kar, Cư Kuin, M’Đrắk. Trong đó huyện Krông Pắc có tuyến cao tốc đi qua dài nhất với hơn 33,3km, đi qua 8 xã gồm: Hòa Đông, Ea Knuếc, Ea Yông, Ea Kênh, Hòa Tiến, Tân Tiến, Ea Uy và Vụ Bổn. Tổng diện tích đất thu hồi hơn 255 ha của hơn 1.000 hộ dân và một số tổ chức. Trong đó, có hơn 223ha thuộc phần tuyến cao tốc, khoảng 32ha thuộc phần mỏ vật liệu.

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc khẳng định, cấp ủy, chính quyền huyện và 8 xã có Dự án cao tốc đi qua đều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương và quyết tâm cao nhất. Mỗi thành viên, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ triển khai dự án đều ý thức được trách nhiệm của mình với dự án trọng điểm này. Cũng nhờ đó, đã khiến người dân yên tâm, đồng thuận và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ cùng các cơ quan chức năng triển khai dự án.

Đến thời điểm ngày 12/6/2023, việc cắm mốc, nhận mốc, thông báo thu hồi đất đều đã đạt 100% với 223/223ha. Huyện cũng đã thẩm định và phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng với một tổ chức là Công ty TNHH HTV cà phề Cư Pul với diện tích 18,79ha với tổng chi phí hơn 41 tỷ đồng. Đồng thời, đã công khai dự thảo phương án đợt 1 đối với 8 xã với tổng diện tích 140,9ha của 795 hộ và một số tổ chức.

Với các kết quả khả quan vừa qua, huyện Krông Pắc cam kết bàn giao 70% mặt bằng cho chủ đầu tư trước 30/6/2023 và hoàn thành GPMB 100% toàn tuyến trước 15/12/2023 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Thanh Nga